Phú Xuyên trên đường đổi mới
Là huyện cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, có diện tích 171 km2, dân số trên 20 vạn người, có 26 xã, 2 thị trấn, huyện Phú Xuyên được quy hoạch là đô thị vệ tinh, khu vực mới về phát triển đô thị, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ… Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và quy hoạch 12 điểm công nghiệp làng nghề.
Phát triển công nghiệp ở Phú Xuyên.
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI
Theo đồng chí Trương Đại Dương, Chánh văn phòng HĐND, UBND huyện: Trong năm 2016, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 9.403,3 tỉ đồng, bằng 101,8% kế hoạch. Thu ngân sách ước thực hiện cả năm đạt 157,916 tỉ đồng, bằng 123% dự toán, bằng 113,3% so với cùng kỳ năm 2015. Về sản xuất nông nghiệp, Phú Xuyên đã hình thành một số vùng sản xuất quy mô như: Trồng lúa chất lượng cao tại các xã Hồng Minh, Văn Hoàng, Châu Can; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại các xã: Hồng Thái, Quang Lãng, Châu Can, Phúc Tiến, Tân Dân; nuôi trồng thủy sản tại xã: Chuyên Mỹ, Tri Trung, Hoàng Long; trồng măng tây xanh tại xã Hồng Thái; rau cần tại Khai Thái…Nhờ vậy mà đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 ước đạt 30,5 triệu đồng/người/năm; không còn nhà dột nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,6%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 80% trở lên; 100% Trạm y tế xã có bác sỹ, do vậy công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được nâng lên. Huyện đã triển khai thí điểm 3 nhà máy và trạm cung cấp nước sạch tại xã Chuyên Mỹ và Phú Yên bằng hệ thống máy lọc nước công nghệ Đức, qua dùng thử cho thấy, chất lượng nước đảm bảo, mô hình đang tiếp tục được triển khai, nhân rộng cho các địa phương khác.
Để phát triển toàn diện các mặt công tác, gắn trách nhiệm tới từng cán bộ, đảng viên, huyện đã bổ sung quy chế làm việc phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đổi mới phân công công tác, tăng cường kỷ cương hành chính và trách nhiệm thực thi theo hướng 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”, “Một việc – một đầu mối xuyên suốt”. Bên cạnh đó, huyện đã kịp thời giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, dân sinh bức xúc; cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. Thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị 2016” đã chuyển biến rõ rệt, quản lý đô thị theo hướng quy chuẩn được tăng cường; quốc phòng được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Trong công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn huyện Phú Xuyên đã có 7 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đến hết năm 2016, huyện có thêm 5 xã đạt chuẩn. Với các xã chưa đạt chuẩn, tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức tuyên truyền, căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn phương pháp, cách triển khai phù hợp, không dàn trải, không khuôn mẫu với tinh thần lựa chọn các tiêu chí có tính khả thi cao thực hiện trước, giải quyết nhu cầu bức xúc của nhân dân để tạo ra động lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.
Với truyền thống nổi tiếng là đất trăm nghề, nơi hội tụ, kết tinh, lan tỏa nhiều ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Trải qua những thăng trầm cùng lịch sử đất nước, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tới nay, huyện vẫn có 156 làng có nghề, trong đó 40 làng nghề được công nhận cấp Thành phố.
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU, PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
Thông qua hội chợ làng nghề năm 2016 tổ chức tại xã Phú Túc, có trên 100 gian hàng của các làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo và nổi tiếng như: Khảm trai tại Chuyên Mỹ, nặn tò he Xuân La, Phượng Dực, may comlê Vân Từ, đan guột tế Phú Túc... Sự phát triển của các làng nghề Phú Xuyên không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân các địa phương mà tạo nên bản sắc văn hóa đa dạng của mảnh đất nghìn năm văn hiến...Nhờ phát huy thế mạnh các làng nghề thủ công truyền thống và tiếp sức cho các làng nghề phát triển, các sản phẩm nghề thủ công truyền thống của huyện tiếp tục được phát huy, nhân rộng, đã có chỗ đứng trên thị trường trong nước và thế giới. Trong năm, huyện thu hút trên 200 đoàn khách trong và ngoài nước với tổng số gần 5.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, du lịch làng nghề.
Đồng chí Trần Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết: Đạt được kết quả trên, UBND huyện đã triển khai một số giải pháp hỗ trợ khuyến khích sản xuất làng nghề. Ngoài việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, tăng cường đào tạo nghề, thì huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc vinh danh làng nghề. Nhằm động viên, khuyến khích kịp thời các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động tại các làng sáng tạo, cải tiến mẫu mã, từng bước tháo gỡ khó khăn trong nghề truyền thống. Cùng với đó, Phú Xuyên cũng đi đầu trong việc tổ chức "Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống" cấp huyện và cấp xã để thúc đẩy giao thương cũng như vinh danh làng nghề và các nghệ nhân. Nhờ vậy nghề thủ công truyền thống của huyện Phú Xuyên được bảo tồn và không ngừng phát triển: Từ làng nghề thành xã nghề, vùng nghề, tạo được thương hiệu, uy tín trong sản xuất, kinh doanh và hội nhập kinh tế. Sản xuất làng nghề phát triển đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của người dân địa phương, chúng tôi tin rằng, Phú Xuyên sẽ sớm trở thành đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Những ngày cuối năm, trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm huyện, trung tâm các xã, thị trấn được trang hoàng rực rỡ cờ hoa, hàng hoá được bày bán tấp nập hai bên đường, trong chúng tôi ai cũng cảm nhận được một mùa Xuân vui tươi, no đủ đã đến.
Hoàng Hải