A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẫn là cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí

 

QPTĐ-Hằng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự cho mình cái quyền gọi là Báo cáo nhân quyền quốc gia, trong đó, có đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Như thường lệ, ngày 11/3/2020, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố “Báo cáo nhân quyền quốc gia năm 2019”. Nội dung của báo cáo vẫn là một cái nhìn phiến diện, thiếu thiện chí đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.

 

 

Việt Nam chủ trì cuộc họp Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) lần thứ 30.  

Ảnh: Internet

Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí


Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet và tự do tôn giáo.


Đây đúng là một nhận định phiến diện, thiếu thực tế. Việt Nam luôn khẳng định, tự do ngôn luận, tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người được Hiến định. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam đã cụ thể hóa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tự do báo chí thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018...


Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có 850 cơ quan báo chí, trong đó, có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí, trong đó, có 20.407 người được cấp thẻ nhà báo. Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí.


Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Báo cáo Digital Marketing Việt Nam 2019 cho biết, hiện có tới 64 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam, tăng đến 28% so với năm 2017. Theo số liệu thống kê, có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng 8 triệu người dùng so với năm 2018. Cũng theo báo cáo trên, người dùng Việt Nam dành trung bình tới 6 giờ 42 phút mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan tới mạng Internet. Báo cáo cũng đề cập thêm, người dùng Việt Nam dùng trung bình 2 giờ 32 phút để dùng mạng xã hội, 2 giờ 31 phút để xem các stream hoặc các video trực tuyến và dùng 1 giờ 11 phút để nghe nhạc. 94% là tỷ lệ người dùng Internet ở Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày. Vậy mà báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá Việt Nam không có tự do internet liệu có khách quan, đúng thực tế?


Còn về tự do tôn giáo, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Và trong thực tế Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi quyền ngăn chặn sự vi phạm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước đã có những biện pháp, chế tài nhằm hỗ trợ cho công dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ra, Nhà nước còn chủ động đưa ra các kế hoạch, chính sách, đề án, chương trình cụ thể để mọi công dân thực hiện các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật Nhà nước.

 

Sẵn sàng đối thoại về dân chủ, nhân quyền


Việt Nam không né tránh vấn đề dân chủ, nhân quyền mà sẵn sàng trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Quan điểm này đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó, Báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm thông qua khuôn khổ đối thoại nhân quyền thường niên, nhằm tăng cường hiểu biết trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.


Ngoài đối thoại nhân quyền thường niên với Mỹ, Việt Nam cũng tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, nhất là trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Gần đây, ngày 18-2-2020, tại Hà Nội đã diễn ra Cuộc họp Uỷ ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) lần thứ 30, do Đại sứ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện AICHR của Việt Nam, Chủ tịch AICHR 2020, chủ trì với sự tham dự của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN. 


Tiếp đó, ngày 19-2-2020, tại Hà Nội, Việt Nam và EU đã tiến hành Đối thoại thường niên về quyền con người. Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam và EU và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87.


Với việc sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và làm sáng tỏ chính sách của Nhà nước Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan tới vấn đề dân chủ, nhân quyền, đã đến lúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần có cách nhìn đầy đủ, khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, tránh định kiến, phiến diện, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đang tăng cường hợp tác toàn diện vì lợi ích của cả hai nước.


Đức Phương

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ