A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Phúc Thọ: Tích cực đẩy mạnh phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

 

Chúng tôi có mặt tại cống Cẩm Đình-Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ đúng lúc cán bộ, chiến sĩ dân quân xã đang tiến hành tuần tra, nắm tình hình các mạch đùn, mạch sủi đã được xử lý ở đây gần một tháng trước. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Tùng Lâm, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Cẩm Đình cho biết: “Đầu tháng 9, chúng tôi nhận được tin báo của người dân trên kênh dẫn Cẩm Đình -Hiệp Thuận, cách tim cống khoảng 130 m về phía hạ lưu có xuất hiện một mạch sủi dài 40cm và rộng 0,8cm ở  vị trí đáy kênh bê tông tiếp giáp với đáy kênh thường. Ngay sau khi nhận được tin báo, chúng tôi đã cử cán bộ, chiến sĩ dân quân kiểm tra, xác minh nguồn tin và báo cấp trên. Trong 2 ngày 14 và 15/9, 30 cán bộ, chiến sĩ của Ban CHQS xã Cẩm Đình đã phối hợp với các lực lượng khác xử lý thành công mạch sủi. Đây là mạch sủi phức tạp vì nó liên tục phá đùn, sủi ở một số vị trí khác khi bị lấp, khiến công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, sau khi xử lý thành công, chúng tôi luân phiên cử cán bộ, chiến sĩ giám sát, nắm tình hình để kịp thời báo cáo cấp trên. Đặc biệt hôm nay, Thuỷ điện Hoà Bình đã chủ động mở 8 cửa xả đáy, nhằm giảm lưu lượng nước lớn đang đổ về Thủy điện do mưa lớn những ngày qua gây ra. Điều đó làm lưu lượng sông Hồng có thể tăng đột biến và ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch đùn, mạch sủi vừa xử lý. Hiện chúng tôi đã cử cán bộ túc trực để nắm bắt tình hình, kịp thời báo cáo cấp trên”. 

 

 

 Lực lượng dân quân xử lý mạch sủi tại kênh dẫn Cẩm Đình-Hiệp Thuận.

 

Rời cống Cẩm Đình-Hiệp Thuận, chúng tôi đến thăm hầu hết các giếng giảm áp dọc chân đê Sen Chiểu. Qua quan sát cho thấy, các giếng giảm áp vẫn được giữ gìn cẩn thận, không có hiện tượng lấn chiếm, hiện tượng cải tạo, nâng cấp nền đất nông nghiệp làm tổn hại công năng của các giếng giảm áp. Cùng với đó, các điếm canh đê vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù nhiều điếm canh trong số đó đang có hiện tượng xuống cấp do đã xây dựng nhiều năm, song vẫn có thể sử dụng để cất chứa vật lực khi có tình huống bất trắc xảy ra. Các tuyến đê được bảo vệ, không có tình trạng làm tổn hại chân đê, thân đê. 


Tìm hiểu được biết, huyện Phúc Thọ có 3 sông chính chảy qua: Sông Hồng, sông Đáy và sông Tích. Song song với các sông là hệ thống đê, kè, cống và công trình thủy lợi phục vụ cho phòng, chống lụt bão và sản xuất nông nghiệp với tổng chiều dài 53,25 km (trong đó có 5 tuyến đê chính từ cấp I đến cấp IV với tổng chiều dài 44,05 km; 5 tuyến kè với tổng chiều dài 8,27 km). Trong đó, đoạn đê hữu Hồng và vùng Vân Cốc được Trung ương và thành phố Hà Nội xác định là trọng điểm; 3 tuyến kè chính dài 5,75km, 14 cống dưới đê, 56 giếng giảm áp...

 

Những năm qua, công tác phòng, chống thiên và tìm kiếm cứu nạn của huyện Phúc Thọ được triển khai hiệu quả, được thực hiện nghiêm túc từ khâu kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, công trình thuỷ lợi đến khâu lập, phê duyệt các phương án bị phòng chống thiên tai được triển khai đầy đủ, chu đáo, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng xã; chuẩn bị lực lượng phương án kỹ theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, hậu cần và phương tiện tại chỗ) với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất giữa các cấp, các ngành.

 

Hiện, huyện có gần 10.500 người và trên 154 phương tiện các loại sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh; các phương án hộ đê được xây dựng, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, các vị trí trọng điểm ngày càng được hoàn thiện, có tính chủ động, tính khả thi cao. Phương án phân lũ đảm bảo đời sống nhân dân từ huyện đến các xã đã hoàn chỉnh. Phong trào toàn dân tham gia phát hiện các sự cố; công tác xử lý các sự cố về đê điều đã đi vào nề nếp, nhất là các xã ven đê. Tin tưởng rằng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, góp phần xây dựng huyện ngày càng vững mạnh.

 

Thuận Nhân


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ