A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy môn GDQP-AN cho học sinh trên địa bàn Thành phố

QPTĐ-Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP-AN) nói chung và GDQP-AN cho học sinh nói riêng, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền, Hội đồng GDQP-AN các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác này với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ bản được hoàn thiện. Trong đó, Hội đồng GDQP-AN, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và phòng GD&ĐT của các địa phương trên địa bàn Thủ đô luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện môn học GDQP-AN tại các nhà trường cho học sinh theo đúng quy định của pháp luật.

Năm học 2022-2023, trên địa bàn Thành phố hiện có tổng số 1.764 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, với tổng số 1.595.332 học sinh (815 trường tiểu học với 802.396 học sinh; 655 trường trung học cơ sở với 515.036 học sinh; 247 trường trung học phổ thông với 277.900 học sinh). GDQP-AN là môn học chính khóa với khung chương trình chính khóa 35 tiết/năm học, chính vì vậy, thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 100% các trường trung học phổ thông triển khai dạy rải 1 tiết/tuần (căn cứ vào tình hình thực tế của các nhà trường xây dựng kế hoạch điều chỉnh dạy phù hợp và bảo đảm chất lượng, số lượng đầy đủ); duy trì nghiêm nền nếp dạy và học môn học giáo dục quốc phòng và an ninh.

Buổi giao lưu, nói chuyện về lịch sử, truyền thống LLVT của học sinh trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Bùi Anh Tuấn, Chuyên viên biệt phái, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố, Sở GD&ĐT đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã, các nhà trường trung học phổ thông bảo đảm kịp thời, đồng bộ, sát thực tiễn và có tính khả thi cao. Đặc biệt là tập trung nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định số 13 ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Chỉ thị số 1112 ngày 19/8/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.

Qua học tập môn QP-AN đã trang bị cho học sinh THPT có được những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Học sinh sau khi học xong chương trình hiểu được những nội dung chính về lịch sử, truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân, những nội dung chính trong một số văn bản luật về quốc phòng và an ninh; quyền và chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, làm cơ sở nhận thức đúng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hàng năm, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã đã triển khai đến 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố thực hiện đầy đủ công tác giáo dục lồng ghép GDQP-AN trong trường tiểu học, trung học cơ sở theo đúng quy định tại Thông tư số 01 ngày 13/01/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cấp tiểu học được triển khai lồng ghép ở tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5 trong các môn học tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lí; cấp trung học cơ sở được triển khai lồng ghép ở tất cả các khối lớp từ lớp 6 đến lớp 9 trong các môn học gồm ngữ văn, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc và mỹ thuật. Thông qua hoạt động giáo dục lồng ghép đã góp phần phát triển tư duy, bồi dưỡng phát triển kỹ năng sống, nhân cách con người Việt Nam, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, niềm tự hào và tự tôn đối với truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở.

Thầy giáo Bùi Văn Hạnh, giáo viên dạy môn GDQP-AN trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy môn GDQP-AN cho các em học sinh, chúng tôi thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh theo hướng dạy học tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; lấy ví dụ minh hoạ sát thực tiễn gắn với lịch sử truyền thống, các hoạt động của LLVT địa phương. Qua đó, giúp học sinh nắm được những vấn đề cơ bản về giữ gìn an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, những âm mưu thủ đoạn về chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, trên cơ sở đó có ý thức phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; có hiểu biết cơ bản về quân sự; có kỹ năng tối thiểu về điều lệnh đội ngũ; biết sử dụng súng tiểu liên AK…

Trao đổi kiến thức quốc phòng.

Theo báo cáo kết quả công tác GDQP-AN của Sở GD&ĐT năm 2022, các nhà trường đã tiến hành dự giờ, thao giảng được tổng số 21.661 tiết học môn giáo dục quốc phòng và an ninh, trong đó (cấp trường 13.096 tiết, cấp cụm trường 8.347 tiết và cấp Thành phố 218 tiết); kết quả 100% số tiết giảng dạy đạt khá, giỏi và nhiều tiết giảng đạt kết quả xuất sắc; đây là một trong những hoạt động chuyên môn quan trọng thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua việc dự giờ giúp người được dự từng bước trưởng thành trong công tác chuyên môn; giúp cho giáo viên chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình về công tác chuẩn bị bài thật kỹ cả về kiến thức chuyên môn lẫn thực tiễn, tìm hiểu, trao đổi với đồng nghiệp nhiều hơn để có một buổi dạy đạt kết quả cao nhất. Thông qua các loại hình dự giờ nhằm đạt mục tiêu đánh giá tay nghề giáo viên, thúc đẩy phong trào thi đua trong đội ngũ lựa chọn được giáo viên dạy giỏi các cấp, đặc biệt loại hình dự giờ rút kinh nghiệm để mỗi giáo viên học tập được kinh nghiệm lẫn nhau. Đây là nhiệm vụ thường xuyên mà các nhà trường phải triển khai cho tổ chuyên môn thực hiện trong từng năm học.

Để tiếp tục phát huy những thành tích giảng dạy môn GDQP-AN trong thời gian tiếp theo, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội đã chỉ đạo 100% các nhà trường thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy môn GDQP-AN cho học sinh theo hướng dạy học tích cực; ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; củng cố cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, thao trường, bãi tập đáp ứng yêu cầu môn học. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Đa dạng hóa các hình thức dạy học như: Dạy học trên lớp, dạy học tại thực địa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, kiểm tra, đánh giá xếp loại học sinh khách quan, công bằng, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót trong tổ chức thực hiện; sử dụng hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học sâu rộng hơn, triệt để hơn, theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Giáo viên chủ động thiết kế giáo án linh hoạt, khoa học, sắp xếp hợp lý các hoạt động học tập; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm... Bài giảng của giáo viên xác định mục tiêu bài học cần xác định được những đơn vị kiến thức cơ bản, trọng tâm và tập trung các phương pháp, phương tiện và tổ chức có hiệu quả các hoạt động học tập của học sinh, làm nổi bật kiến thức trọng tâm, tạo điểm nhấn cho bài giảng, giúp học sinh theo dõi tập trung, có định hướng không gây tâm lí chán nản, căng thẳng, mệt mỏi.

 

Đặc biệt, các nhà trường đã chủ động liên hệ với Ban CHQS quận, huyện, thị xã tạo điều kiện trong trang bị thiết bị cần thiết trong thực hiện dạy học… Cùng với đó, để người học tiếp cận sâu hơn với các hoạt động của LLVT, các nhà trường đã chủ động phối hợp với các đơn vị đóng quân trên địa bàn đưa học sinh vào tham quan, giới thiệu lịch sử truyền thống của đơn vị, qua đó, tạo cho các em có một trải nghiệm thực tế đối với công tác quân sự. Hàng năm, Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn về công tác GDQP-AN cho học sinh cấp THPT; đây là dịp để đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, tọa đàm, thảo luận nghiên cứu chuyên sâu về tổ chức, phương pháp giảng dạy môn học, đi sâu nghiên cứu các phương pháp mang tính chất đặc thù của môn học nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên GDQP-AN trong toàn Thành phố.

Đối với học sinh, sinh viên, ngoài việc nâng cao kiến thức về quốc phòng, GDQP-AN góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc, hình thành ý thức quốc phòng đúng đắn, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh, sinh viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, xây dựng ý thức tổ chức kỉ luật, nếp sống tập thể, cùng với các hoạt động khác góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội. Cùng với đó, quá trình thực hiện GDQP-AN đã nâng cao kĩ năng, nhận thức cơ bản về môn quân sự cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, sẵn sàng tham gia xây dựng, bảo vệ địa phương sau khi rời ghế nhà trường.

Việt Dũng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ