Sôi động thị trường xuất, nhập khẩu vũ khí toàn cầu
QPTĐ- Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển, ngày 11/3) vừa thông báo về tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí toàn cầu cho thấy, thị trường xuất, nhập khẩu vũ khí thế giới diễn ra vô cùng sôi động, nhiều thứ hạng đã được đổi ngôi ở mỗi nước, một số quốc gia chủ động sản xuất và sử dụng các mặt hàng công nghiệp quốc phòng nội địa, giảm nhập khẩu nhưng nhiều nước lại gia tăng các thương vụ mua vũ khí nước ngoài.
Với thế mạnh là các tập đoàn vũ khí khổng lồ và chi phối chính trị,
Mỹ luôn là quốc gia xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.
Ảnh: AFP
“Mỹ đã tăng cường vai trò toàn cầu của mình với tư cách là nhà cung cấp vũ khí, một khía cạnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này, xuất khẩu vũ khí sang nhiều quốc gia hơn bao giờ hết”-SIPRI thông báo. Theo đó, trong giai đoạn 2019-2023, Mỹ tăng xuất khẩu vũ khí thêm 17% so với giai đoạn 2014-2018, tiếp tục khẳng định vững chắc vị trí cường quốc số 1 thế giới. Đứng sau Mỹ là Pháp và Nga. Các quốc gia châu Âu bất ngờ tăng gấp đôi giá trị nhập khẩu vũ khí so với giai đoạn 2014-2018
Trong 5 năm qua, Mỹ bán vũ khí cho 107 quốc gia, vùng lãnh thổ, nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trước đó và hơn bất kỳ nhà sản xuất vũ khí nào khác, tăng thị phần chiếm lĩnh toàn cầu từ 34% lên 42%. Các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ khá đa dạng, từ các phương tiện chiến tranh hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới bao gồm các loại máy bay, xe tăng, tàu chiến, tên lửa, pháo hạng nặng đến vũ khí cá nhân, phương tiện chiến tranh và quân sự khác.
Nếu như, châu Á và châu Đại Dương chiếm 6/10 số nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (giai đoạn 2019-2023) bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Australia thì Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho hai quốc gia đồng minh: Nhật Bản, Hàn Quốc (chiếm khoảng 1/2 giá trị sản lượng), các thương vụ ở mỗi nước không dưới 10 tỉ USD/năm.
Ấn Độ đứng đầu danh sách với 9,1% (giai đoạn 2014-2018) lên 9,8% lượng vũ khí nhập khẩu toàn cầu (giai đoạn 2019-2023), chủ yếu là hợp tác, chuyển giao vũ khí với Nga, sau đó là nhập khẩu vũ khí của Pháp, Mỹ, Đức. New Dehi gia tăng chi ngân sách quốc phòng, mua sắm và phát triển vũ khí hiện đại nhằm đối phó với căng thẳng biên giới với hai nước láng giềng Pakistan, Trung Quốc.
Nga giảm số khách hàng từ 31 xuống còn 12 quốc gia, giảm thị phần xuất khẩu từ 22% xuống 16%; mất thêm 53% so với cùng giai đoạn trên, xuất khẩu vũ khí năm 2023 thấp hơn 52% so với năm 2022, tụt xuống vị trí số 3, nhường vị trí số 2 toàn cầu cho nước Pháp. Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1950, Nga mất vị trí thứ 2 về xuất khẩu vũ khí. Theo SIPRI, xung đột với Kiev là nguyên nhân chính khiến các nhà máy công nghiệp quốc phòng của Moskva tập trung nguồn lực cho chiến sự.
Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga K.Alexey: Năm qua, quân đội Nga đã nhận được hơn 36.000 thiết bị quân sự, 16,5 triệu vũ khí, tăng cao gấp nhiều lần so với mấy năm trước đó. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng liên quan đến công nghệ mà Nga cần để sản xuất vũ khí, cộng với hạn chế phương thức thanh toán do cấm vận; đó là chưa kể đến Đạo luật CAATSA về cấm cạnh tranh của Mỹ áp đặt lên thị trường vũ khí Nga.
Năm qua, Pháp đã mạnh mẽ vươn lên, tăng 47% về giá trị xuất khẩu, chiếm 11% tổng lượng giá trị vũ khí toàn cầu, trong khi nhập khẩu vũ khí của các quốc gia châu Âu giai đoạn này tăng vọt, thêm lên 44% so với giai đoạn 2014-2018. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp chính là tiêm kích Rafale bán ra bên ngoài châu Âu, chiếm tỉ trọng cao. Hiện, Pháp và Đức không chỉ là đầu tàu trong cỗ máy Liên minh châu Âu (EU) mà còn có vai trò xung kích của khối quân sự NATO đang tích cực giải quyết bài toán xung đột Moskva-Kiev.
Trong giai đoạn 2019-2023, Trung Quốc giảm 44% sản lượng nhập khẩu vũ khí, đứng thứ 10 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới bởi đã thay thế bằng công nghệ nội địa. Bắc Kinh duy trì nhập khẩu các mặt hàng độc đáo như động cơ máy bay chiến đấu, hệ thống trực thăng, tua-bin khí cho các tàu khu trục với tỉ trọng 77% từ Nga, 13% từ Pháp, 5,9-8,2% từ Ukraine rồi đến Đức.
Tuy nhiên, Trung Quốc có lợi thế về vũ khí giá rẻ, đã bán cho 40 quốc gia, chiếm thị phần khá ổn định từ 5,3-5,8%/năm, đứng thứ 4 toàn cầu. Mấy năm gần đây, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã tự sản xuất, chế tạo, trang, thiết bị cho máy bay tiêm kích, trực thăng và xe chiến đấu, tàu khu trục, tàu sân bay lắp động cơ nội địa.
Hàn Quốc nổi lên như một điểm sáng về công nghiệp quốc phòng, hiện đang đứng thứ 8 về xuất khẩu vũ khí với 7,21 tỉ USD (năm 2021) tăng lên 17 tỉ USD (năm 2022 chiếm 2,4% thị phần thế giới), kỳ vọng chiếm vị trí thứ 4 vào năm 2027, chiếm 5% thị phần toàn cầu, vượt qua cả Trung Quốc. Năm 2023, Ba Lan hợp đồng mua máy bay tiêm kích, xe tăng, pháo tự hành, tên lửa phóng loạt của Hàn Quốc trị giá hơn 13,7 tỉ USD. Vũ khí của xứ Hàn đang hấp dẫn đối với Ai Cập, UAE, Romania, Indonesia bởi giá thành khá rẻ, dễ sử dụng và khá hiện đại, tương đương với tiêu chuẩn của NATO.
Trong 10 năm qua, kể từ năm 2014, các quốc gia chú trọng tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng và tăng mạnh trong mấy năm gần đây. Nếu như ngân sách quân sự năm 2021 của Mỹ là 801 tỉ (tính bằng USD) thì đã lên 858 tỉ (năm 2023) và 886,3 tỉ (năm 2024), tăng hơn 10%, đứng đầu các quốc gia về con số chi cao tuyệt đối. Năm 2023, Trung Quốc đứng thứ 2 với 224 tỉ (mỗi năm, giai đoạn 2019-2023 tăng từ 6,6-7,2%, gấp 10 lần so với năm 2010), kế đến là Ấn Độ 76,6 tỉ và Anh 68,4 tỉ USD.
Nga đứng thứ 5 với 86 tỉ (năm 2021, 2022 là 66 tỉ USD/năm, chiếm 14,4% tổng chi tiêu quốc gia). Tháng 10/2023, Bộ Tài chính Nga đưa ra con số chi 10,78 nghìn tỉ ruble (109 tỉ USD, tăng gần 70% so với những năm trước đó) cho quân sự, quốc phòng trong tổng số chi 36,66 nghìn tỉ ruble, chiếm 29,4% tổng chi ngân sách năm 2024. Nhật Bản cũng chi cao kỷ lục 56 tỉ USD.
Các thành viên NATO bao gồm 32 quốc gia, đạt được thống nhất chi ngân sách quốc phòng đủ 2% GDP/năm, riêng Ba Lan đã đạt 4% GDP vào năm 2023 với 21 tỉ USD, năm 2021 chỉ là 12,7 tỉ USD. Năm 2022, Đức mạnh tay chi 100 tỉ USD mua sắm vũ khí, hiện đại hóa quân đội. Ngân sách năm 2024 của khối NATO (32 quốc gia) đạt kỷ lục khủng, khoảng 1.300 tỉ USD, trong khi chi tiêu quân sự toàn cầu là 2.240 tỉ USD.
HÀ NGỌC