A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: 29 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

 

QPTĐ-Ngay sau vụ cháy chung cư Carina ở Sài Gòn xảy ra, dư luận nói chung mà nhất là những người đang sinh sống tại các khu chung cư cao tầng đều thấy bất an và bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

 

 

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, trả lời báo chí tại cuộc họp chiều 3-4. 

 

Tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 3-4, báo cáo của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, năm 2017 và Quý I năm 2018, trên địa bàn Thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ; trong đó có 31 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng, 7 vụ cháy lớn, 187 vụ trung bình và 846 vụ cháy nhỏ, 3 vụ nổ. Ngoài ra còn có 699 sự cố chập điện, 442 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Các vụ cháy làm chết 24 người, bị thương 18 người; thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3ha rừng. So với năm trước, giảm 94 vụ cháy, bằng số người chết, giảm 9 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng hơn 125 tỷ đồng.


Theo đánh giá của Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội, mặc dù tình hình cháy, nổ tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng. Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm 67,27%); chủ yếu ở các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân (chiếm trên 95%). Số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chiếm từ 2-3% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 90%. Một số vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao (hơn 64%); các vụ cháy do cắt, hàn kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà, công trình không nhiều, song gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản.


Trước thực trạng như vậy, Sở Cảnh sát PCCC đã tham mưu với Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều đề án, kế hoạch về các giải pháp PCCC; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục về PCCC và cứu nạn cứu hộ  sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà”. Đồng thời, củng cố 2 đội PCCC chuyên ngành với 64 đội viên; 17.489 đội PCCC cơ sở với 262.335 đội viên; 3.229 đội dân phòng với 28.607 người; mở 3.031 lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho 4.766 đội viên lực lượng dân phòng PCCC cơ sở…

 

Cùng với đó, Sở tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì, mở rộng, đã ký kết quy chế phối hợp và triển khai thực hiện với 15 sở; tích cực thanh, kiểm tra, phúc tra và xử phạt hành chính hàng nghìn tổ chức và cá nhân…


Trả lời các câu hỏi của phóng viên xoay quanh những vấn đề như: Tại sao có hai con số khác nhau là 31 và 29 công trình chưa nghiệm thu đảm bảo về PCCC mà người dân vẫn vào ở? Khi xảy ra cháy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Các chung cư không thể chữa cháy là những chung cư nào? Sở nắm được bao nhiêu trường học đảm bảo hệ thống PCCC và đã nghiệm thu chưa? Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết: Tính chất 87 vụ cháy chưa quá lớn, người dân chủ động khắc phục. Cái đáng lo là cháy tầng hầm vì ở đó chứa nhiều vật liệu dễ bén lửa, mà đã hỏa hoạn dễ dẫn đến cháy to vì nơi chứa nhiều xe máy, ô tô, có khả năng lan nhanh; nguyên lý cháy ở dưới khói bốc lên trên, trong khi người hít phải khói có khả năng tử vong cao.


Còn tại sao lại có hai con số khác nhau là 31 hay 29 công trình chưa nghiệm thu đảm bảo về PCCC, vì trên tổng số 79 công trình còn tồn tại vi phạm, chưa đảm bảo về PCCC đã đưa vào sử dụng? Đây là câu chuyện khó khăn, phức tạp, sau khi đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố trực tiếp nghe các chủ đầu tư báo cáo nguyên nhân, đồng chí đã giao nhiệm vụ đến 28-2, các cơ quan phải khắc phục toàn bộ. Nhưng quá trình thực hiện, có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên đến đúng ngày 23-3 thì vẫn còn 31 công trình/79 công trình chưa thực hiện được các yêu cầu về PCCC, trong đó có 4 công trình thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên.

 

Đương nhiên từ đó đến nay, việc đôn đốc, khắc phục vẫn được tiến hành song thời gian qua có chững lại vì rơi vào dịp Tết. Tính đến ngày 2-4, có 2 công trình nữa tiếp tục được  nghiệm thu nên số còn lại là 29. Trong số đó, 14 đơn vị có khả năng tự khắc phục được, còn 15 công trình khó có khả năng khắc phục vì liên quan đến kết cấu nhà, vị trí, công năng của toà nhà…

 

Trong số các chung cư chây ì không thực hiện khắc phục về PCCC, có 3 chung cư đã được Sở Cảnh sát PCCC thu thập, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ, xử lý các lỗi vi phạm. 3 công trình không thực hiện khắc phục gồm: Chung cư CT4 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty Cổ phần Sông Đà là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê) của công ty Cổ phần Hà Châu OSC làm chủ đầu tư.

 

Sở vẫn đang phối hợp với các đơn vị tiếp tục rà soát, báo cáo cấp trên có thẩm quyền đề ra các biện pháp bổ sung thay thế. Nói như thế không phải hạ mức tiêu chuẩn, quy chuẩn mà phải thay thế bằng các giải pháp khác tương xứng, thậm chí tăng cao hơn để trên góc độ chuyên môn kỹ thuật vẫn chấp nhận được.


Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cảnh báo, chung cư mini, nhà ống phân lô tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Người dân không nên tham rẻ, mua các căn hộ mini vì chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận, tiết kiệm chi phí đầu tư cho công tác PCCC nên không đảm bảo an toàn, nếu xảy ra cháy nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng…


Trần Hiền

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ