A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm sức khỏe trong đợt nắng nóng kéo dài

 

1. Chế độ ăn uống: Đề phòng ngộ độc thực phẩm và tăng cường sức đề kháng, bổ sung đủ nước, điện giải, vitamin. Trước hết phải lựa chọn thực phẩm tươi mới, không bị dập nát, không có mùi và màu lạ, bao gói sẵn còn hạn sử dụng, hộp không bị phồng, có nguồn gốc, có hợp đồng; đã qua kiểm dịch. Thức ăn đã nấu chín để ngoài phải có lồng bàn hoặc lưới che đậy, nếu để trên 2 giờ thì không nên ăn vì có thể đã bị nhiễm khuẩn. Khi hâm nóng thức ăn cần để nhiệt độ lên tới 74-75 độ C, đối với thức ăn lỏng như canh cần đun sôi lại. Phải ăn chín uống sôi, hạn chế ăn các món chiên, rán; tăng cường rau xanh, các món canh chua, canh cua, canh cá, ăn uống các  chất mát, dễ tiêu, hợp vệ sinh. 

 

 

Thực hành cấp cứu say nắng, say nóng trong huấn luyện.

Ảnh: Internet

 

2. Khi ra ngoài nắng, có hoạt động ngoài trời: Phải đội mũ nón, mặc áo quần rộng, màu sáng, mặc áo chống nắng, đeo khẩu trang, kính râm, thoa kem chống nắng trước 30 phút khi ra nắng; tránh cho ánh nắng mặt trời chiếu vào gáy. Hạn chế ra nắng trong thời gian dài. Cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt, không để sức nóng ảnh hưởng đến cơ thể quá lâu. Nên chọn chỗ mát mẻ và vào những thời gian trời đã mát. Nếu khát thì phải uống nước có pha muối, mỗi giờ phải uống một lượng muối chừng một thìa cà phê, tăng cường sinh tố B, C, PP... uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày; không uống rượu và các chất gây kích thích.


3. Sử dụng quạt, điều hòa hợp lý: Không để điều hòa, quạt chiếu thẳng vào giường ngủ, bàn làm việc và nhất là không để chiếu thẳng vào cổ gáy. Không nên ngồi liên tục trong phòng điều hòa bởi vì trung bình, mỗi người trong mỗi giờ cần khoảng 20m3 không khí tươi. Đặt nhiệt độ điều hòa trong phòng không chênh lệch quá 100C so với nhiệt độ môi trường, tốt nhất (khoảng 4-5 độ C); bình thường nên để nhiệt độ khoảng 25-27 độ C, trẻ dưới 3 tuổi nên đặt nhiệt độ từ 26-28 độ C, trẻ sơ sinh từ 29- 30 độ C là phù hợp với sức khỏe. Khi ở ngoài môi trường nóng bức, vã nhiều mồ hôi không nên vào phòng điều hòa ngay mà phải lau khô mồ hôi người xong mới vào phòng điều hòa hoặc quạt; khi tắm lạnh phải lau khô người, mặc quần áo mới vào phòng điều hòa đề phòng bị nhiễm lạnh. Khi từ môi trường điều hòa ra ngoài nên có bước đệm tăng dần nhiệt độ để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài; khi đi xe ô tô máy lạnh trước khi xuống xe nên tắt điều hòa trước 5 phút mới ra ngoài xe.


4. Đối với bộ đội: Những ngày huấn luyện dã ngoại phải trinh sát nắm thực địa, cập nhật dự báo thời tiết, nên tổ chức hành quân vào cuối giờ chiều hoặc sáng sớm, mang ba lô nên xếp theo chiều cao để tăng thải nhiệt. Các vị trí dã ngoại, trú quân nên chọn vị trí có cây che mát, bố trí trạm cấp cứu phù hợp với địa hình và yêu cầu tác chiến. Bên cạnh đó, bộ phận quân y phải chủ động triển khai các biện pháp bổ sung kịp thời các khoáng chất, muối thiếu hụt do ra mồ hôi trong quá trình luyện tập. Hướng dẫn cho bộ đội khi hành quân, chặng đầu và chặng thứ hai nếu không khát không uống, mỗi chặng nghỉ sau chỉ nên uống từ 200-400ml; trong huấn luyện uống đủ nước để bổ sung kịp thời cho cơ thể, không để khát quá mới uống, mà nên uống đều đặn, uống nhiều lần trong ngày; không mặc quần áo thấm đẫm mồ hôi lâu, tắm giặt sạch sẽ sau mỗi ngày huấn luyện...


Nếu bị say nắng, cách xử trí chung là tiến hành hạ thân nhiệt xuống dần từng bước, càng sớm càng tốt. Cụ thể, đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi nắng nóng, đặt nạn nhân nằm chỗ mát, thoáng gió, cởi bớt quần áo, nới thắt lưng; cho uống nước lạnh có muối, cho uống dần, ít một. Đắp khăn lạnh lên trán, lên mặt, vào gáy, có thể đắp chăn ướt hoặc nước đá lạnh khắp người. Theo dõi đến khi thân nhiệt hạ xuống đến 38 độ C. Nếu sốt vẫn cao, cho uống thêm thuốc hạ nhiệt Paracetamol... Trường hợp nặng hơn phải đưa bệnh nhân đến tuyến y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.


BS Nguyễn Viết Thắng

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ