A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sâu sát, nắm bắt, chủ động định hướng tư tưởng bộ đội

Bài 2: Phát huy lợi thế “ba cùng”

 

QPTĐ-Theo Đại úy Nguyễn Văn Vương, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Công binh 544, muốn nắm bắt được diễn biến tư tưởng, tình cảm của bộ đội một cách thường xuyên thì cán bộ các cấp, nhất là cán bộ ở Tiểu đội, Trung đội và Đại đội phải “ba cùng” với chiến sĩ. Nói về công việc đặc thù của đơn vị, Đại úy Nguyễn Văn Vương cho biết: “Nhiệm vụ của đơn vị là xây dựng công trình trọng điểm quân sự và rà phá, xử lý bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, với tính chất đặc thù công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Qua nắm bắt, chúng tôi thấy chiến sĩ về đơn vị thường mang tâm lý lo lắng, sợ sệt. Để khắc phục, chúng tôi đã phát huy tốt lợi thế “ba cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bộ đội; tất cả việc mới, việc khó ví như: Thực hiện khoan nổ phá trên núi đá, hay gần đây nhất là chúng tôi thực hiện di dời và hủy nổ quả bom hơn 300kg còn sót lại sau chiến tranh ở phường Cửa Bắc, cán bộ đều trực tiếp làm trước. Làm một lần mà chiến sĩ chưa tin tưởng, thì phải tiếp tục làm đến khi nào chiến sĩ thật sự yên tâm tin tưởng làm theo mới được”. Còn đối với Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103, là đơn vị duy trì, quản lý điều lệnh trên địa bàn Thành phố, nên cán bộ, chiến sĩ thường xuyên phải tham gia giao thông, làm nhiệm vụ ở các chốt, địa điểm đóng quân phân tán, nhưng nhờ thực hiện tốt “ba cùng” nên tư tưởng cán bộ, chiến sĩ luôn ổn định, chấp hành nghiêm kỷ luật, các quy định về an toàn giao thông. 

Hoạt động hòm báo thao trường ở Tiểu đoàn Đặc công 18.

“Bật mí” với chúng tôi về nét nổi bật trong nắm và quản lý tư tưởng bộ đội, Đại úy Nguyễn Huy Nghĩa, Chính trị viên phó, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 cho rằng “ba cùng” không chỉ hiểu đơn thuần là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bội đội. Mà được thể hiện bằng sự gần gũi của đội ngũ cán bộ với chiến sĩ, chính sự gần gũi ấy mà đơn vị đã giải quyết được nhiều trường hợp vướng mắc về tư tưởng, như quan hệ cấp trên với cấp dưới, quan hệ với đồng đội, hoàn cảnh gia đình khó khăn của chiến sĩ. Đồng chung quan điểm, Thượng úy Vũ Quốc Khánh, Trung đội trưởng, Trung đội 4, Đại đội 2, Tiểu đoàn Kiểm soát quân sự 103 cho biết: “Trên cương vị trung đội trưởng, tôi thấy việc ăn, ở, làm cùng với bộ đội là một biện pháp rất hay. Bởi thông qua ăn ở, huấn luyện cùng bộ đội sẽ hiểu bộ đội hơn. Vì khi huấn luyện vất vả bộ đội mới bộc lộ tư tưởng; nếu cùng thực hiện nhiệm vụ, bộ đội sẽ gần gũi, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tâm tư tình cảm, những cảm xúc được thể hiện qua những câu chuyện, việc làm. Đó chính là cơ sở để cán bộ nắm tâm tư nguyện vọng của chiến sĩ, kịp thời động viên, giúp đỡ”. 

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác quản lý tư tưởng bộ đội, Đại úy Dương Văn Huy, Chính trị viên, Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn Trinh sát 20 cho rằng: “Để dự báo, nắm chắc tình hình tư tưởng bộ đội, kịp thời ngăn chặn những tiêu cực nảy sinh, trước hết đội ngũ cán bộ các cấp phải thực sự sâu sát, thường xuyên bám nắm bộ đội, nắm chắc sở trường, sở đoản, năng lực, sức khỏe, từ đó phát huy khả năng của từng người trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, người chỉ huy phải sâu sát, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ của bộ đội, tôn trọng, gần gũi, cởi mở và chân thành lắng nghe bộ đội bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Cùng với đó, cần xây dựng bầu không khí dân chủ, tin cậy trong đơn vị, để cán bộ, chiến sĩ dễ dàng chia sẻ những điều thầm kín, riêng tư”. Thực tế khi trao đổi với chiến sĩ của một số đơn vị đều cho rằng, khi chỉ huy bộ đội thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, tăng gia sản xuất, bộ đội thì vất vả ngoài trời nắng, mô hôi nhễ nhại, nhưng cán bộ quần áo là lượt, ngồi trong bóng mát nghe nhạc, chơi game… những biểu hiện đó không chỉ phản cảm, mà còn làm cho chiến sĩ ức chế và tạo ra một khoảng cách nhất định giữa cán bộ và chiến sĩ. 

Để tránh bị động trong nắm và quản lý tư tưởng bộ đội, thời gian qua, Tiểu đoàn Đặc công 18 luôn chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ tiểu đội, trung đội trong việc quản lý, nắm tình hình tư tưởng bộ đội, tránh việc khoán trắng nắm tư tưởng cho cán bộ chính trị. Thiếu tá Ngô Văn Hiểu, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công 18 cho biết: “Huấn luyện đặc công là nhiệm vụ vất vả. Vì vậy, ngoài ý chí, nghị lực, lòng can đảm, các chiến sĩ đặc công cần phải có sức khỏe dẻo dai. Do đó, trong tất cả buổi huấn luyện ngoài thao trường, nhất là những ngày thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt, hoặc thời điểm rét đậm, rét hại, đội ngũ cán bộ các cấp đều chủ động bám nắm bãi tập, theo dõi chặt chẽ diễn biến tư tưởng cũng như tình hình sức khỏe của bộ đội để tiến hành các nội dung huấn luyện phù hợp. Đơn vị cũng chú trọng nội dung cổ vũ, tuyên truyền ngoài bãi tập; kịp thời biểu dương, khuyến khích những chiến sĩ đạt thành tích tốt. Kinh nghiệm cho thấy, khi cán bộ, chiến sĩ cùng nhau thực hiện nhiệm vụ, càng thêm gần gũi, hăng hái, tự giác với tâm thế thoải mái mang lại hiệu quả cao”. 

NGUYỄN VĂN TUÂN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ