Vẹn nguyên ký ức Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
QPTĐ-Chiến thắng 30/4/1975 là dấu son rực rỡ kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, non sông liền một dải, sạch bóng quân thù. Với những chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ký ức về những ngày tháng chiến đấu anh dũng năm xưa vẫn còn vẹn nguyên, xúc động.
Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh (CCB) Ngô Văn Minh (ngõ 112, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội), nguyên chiến sĩ Trung đoàn 210, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Dù đã bước sang tuổi 81, nhưng khi được hỏi về những ngày tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, đôi mắt ông như sáng lên. Ông kể: “Tôi nhập ngũ ngày 21/8/1970. Kết thúc khóa huấn luyện 6 tháng ngoài Bắc, năm 1971, chúng tôi di chuyển sang Nam Lào, rồi sang Campuchia để tiếp tục huấn luyện chuyên ngành pháo cao xạ. Năm 1972, đơn vị tôi được lệnh tiến vào giải phóng Lộc Ninh, Bình Phước. Ngày 05/4/1972, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng tấn công đánh địch, quyết tâm giải phóng huyện Lộc Ninh. Trận đánh được xác định là trận then chốt nhằm tạo bước ngoặt chiến lược cách mạng ở vùng biên giới, góp phần làm suy yếu thế và lực của địch, cổ vũ thêm sức mạnh cho toàn quân. Bởi sau thất bại mùa khô năm 1971, quân ngụy buộc phải rời bỏ phòng tuyến ngoại biên, xây dựng Lộc Ninh thành khu căn cứ trọng điểm của phòng tuyến vòng ngoài Sài Gòn. Ở Lộc Ninh, địch xây dựng một lực lượng rất mạnh với nhiều cứ điểm được trang bị vũ khí hiện đại, nhất là căn cứ Chiến đoàn 9 quân ngụy ở thị trấn, căn cứ Trung đoàn Thiết giáp ở Lộc Hoà và căn cứ An Pha (Hoa Lư).
Nhận thức được tầm quan trọng của trận đánh, đơn vị chúng tôi chuẩn bị rất kỹ cho trận đánh này. 15 giờ 30 phút, chúng tôi được lệnh khai pháo, bắn dồn dập như vũ bão vào các căn cứ địch ở Lộc Ninh, Hoa Lư, Lộc Tấn. Quân địch chống trả quyết liệt. Phía ta lúc đó hi sinh rất nhiều vì ngoài hệ thống pháo bắn trả, địch huy động một lượng lớn máy bay ném bom hỗ trợ. Sự chống trả quyết liệt của địch cũng không cản được bước chân chiến thắng của quân ta. Chỉ 2 ngày, chúng ta đã giành chiến thắng, hàng ngàn lính ngụy ở Lộc Ninh đã phải ra đầu hàng. Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng. Tôi còn nhớ, sau khi Lộc Ninh được giải phóng đã trở thành “Thủ phủ của chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, hậu phương trực tiếp của chiến trường Nam bộ, căn cứ địa của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trầm ngâm một lúc, CCB Ngô Văn Minh kể tiếp: Sau khi tham gia giải phóng Lộc Ninh, đơn vị chúng tôi tiếp tục đánh Khu Bù Đốp, Đồng Xoài, một trong những trận đánh then chốt của chiến dịch Đường 14-Phước Long từ ngày 23/12 đến 31/12/1974. Rồi tiếp tục đánh Bảo Lộc, Lâm Đồng ngày 27/3/1975. Đến 8 giờ 30 phút sáng 28/3/1975, toàn bộ mục tiêu của địch ở thị xã Bảo Lộc đã bị quân ta chiếm giữ. Quân địch tháo chạy về Di Linh. Sau đó chúng tôi thực hành nhiều trận đánh khác, cho đến khi giải phóng và tiếp quản Sài Gòn. Khi đơn vị tôi vào tiếp quản Sài Gòn, niềm vui của chúng tôi không sao kể xiết, nhân dân chào đón chúng tôi rất nồng nhiệt trên khắp các trục đường cơ động.
Khi được hỏi về những gian khổ, hi sinh trong chiến đấu, CCB Ngô Văn Minh đã không cầm được nước mắt: Cái giá của hòa bình không hề rẻ các đồng chí ạ. Đơn vị chúng tôi hi sinh và bị thương rất nhiều. Hi sinh nhiều như vậy, nhưng chúng tôi lúc ấy chưa bao giờ nghĩ đến chuyện lùi bước dù một giây. Cả đơn vị lúc đó chỉ một lòng chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của cấp trên, bằng mọi giá phải giải phóng được miền Nam, thu non sông về một mối và cũng là để thỏa ước nguyện của Bác Hồ đã căn dặn trước lúc đi xa.
Những câu chuyện của CCB Ngô Văn Minh kể đã giúp thế hệ trẻ hôm nay có thêm những tư liệu quý mà lịch sử không thể ghi hết về cuộc chiến đấu hào hùng của dân tộc. Và cũng giúp thế hệ trẻ hôm nay càng thêm chân quý những cống hiến của thế hệ cha ông đi trước. Trở về cuộc sống đời thường, cùng với hàng triệu CCB khác, CCB Ngô Văn Minh vẫn luôn giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Thuận Nhân-Trần Đông