A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngoại thành Hà Nội khởi sắc sau 15 năm hợp nhất

QPTĐ-Sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII, vùng ngoại thành và dân tộc thiểu số miền núi Hà Nội đã có bước khởi sắc quan trọng, thể hiện kết quả của sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Thành phố.

Chúng tôi có dịp đến cánh đồng thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, được tận mắt thấy những bạt ngàn rau xanh đang mùa thu hoạch, ai nấy đều phấn khởi cho người dân nơi đây có những vụ mùa năng suất cao. 15 năm trước, đây chỉ là khu đất bãi, sau khi hợp nhất Thủ đô Hà Nội, được sự quan tâm của Thành phố, huyện Mê Linh đã triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh trồng các loại rau ăn lá. Hiện, đây là một trong những vùng trồng rau lớn của Thủ đô. Trò chuyện cùng Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt-ông Đàm Văn Đua cho biết: Những năm mà chúng tôi chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, thì lượng rau thu hoạch chỉ đạt 7 tạ đến 1 tấn/1 sào, nhưng khi chúng tôi áp dụng khoa học kỹ thuật, ngay thời điểm hiện tại đạt khoảng 2-2,2 tấn/1 sào. Với sản lượng và chất lượng rau tốt đã đáp ứng nhu cầu của thị trường và góp phần cho phát triển kinh tế địa phương.

Trước đây, Mê Linh vốn là huyện thuần nông, với lao động nông thôn chiếm trên 80%. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, ruộng đất manh mún, chuyển đổi cơ cấu cây trông vật nuôi còn chậm, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, đời sống của nông dân còn khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt hơn 11 triệu đồng/người/năm. Đến nay, sau 15 năm hợp nhất, đời sống người dân đã thay đổi, nhất là từ khi huyện được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập trung bình đã tăng hơn 5 lần so với trước khi hợp nhất về Hà Nội. Đồng chí Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Bình quân trong 15 năm qua, kinh tế huyện chúng tôi tăng trưởng khoảng 9,8%/năm; tổng giá trị sản xuất trong năm 2022 của huyện đạt trên 24 nghìn tỷ đồng. Về tổng thu ngân sách nhà nước so với năm 2008 (là trên 300 tỷ đồng), thì chúng tôi đã vượt khoảng 5 lần. Về thu nhập bình quân đầu người, thời điểm được hợp nhất về Thủ đô là trên 11 triệu đồng; đến năm 2022, chúng tôi đã đạt trên 60 triệu đồng (tăng trên 5 lần).

Trồng hoa mai trắng ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cho thu nhập cao.

Sau 15 năm thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính, các xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Tây cũ không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững, với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14% xuống còn 0,42%, mà còn trở thành một trong những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới.

Với xã Đông Xuân- một xã miền núi của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được sáp nhập về huyện Quốc Oai; xã có 7 thôn, hơn 1.500 hộ với khoảng 5.600 nhân khẩu, có đến 80% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Sau 15 năm về với Thủ đô, xã Đông Xuân nay đã chuyển mình mạnh mẽ. Được sự quan tâm đầu tư của Thành phố và huyện Quốc Oai, đến nay, xã đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo chương trình xây dựng nông thôn mới; không còn những con đường đồi núi, đất đá ở vùng bán sơn địa trước kia, nay kết cấu hạ tầng của xã được đầu tư đồng bộ, 100% đường giao thông thôn đã được bê tông hóa hoặc trải nhựa; trên 95% đường liên thôn, đường trục chính của thôn, đường ngõ xóm đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; hệ thống nước sạch sông Đà được đầu tư đến trung tâm xã… Hạ tầng phát triển, đã tạo điều kiện giúp người dân phát triển sản xuất. Năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 6 triệu đồng (năm 2008), đến nay lên 61 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Bùi Tiến Linh cho biết: Đối với xã, sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc: Hệ thống đường giao thông nông thôn của xã được các cấp quan tâm đầu tư hoàn thiện; hệ thống trường học cũng được quan tâm xây dựng đầy đủ… từ đó đời sống người dân địa phương có sự khởi sắc nhiều. Đặc biệt, số lao động trong độ tuổi của địa phương đều có việc làm. Trên địa bàn xã cũng có một số doanh nghiệp về sản xuất kinh doanh và địa bàn xã lân cận cũng có nhiều khu công nghiệp, nhà máy, điều đó cũng tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống sẽ được nâng cao…

Phát triển nghề mây giang đan truyền thống.

Còn với huyện Ba Vì, toàn huyện đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững, nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng; trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sau khi sáp nhập thì huyện chúng tôi được Thành phố quan tâm rất nhiều cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 7 xã miền núi. 15 năm nhìn lại và để được công nhận là huyện nông thôn mới thì phải nói trên tất cả các lĩnh vực, huyện chúng tôi đã có được bức tranh hoàn toàn khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên đáng kể.

Nói về đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô, đồng chí Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc Thành phố cho biết: Tổng đầu tư cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô trong 5 năm giai đoạn 2020-2025, Thành phố dành 2.100 tỷ đồng, trong đó có 1.500 tỷ đồng dành cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội và 600 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư cho các nội dung từ văn hóa, giáo dục, y tế cho đến đào tạo nguồn nhân lực.

Trồng bưởi ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Quyết định mở rộng Hà Nội-một cuộc kiến thiết mang tầm vóc lịch sử, tạo không gian rộng mở, thực hiện một tầm nhìn phát triển tương xứng với Thủ đô của đất nước. Với thế là vực mới, Thủ đô Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Từ những dấu ấn đổi thay, giờ đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang quyết tâm tạo bước đột phá đưa Hà Nội phát triển lên tầm cao mới.

Khánh Hà

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ