A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

 

QPTĐ- Những năm qua, phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã được phát động, triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả tích cực. Qua phong trào, nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

 

 

Trung tá Đỗ Hoành Đức, Giáo viên Khoa Binh chủng, Trường Quân sự

trình bày sáng kiến “Bảng hiệu chỉnh pháo (pháo cối 82mm, pháo DKZ82-K65)”.

 

Tại Hội nghị nghiệm thu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật năm 2016 của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội có 12 sáng kiến, trong đó: Trường quân sự có 3; Sư đoàn Bộ binh 301 có 4; Trung đoàn Pháo binh 452 có 2 và Tiểu đoàn Thiết giáp 47 có 3 sáng kiến. Các sáng kiến tham gia nghiệm thu được chuẩn bị chu đáo gồm tên sáng kiến, đơn vị, cá nhân thực hiện và có bản thuyết minh rõ ràng về thực trạng, giải pháp, hiệu quả của sáng kiến. Hội đồng nghiệm thu Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã đánh giá 12/12 sáng kiến đủ tiêu chuẩn công nhận sáng kiến cấp Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trong đó có 5 sáng kiến xếp loại A; 4 sáng kiến xếp loại B; 3 sáng kiến xếp loại C.

 

Nhìn chung, các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đều có tính mới, sáng tạo, có hàm lượng khoa học khá cao, có khả năng ứng dụng thực tế, rộng rãi. Có sáng kiến rất tiết kiệm, tận dụng được những nguyên vật liệu sẵn có, thậm chí tái chế những thiết bị, vật liệu cũ. Các sáng kiến đều giải đáp được những vấn đề bất cập trong thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng các mặt hoạt động công tác của đơn vị. Nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được đánh giá cao như: Sáng kiến “Đèn vĩnh cửu dùng năng lượng sạch phục vụ các mặt hoạt động công tác của bộ đội” của Thượng uý Trần Kiểm Trung, Trạm trưởng Trạm sửa chữa Thông tin-Sư đoàn Bộ binh 301; sáng kiến “Bảng hiệu chỉnh pháo (pháo cối 82mm, pháo DKZ82-K65)” của Trung tá Đỗ Hoành Đức, Giáo viên Khoa Binh chủng- Trường Quân sự; sáng kiến “Dụng cụ tháo bệ khóa nòng súng BKT trên xe thiết giáp” của Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó tiểu đoàn trưởng Kỹ thuật -Tiểu đoàn Thiết giáp 47; sáng kiến “Giá bảo quản và kiểm tra kỹ thuật động cơ xuồng máy” của nhóm tác giả: Thiếu tá Đào Đăng Thông và Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Tiểu đoàn Thiết giáp 47…

 

Chúng tôi có cuộc trao đổi với Trung tá Đỗ Hoành Đức, Giáo viên Khoa Binh chủng- Trường Quân sự, người có sáng kiến được xếp loại A, anh cho biết: Trong quá trình huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành pháo binh nội dung: “Kiểm tra hiệu chỉnh pháo, cụ thể kiểm tra hiểu chỉnh đường ngắm 30-00”, hầu hết các đơn vị pháo binh nói chung và Trường Quân sự nói riêng đều sử dụng bảng hiệu chỉnh chung có kết cấu mặt bảng tôn, hàn chân sắt hoặc làm bằng gỗ, sau đó kẻ các đường kích thước để hiệu chỉnh lên mặt bảng theo hình dạng kích thước của từng loại pháo có nhiều nhược điểm như: Cồng kềnh, không tiện cho việc cơ động mang vác huấn luyện, khó đặt thiết bị ở các dạng địa hình, chưa có gắn bọt nước thăng bằng và chưa có đèn chiếu sáng để vận dụng kiểm tra hiệu chỉnh ban đêm trong điều kiện huấn luyện đêm cũng như trong điều kiện làm công tác chuẩn bị chiến đấu ban đêm. Chính vì vậy, tôi đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp: “Bảng hiệu chỉnh pháo (pháo cối 82mm, pháo DKZ82-K65)” nhằm sử dụng hiệu quả hơn trong quá trình huấn luyện và hiệu chỉnh bắn đạn thật đạt kết quả chính xác hơn.

 

Cùng chung suy nghĩ đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tiểu đoàn trưởng Kỹ thuật -Tiểu đoàn Thiết giáp 47 chia sẻ: Năm 2016, đơn vị chúng tôi có khoảng trên 10 sáng kiến được ứng dụng. Tại Hội nghị nghiệm thu sáng kiến của Bộ Tư lệnh hôm nay, chúng tôi mang đến 3 sáng kiến của đơn vị, trong đó, tôi tâm đắc nhất với sáng kiến “Dụng cụ khắc phục đạn kẹt súng BKT trên xe thiết giáp”. Điểm mới của sáng kiến này là làm thay đổi phương pháp khắc phục đạn kẹt trong bệ khóa nòng trên súng BKT  khác hoàn toàn so với các phương pháp thủ công cũ đang áp dụng. Dụng cụ nhỏ, gọn, nhẹ, thao tác được trong không gian chật hẹp, nhất là trên xe Thiết giáp; đáp ứng được  yêu cầu về kỹ, chiến thuật trong quá trình huấn luyện cũng như trong quá trình bắn chiến đấu.

 

Có thể nói, hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội không chỉ phục vụ các mặt hoạt động, công tác, mà còn góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý, nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy và chuyên môn, chuyên trách công tác khoa học quân sự. Qua hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhiều cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng ở các cơ quan, đơn vị đủ tiêu chí để công nhận chức danh chuyên môn-kỹ thuật-nghiệp vụ. Công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành phong trào sâu, rộng ở các cơ quan, đơn vị, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; bảo quản, bảo dưỡng vũ khí, trang bị; xây dựng công trình quốc phòng; bảo đảm y tế, chăm sóc sức khỏe bộ đội, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

 

Hà Anh-Văn Thể

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ