Ban CHQS huyện Đan Phượng
Huy động tối đa lực lượng di dời nhân dân và tài sản sống bên ngoài đê
QPTĐ-Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, sáng 10-9, Ban CHQS huyện Đan Phượng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT làm nhiệm vụ sơ tán tài sản của nhân dân sinh sống tại ngoài đê sông Hồng đến nơi an toàn trong tình hình nước lũ tại đây tiếp tục dâng cao.
Theo đó, ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện, dân quân thường trực, Đội xung kích và dân quân các xã trong LLVT huyện tập trung tổ chức các biện pháp phòng, chống lũ lụt tại các địa bàn ngoài đê sông Hồng. Chỉ trong buổi sáng, các đồng chí đã giúp 29 gia đình sơ tán người già, trẻ em; các vật dụng sinh hoạt hàng ngày; gần 2000 con lợn, 7740 gà, vịt, 45 con chó, 41 con trâu và 10 kho lạnh của nhân dân... đang sinh sống ngoài Đê sông Hồng thuộc các xã Trung Châu đến nơi an toàn.
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện chạy đua với lũ cứu tài sản của nhân dân.
Chứng kiến cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện vật lộn trong dòng nước để cứu từng con lợn cho gia đình, ông Nguyễn Văn Thế, thôn 7, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng xúc động cho biết: “Chúng tôi sinh sống ở ngoài này đã gần 20 năm. Trước khi bão số 3 đổ vào địa bàn, chúng tôi đã được cấp ủy, chính quyền vận động di dời hết tài sản về trong Đê để bảo đảm an toàn. Song vì chăn nuôi số đầu Lợn lớn nên chúng tôi không tổ chức di dời kịp. Chúng tôi cũng không nghĩ năm nay con nước lại lớn thế nên cũng có phần chủ quan. Hôm nay nước sông Hồng lên nhanh khiến gia đình trở tay không kịp. Cứ tưởng là mất trắng song thật may mắn Ban CHQS huyện huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ giúp gia đình tôi, cũng như các hộ chăn nuôi trong xóm. Không biết nói gì hơn xin được cảm ơn các đồng chí".
Cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện di chuyển đàn gia súc cho nhân dân thôn 7 xã Trung Châu
Thượng tá Đinh Tuấn Anh, Phó Chỉ huy trưởng-kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện chia sẻ: Kể từ khi nhận công văn về việc phòng, chống và khắc phục hậu quả Siêu bão Yagi, Ban CHQS huyện luôn duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ. Xác định khi bão đi qua, sẽ còn mưa lớn. Có thể gây ngập úng trên diện rộng trên địa bàn nên Ban CHQS vẫn chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền duy trì nghiêm chế độ trực SSCĐ; tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả. Hiện nay mức nước sông Hồng vẫn đang tiếp dâng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và lao động của nhân dân. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục huy động tối đa lực lượng, bảo đảm phối hợp cùng các lực lượng khác di dời nhân dân và tài sản nhanh nhất.
Được biết cũng ngay trong buổi sáng Ban CHQS huyện đã tặng quà cho 5 gia đình bị thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 3, mỗi gia đình 2 triệu đồng.
Được biết trước đó, do ảnh hưởng cơn bão số 3, từ ngày 6-9/9, huyện mưa to. Lượng mưa đo được trung bình toàn huyện từ 17h ngày 6/9-9/9 là 140,0 (mm). Mưa lớn và gió giật mạnh đã làm ngập úng cục bộ hoa màu tại một số xã (hiện tại nước đã rút hết); đổ 27 cột điện (17 cột điện trung thế, 10 cột điện hạ thế) và 1 sự cố Trạm biến áp xã Liên Trung làm mất điện cục bộ tại một số xã (Ước thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng). Toàn huyện có 727 cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng; diện tích sản xuất trồng trọt bị thiệt hại là 34,2 ha; 12 con lợn chết do chập điện, 170 gia cầm chết do tốc mái chuồng trại, mưa ướt; vỡ 6 lồng cá nuôi trên sông Hồng, thiệt hại khoảng 4 tấn cá; chìm 4 thuyền gỗ nhỏ trên sông Hồng... Ngay từ khi xảy ra sự cố, huyện đã huy động toàn bộ các lực lượng và nhân dân, trong đó, nòng cốt là lực lượng quân sự, công an, lực lượng xung kích, huy động máy móc, dụng cụ và triển khai ngay công tác khắc phục sự cố: Ứng trực, tập trung cắt tỉa, trồng lại cây xanh đảm bảo an toàn giao thông và sinh trưởng, phát triển của cây, hạn chế thấp nhất cây chết; Công ty điện lực Đan Phượng và các tổ chức kinh doanh điện trên địa bàn đang tập trung khắc phục các sự cố về điện. Tổ chức tổng vệ sinh môi trường, tiêu trùng, khử độc toàn huyện trong ngày 8/9/2024 cơ bản hoàn thành.
Về công tác triển khai ứng phó:
- Huyện đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn, tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên tới nhân dân về diễn biến nước sông và kĩ năng phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản, tranh thủ hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Di dời toàn bộ 29 hộ dân chăn nuôi ngoài bãi sông Hồng.
- Sẵn sàng chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần theo các phương án đã được xây dựng để ứng phó với cơn bão số 3 theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và tổ chức trực ban 24/7 ở tất cả các cơ quan, đơn vị.
- Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, UBND huyện di dời 9 hộ (45 nhân khẩu) tới nơi ở an toàn; di chuyển 1.889 con lợn, 8.762 gia cầm (gà 1.022 con, vịt 7.740 con), 41 con trâu bò (29 hộ chăn nuôi).
Thuận Nhân-Huy Dũng