A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy

 

Những năm qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà cao tầng, chợ, khu công nghiệp, phương tiện giao thông và cháy rừng. Chỉ tính  trong 3 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố đã xảy ra gần 70 vụ cháy, nổ, gần 300 sự cố cháy làm hàng chục người chết, bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hàng trăm tỉ đồng. Trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ nổ tại khu đô thị Văn Phú, quận Hà Đông làm 5 người chết, hàng chục người bị thương, hàng trăm ngôi nhà hư hỏng. Điều đó ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự, môi trường đầu tư và an sinh xã hội.

 

 

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 544 tham gia chữa cháy tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện  Mê Linh.

 

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan. Một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH); chưa nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy, chữa cháy. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ chưa được quan tâm đúng mức; chưa tạo được ý thức thường trực về phòng ngừa cháy, nổ trong các tầng lớp  nhân dân; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn chưa sâu rộng. Quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy còn buông lỏng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn phổ biến. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy còn thiếu về số lượng, yếu về nghiệp vụ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các điều kiện hạ tầng bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

 

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác PCCC & CNCH, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 66/KH-UBND, triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đến các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội từ cấp thành phố đến quận, huyện, thị xã và cấp cơ sở nội dung chỉ thị trên; quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện chỉ thị này và kế hoạch của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 47- CT/TW để thống nhất nhận thức và hành động.

 

Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục thực hiện Luật PCCC, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy về công tác PCCC & CNCH nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân về công tác PCCC & CNCH.

 

Đẩy mạnh việc xây dựng phong trào toàn dân tham gia hoạt động PCCC & CNCH; thực hiện xã hội hóa công tác PCCC & CNCH, phát huy hiệu quả các nguồn lực, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia hoạt động PCCC; xây dựng và nhân rộng các mô hình, tấm gương điển hình tiên tiến trong PCCC & CNCH.

 

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác PCCC & CNCH. Xác định công tác này là một nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên thực hiện trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đơn vị; gắn việc thực hiện với Chương trình của Thành ủy về tăng cường quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và các chương trình mục tiêu kinh tế-xã hội khác của thành phố.

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC của các cấp chính quyền; làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, phát hiện những sơ hở, thiếu sót, sai phạm, tồn tại, bất cập về PCCC để kịp thời đề xuất, kiến nghị giải quyết nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện pháp luật về PCCC trên địa bàn Thủ đô.

 

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành, liên ngành, tập trung vào các cơ sở, địa bàn trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao như: Khu, cụm công nghiệp, làng nghề, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, khu dân cư nguy cơ cháy, nổ cao...

 

Thực hiện tốt công tác nghiên cứu, rà soát, đề xuất ban hành, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật cho phù hợp công tác PCCC & CNCH trong tình hình mới. Kịp thời hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định của pháp luật đã ban hành đảm bảo kịp thời, hạn chế sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của thành phố và các cấp quận, huyện, thị xã đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCCC & CNCH trên từng địa bàn.

 

Hướng dẫn cơ sở (phường, xã, thị trấn, khu phố, tổ, cụm dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở...) xây dựng các quy định, quy ước liên quan đến công tác PCCC & CNCH đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị, cơ sở... Chú trọng trong công tác quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC & CNCH. Xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực phục vụ công tác  PCCC & CNCH.

 

Thu Huyền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ