A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội sớm xây dựng thành phố hai bên sông Hồng

QPTĐ- Ngày 16/6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô với 12 quận, 17 huyện và một thị xã, diện tích 3.359,84km2. Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô tiếp tục đặt mục tiêu phát triển các đô thị vệ tinh với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân-Nội Bài. 

Khu dân cư khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc quận Hoàn Kiếm. 

Ảnh: Internet

Qua các thời kỳ phát triển, việc xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển của Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” luôn được đề cao, tập trung nghiên cứu trong các chương trình, đề án, dự án hợp tác, các đồ án quy hoạch liên quan, có thể kể đến qua các mốc thời gian.

Cách đây gần 30 năm, Hà Nội đã định hướng cải tạo diện mạo hai bên bờ sông. Hàng loạt bản quy hoạch đã được triển khai với mục đích xây dựng giao thông kết nối hai bờ sông, trị thủy nhưng tất cả đều bỏ lỡ. Năm 1994, Dự án Trấn Sông Hồng được đề xuất xây dựng bởi nhà đầu tư Singapore, tại vị trí ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. 

Hà Nội cũng đã lập Ban quản lý dự án. Do có một số vướng mắc, dự án không thể triển khai. Đến 2006, lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng Seoul của Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008-2020. Tuy nhiên, đến năm 2008 dự án dừng triển khai. Một số doanh nghiệp trong nước nghiên cứu quy hoạch hai bờ sông Hồng, song cũng không khả thi.

Quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống tỷ lệ 1/5.000 được Hà Nội công bố tháng 4/2022. Trong đó, phân khu đô thị sông Hồng có diện tích gần 11.000ha, trải dài 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính của các quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đan Phượng, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín và Thanh Trì. Quy hoạch cũng định hướng lấy sông Hồng là trục giữa, từ đó phát triển hài hòa hai bờ sông. Sáu cầu đường bộ qua sông Hồng sẽ xây mới gồm: Hồng Hà, Mễ Sở trên vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp); Thượng Cát và Ngọc Hồi trên vành đai 3,5 (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Tứ Liên kết nối các tuyến đường trục chính đô thị dọc hành lang hai bên sông Hồng (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp); cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang quận Long Biên (6 làn cơ giới, 2 làn hỗn hợp). Ngoài ra, Thành phố xây dựng bổ sung giai đoạn hai của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long, cầu Bắc Cầu qua sông Đuống trên tuyến đường trục chính đô thị dọc sông Hồng.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, với quan điểm quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; là trục không gian đặc trưng hành lang xanh. Quy hoạch cũng tạo nên những giá trị mới cho Thành phố nghìn năm văn hiến, thúc đẩy nền kinh tế, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. 

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn. Thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất mới, tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng. Nội dung này có ý nghĩa hết sức thiết thực để ổn định đời sống nhân dân khu vực ngoài đê, đáp ứng được mong mỏi nhiều năm nay.

Ngày 03/7/2023, phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thành phố tập trung thực hiện các quy hoạch đã phê duyệt vẫn còn có hiệu lực. Trong đó, quy hoạch các phân khu sông Hồng phải được triển khai để thay đổi căn bản diện mạo, tạo động lực đột phá phát triển Thủ đô, trong đó có việc xây dựng cầu qua sông Hồng như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo. Chủ tịch Quốc hội mong Thành phố đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Đến năm 2045, Hà Nội sẽ là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã đặt nền móng phát triển Thành phố theo hướng “nhìn sông, tựa núi”. Đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên. Với thành quả ban đầu là đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt đã khơi dậy niềm cảm hứng sáng tạo của các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, những người yêu Hà Nội. Một thành phố hiện đại, văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện và hiện thực hoá đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Song Hà


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ