Phòng, chống tham nhũng gắn liền với chống tiêu cực
QPTĐ-Tại cuộc họp Bộ Chính trị (ngày 10/9) cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, tiếp tục chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu định hướng nêu rõ, không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới dẫn đến tham nhũng. Đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ngày 10/9. (Ảnh: TTXVN)
Qua các cơ quan báo chí, truyền thông, phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận xã hội trong và ngoài nước bày tỏ thái độ ủng hộ đối với cuộc chiến “chống giặc nội xâm” do Đảng và Nhà nước ta phát động. Cuộc chiến trong nội bộ này hẳn sẽ tiếp tục kéo dài, dai dẳng, cam go, không kém phần khốc liệt đối với “kẻ thù” không chỉ là tham ô, tham nhũng về kinh tế mà còn là những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sa ngã trước cám dỗ về vật chất và lợi ích.
Trong giai đoạn 2016-2021, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến các địa phương. Cơ quan Điều tra, Tư pháp các cấp đã xem xét, đưa ra xét xử nhiều vụ tham nhũng, gây thất thoát lớn về kinh tế. Hàng trăm các chủ doanh nghiệp: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty mẹ, công ty con vi phạm pháp luật phải hầu tòa. Hơn 40 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, nhiều người bị kết án tù, trong đó có Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, sĩ quan cấp tướng, Bí thư, Phó Bí thư cấp tỉnh, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Đáng lưu ý, một số Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng cấp bộ và UBND cấp tỉnh bị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật tập thể-Một sự kiện hy hữu, hiếm thấy trước đó!
Mặc dù, đó là chuyện không vui nhưng lại là một tín hiệu tích cực cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, không chỉ “tắm từ vai trở xuống” như lời đồn đại.
Bằng chứng là, ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù-mức cao nhất đối với tù có thời hạn, bất chấp ông này từng giữ chức Bộ trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy. Ông Phan Văn Vĩnh, Trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, Thiếu tướng, nguyên Cục trưởng C50, bảo kê vụ đánh bạc xuyên quốc gia do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, nhận án tù 9 năm và 10 năm. Hai Thứ trưởng Bộ Công an: Trần Việt Tân và Bùi Văn Nam, nhượng “đất vàng” cho Vũ “nhôm”, dắt tay nhau nhập trại.
Tuần trước (9/9), dư luận xôn xao trước quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật Cảnh cáo Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; Cảnh cáo 5 cán bộ tòa án này trong đó có Chánh án, 2 Phó Chánh án do mắc sai phạm tha tù cho trùm cờ bạc Phan Sào Nam trước thời hạn 22 tháng? Tại sao vậy?
Ngày 7/9, bà con khó hiểu trước quyết định của Tòa án nhân dân Hải Phòng tuyên phạt Ngô Văn Phát (đại gia Phát dầu), thành lập 22 công ty ma, mua bán hơn 25.000 hóa đơn giá trị gia tăng, thu lợi hơn 160 tỉ đồng nhưng chỉ bị…24 tháng tù?
Liệu có chuyện, nén bạc đâm toạc tờ giấy trong sự vụ ở hai tòa án trên?
NHẬT KIỀU