A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trải nghiệm phóng viên chiến trường tại “đất lửa” châu Phi

QPTĐ-Tiếng còi báo động xé toạc màn đêm yên tĩnh tại căn cứ Highway. Tôi bật dậy trong bóng tối, đôi tay thuần thục vơ lấy chiếc mũ sắt và áo giáp đặt sẵn cạnh giường. Đồng hồ điểm 2 giờ sáng, lần thứ ba trong tuần này, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng báo động đột nhập.

"Lại là những thanh niên trẻ”, đồng đội thì thào khi chúng tôi tập hợp tại điểm chỉ huy. Họ thường là dân di cư từ những ngôi làng bị tàn phá bởi nội chiến, đến đây chỉ để tìm chút thức ăn hay vật dụng sinh hoạt. Nhìn những bóng người gầy guộc bị bắt gặp trong ánh đèn pin, lòng tôi quặn lại. Họ không phải kẻ thù, mà là nạn nhân của một cuộc chiến phi nghĩa ngay trên chính quê hương mình. Abyei-vùng lãnh thổ đặc biệt nằm giữa Sudan và Nam Sudan-đã dạy cho tôi bài học đắt giá nhất về hòa bình, về nghề báo, và về con người.

Bầu trời Abyei buổi sáng đỏ rực như bốc lửa. Tôi ngồi bệt xuống nền đất nứt nẻ bên công trường, lưng áo ướt đẫm mồ hôi dính sát vào da. Chiếc máy ảnh Canon nặng trịch trên đùi, ống kính phủ đầy lớp bụi đỏ. Phía xa, Đội Công binh gìn giữ hòa bình Việt Nam đang vận hành hết công suất cùng dàn xe máy khổng lồ. "Phải hoàn thành trước mùa mưa!", giọng anh Đội trưởng vang lên chắc nịch giữa tiếng máy ủi gầm rú.

Đã ba tuần kể từ khi chúng tôi đặt chân đến Abyei, vùng đất không điện, không nước sạch, không nhà kiên cố. Chỉ một cơn mưa cũng có thể biến con đường thành bùn lầy, cắt đứt mọi lối đi. Ở nơi "đất lửa" này, trong đôi mắt những người lính công binh không hề có sự mệt mỏi, mà chỉ thấy quyết tâm sắt đá. Bởi đôi khi, lằn ranh sinh tử chỉ là một đoạn đường được hoàn thành đúng hạn. Đó là hình ảnh đầu tiên tôi ghi lại, và cũng là khoảnh khắc tôi hiểu rằng làm báo ở đây không chỉ là đưa tin, mà còn là chứng kiến, thấu hiểu và chia sẻ.

Những chuyến đi thực địa là chuỗi ngày dài học cách đối mặt với thử thách. Mỗi lần rời căn cứ, chúng tôi phải đối diện với trăm bề nguy hiểm: Từ những ổ phục kích bất ngờ đến những cơn bão cát dữ dội. Tôi nhớ như in lần cùng Đội Công binh giải cứu chiếc xe chở dầu của Liên hợp quốc bị sa lầy ngoài biên giới. Chiếc xe tải lún sâu đến nửa bánh trong lớp bùn đặc quánh. Những người lính làm việc 6 tiếng liên tục dưới cái nóng thiêu đốt, vừa giải cứu xe vừa phải cảnh giác với các nhóm vũ trang.

Khi tiếng súng vang chát chúa, chúng tôi phải nằm sấp xuống con đường đất đỏ. Mặt tôi áp sát mặt đất, chiếc máy ảnh kẹp chặt trong tay. Trong tích tắc, tôi chợt nhận ra, bức ảnh đẹp nhất đôi khi là bức ảnh không bao giờ được chụp, khi hòa bình còn quý hơn mọi giải thưởng báo chí.

Đêm tại căn cứ Highway, tiếng còi báo động trở thành nhịp điệu quen thuộc. Những đứa trẻ đói khát thường lẻn vào tìm thức ăn thừa. Một lần, tôi bắt gặp cậu bé khoảng 10 tuổi đang lục tìm trong thùng rác. "Cháu tên gì?", tôi hỏi. "Em là Kuol", cậu bé trả lời bằng thứ tiếng Anh bập bẹ, "Em không có bố mẹ". Ánh đèn pin chiếu vào đôi mắt đầy hoảng sợ của em, và tôi bỗng thấy mình trong đó, một phóng viên trẻ đầy hoài nghi giữa vùng đất xa lạ. Tôi cất máy ảnh xuống, ngồi xuống bên em, chia sẻ gói lương khô mang từ quê nhà. Không một bức ảnh nào được chụp đêm đó, nhưng đó là bài học về sự đồng cảm mà không trường lớp nào dạy được.

Mùa khô đến Abyei, quét sạch từng ngọn cỏ. Năm tháng dài không một hạt mưa, những cơn bão cát mù mịt khiến chúng tôi không thể mở mắt. Những thước phim quay được chỉ toàn một màu cam đục. Nhưng chính trong những ngày ấy, tôi học được bài học lớn nhất: Sức mạnh của sự kiên nhẫn và lòng chân thành.

Người dân Abyei dù nghèo khó nhưng luôn mở lòng với những ai sẵn sàng lắng nghe. Đó là tiếng thì thầm của người mẹ, tiếng thở dài của ông già kể về ngôi nhà đã mất, tiếng nấc nghẹn của đứa trẻ đói lả. Nhưng ở đó cũng có những niềm tin về một tương lai tươi sáng.

Tại chợ Amiet -nơi được mệnh danh là nguy hiểm nhất Abyei-tôi có một buổi trò chuyện đáng nhớ với ông Deng, một thương nhân sống sót qua ba cuộc nội chiến. Quán trà ọp ẹp dưới tán cây keo già của ông dường như là nơi duy nhất còn giữ được hương vị hòa bình. "Ở đây, mọi thứ đều dễ dàng biến mất", ông nói, tay rót cho tôi ly trà nóng hổi, "Người Việt Nam như sông Kiir của chúng tôi, mang nước ngọt đến vùng đất khô cằn". Bỗng tiếng reo hò vang lên. Một đám trẻ con chân đất chạy ùa tới. Cậu bé nhất, chắc không quá 5 tuổi, ôm chặt lấy chân tôi, đôi mắt to tròn lấp lánh: "Photo! Photo!" Tiếng "tách" vang lên khi tôi bấm máy khiến cả đám cười rú lên thích thú.

Những ngày cuối ở Abyei, tôi thường lang thang quanh những ngôi trường đang được Đội Công binh hỗ trợ xây dựng. Những lớp học mái tranh dần được thay thế bằng mái nhà kiên cố từ đóng góp của Việt Nam. Giờ đây, mỗi khi đoàn xe công binh áo xanh tiến vào làng, những đứa trẻ Abyei lại chạy theo reo hò "Vietnam! Vietnam!". Chúng nhận ra chúng tôi không chỉ qua lá cờ đỏ sao vàng, mà còn qua những giếng nước sạch, những cây cầu gỗ bắc qua con lạch cạn, những con đường mới và cả những gói kẹo sữa nhỏ mà các chiến sĩ luôn dành dụm từ quê nhà.

Chiếc trực thăng Mi-8 rời đi, để lại phía sau là vùng đất đầy thương tích nhưng kiên cường. Ở nơi ấy, vẫn có những con người ngày đêm gìn giữ tia hy vọng nhỏ nhoi về hòa bình. Và tôi-một phóng viên nhỏ bé từ Việt Nam-đã may mắn được chứng kiến, được kể lại câu chuyện của họ.

Hành trình ở Abyei đã cho tôi đôi mắt biết nhìn xuyên qua cát bụi chiến tranh để thấy những mầm xanh hy vọng đang cố vươn lên. Và đó là hành trang quý giá nhất tôi mang theo trong hành trình làm báo của mình.

Hải Yến
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội