A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông Xuân

 

QPTĐ-Báo cáo của Cục Y tế dự phòng-Bộ Y tế cho thấy, trong năm 2017, toàn quốc không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập vào Việt Nam, trong khi dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan quốc tế. Trong nước, các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả; giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh; giảm 30% các trường hợp tử vong do bệnh dại so với năm 2016. Bệnh sốt xuất huyết tăng trong những tháng đầu năm và tăng cao tại Hà Nội nhưng từ tháng 9 đã được kiểm soát và số ca mắc giảm liên tục. Các bệnh lưu hành khác được khống chế, không có diễn biến bất thường.

 

 

Tiêm vắc-xin, một trong những biện pháp phòng, chống bệnh cho trẻ trong mùa Đông Xuân. 

                                                                                            Ảnh: Nam An 


Tuy vậy, mùa Đông Xuân, mùa lễ hội có thời tiết lạnh ẩm, tập trung đông người, gia tăng đi lại, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, tập trung đông người ăn uống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm hay gặp như: Cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, viêm màng não do não mô cầu, tiêu chảy, liên cầu lợn...

 

Cùng với đó, tỷ lệ tiêm chủng chưa bao phủ được >95% quy mô xã, phường, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, khu vực có dân di biến động lớn. Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp trong năm 2018. Để chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông Xuân, mùa lễ hội và Tết Nguyên đán, chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể cần nâng cao vai trò trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.

 

Trước hết, tăng cường công tác truyền thông, thường xuyên cập nhật chính xác thông tin về tình hình dịch bệnh cùng với các biện pháp phòng bệnh phù hợp. Tập trung tuyên truyền trong dịp Tết Nguyên đán về tác hại của việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm đến người chăn nuôi, ngành chăn nuôi; các biện pháp chủ động phòng ngừa vi rút cúm lây lan, phát tán, lây nhiễm cho người…Cùng với đó, tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị, đảm bảo hậu cần cho công tác phòng, chống dịch.


Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành công lớn nhất của hoạt động phòng, chống dịch trong năm 2017 của Thành phố là khống chế được dịch sốt xuất huyết. Mặc dù mùa dịch sốt xuất huyết năm nay đến sớm hơn mùa dịch những năm trước khoảng 1 tháng, trong bối cảnh các địa phương khác trên cả nước cũng đối mặt với dịch sốt xuất huyết nhưng với sự nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, từ các đợt ra quân diệt loăng quăng, truyền thông phòng bệnh cho toàn dân, đến sự quyết liệt xử lý triệt để các ổ dịch và đặc biệt là quyết liệt xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống sốt xuất huyết, đã kìm hãm được sự gia tăng ca bệnh, thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch các năm trước.

 

Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố cũng còn gặp không ít khó khăn thách thức như dân số đông, dân nhập cư nhiều làm thay đổi quần thể cảm nhiễm bệnh; tốc độ đô thị hóa nhanh chóng trong khi sự phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp.

 

Để chủ động phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; kiểm soát, phát hiện và khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội, năm 2018, Thành phố tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm; nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh truyền nhiễm ở bệnh viện quận, huyện để phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối. 


Đối với thành phố Hà Nội, Sở Y tế Thành phố đánh giá, năm 2017, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát trên địa bàn, ngành Y tế Hà Nội đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống. Bên cạnh đó, vẫn duy trì tốt công tác tiêm chủng để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh có vắc xin dự phòng. Đặc biệt, 100% các trạm Y tế xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã thực hiện việc áp dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia trong việc quản lý đối tượng và tiền sử tiêm chủng.

 

Để phòng, chống dịch bệnh trong mùa Đông Xuân, mùa lễ hội và dịp Tết Nguyên đán, cùng với các biện pháp theo hướng dẫn của Cục Y tế dự phòng, Hà Nội đã tăng cường hệ thống giám sát dịch: Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã thường xuyên cử cán bộ y tế vào các bệnh viện được phân cấp trên địa bàn (kể cả bệnh viện tuyến Trung ương) để chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời tham mưu cho các cấp về diễn biến tình hình dịch bệnh và có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, xử lý quyết liệt, triệt để ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ. 


Ngọc Quang

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ