Xu thế phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị
QPTĐ- Việt Nam đang tự tin hướng đến khát vọng về một nền nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị. Theo đó, nền nông nghiệp sinh thái chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế trong sản xuất lương thực, thực phẩm thông qua việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ thông minh và thân thiện với môi trường.
Mô hình nông nghiệp sinh thái
Ở Việt Nam, một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái đã được triển khai từ khá lâu. Các mô hình này đều hướng đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, giảm thiểu sự thất thoát, lãng phí và tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường sinh thái, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Thu hoạch tôm trên cánh đồng lúa-tôm ở tỉnh Cà Mau.
Ảnh: Internet
Hệ thống vườn ao chuồng được áp dụng phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980. Đây là hệ thống khép kín mà các thành phần trong hệ thống này có liên hệ mật thiết với nhau, sử dụng chất thải của thành phần này làm nguyên liệu đầu vào cho thành phần khác. Hệ thống vườn ao chuồng là một hệ thống sinh thái hoàn chỉnh, thống nhất các khâu, các thành phần, chi phí đầu tư thấp và phù hợp với hầu hết các vùng ngoại thành, nông thôn Việt Nam.
Hệ thống kết hợp lúa-tôm, lúa-cá là hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hữu cơ những năm gần đây. Mô hình này xuất hiện vào những năm đầu thập niên 2000 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong mô hình này, phụ phẩm từ nuôi tôm, cá sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, phụ phẩm từ sản xuất lúa là nguồn thức ăn cho tôm, cá. Cho đến nay, mô hình này đang được cải biến thành mô hình “lúa thơm-tôm sạch” và “lúa thơm-cá sạch”.
Hệ thống nông nghiệp cảnh quan bền vững là phương pháp tiếp cận tổng hợp để giải quyết tình trạng suy thoái môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng cường đa dạng sinh học, đồng thời cải thiện an ninh về lĩnh vực lương thực và dinh dưỡng. Đến nay, có nhiều mô hình nông nghiệp cảnh quan bền vững, như mô hình cà phê cảnh quan ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk; mô hình quản lý và bảo tồn hệ sinh thái ngập nước và phát triển sinh thái bền vững ở Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp.
Hệ thống nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là hệ thống sử dụng nguyên lý cộng hưởng của nông nghiệp sinh thái. Du lịch nông nghiệp sinh thái là mô hình đang ngày càng được đầu tư và chú trọng ở Việt Nam. Thời gian qua, có nhiều mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái triển khai thành công ở Việt Nam, như du lịch nông nghiệp ở Hội An (tỉnh Quảng Nam); du lịch nông nghiệp tại Ba Vì (thành phố Hà Nội), Tam Đường (tỉnh Lai Châu), Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Phát triển nông nghiệp sinh thái
Tư duy sản xuất theo nông nghiệp sinh thái vẫn còn chưa phổ biến. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu tập trung vào việc gia tăng sản lượng mà chưa chú trọng nhiều đến các yếu tố về an toàn thực phẩm, tính tự bền vững của hệ thống sản xuất, tính đa dạng sinh học, sức khỏe đất, sức khỏe cây trồng và chưa tập trung vào nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cùng với đó, sản xuất chưa bắt kịp những thay đổi nhanh chóng về thị hiếu tiêu dùng ở thị trường trong nước cũng như quốc tế. Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 170 nghìn héc-ta, diện tích trồng trọt đạt chứng nhận tiêu chuẩn bền vững như VietGAP, GlobalGAP và chứng nhận tương đương chỉ đạt 10%. Bên cạnh đó, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nông nghiệp chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Đây là những thách thức không nhỏ cho phát triển nông nghiệp sinh thái.
Giải pháp phát triển nông nghiệp sinh thái cần có những chiến lược truyền thông để thay đổi nhận thức cho những nhà quản lý, người nông dân, hợp tác xã và các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thay đổi nhận thức của xã hội để khuyến khích sản xuất theo hướng sinh thái. Truyền thông để khuyến khích người tiêu dùng sẵn sàng đón nhận những sản phẩm sản xuất theo các nguyên tắc nông nghiệp sinh thái, khuyến khích và có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp sinh thái ra thị trường.
Đồng thời, cần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, tăng cường chia sẻ tri thức nhằm hướng tới nền nông nghiệp bền vững, minh bạch, trách nhiệm. Khuyến khích nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo và áp dụng các giống cải tiến thích ứng tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, đồng thời chú trọng công tác thu thập, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi quý của địa phương làm vật liệu chọn tạo giống cả bằng hình thức tại nông hộ và ngân hàng gen; hỗ trợ người nông dân gìn giữ các giống cây, con quý thông qua hỗ trợ phát triển các giống địa phương thành sản phẩm đặc sản, nâng cao giá trị kinh tế sản xuất, giúp người dân gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Đầu tư nghiên cứu các mô hình đa dạng về nông nghiệp sinh thái, các kỹ thuật áp dụng phát triển nông nghiệp sinh thái theo các vùng, ngành khác nhau và chia sẻ kết quả, công nghệ áp dụng cho người sản xuất để nhân rộng các mô hình.
Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò của doanh nghiệp đối với ngành Nông nghiệp. Những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt tầm cỡ khu vực, toàn cầu minh chứng cho tài năng, trí tuệ của một cộng đồng doanh nghiệp luôn năng động, đầy tâm huyết, giàu khát vọng, từng bước chinh phục những điều tưởng rằng như không thể. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm hứng, đồng hành với bà con, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn. Nếu chỉ chạy theo lợi ích đơn thuần có thể làm cho môi trường bị suy thoái, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học thì sẽ không bền vững.
SONG HÀ