Sửa đổi Luật Thủ đô để liên kết vùng hiệu quả
QPTĐ-Việc sửa đổi Luật Thủ đô là cấp thiết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì vậy, việc hoàn thiện và thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.
Những bất cấp nảy sinh sau 10 năm thực hiện
Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013. Đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Sau 10 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, tiêu biểu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng và cả nước, chỉ tính riêng năm 2020, GRDP đạt 1,02 triệu tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 5.325USD, gấp 1,92 lần so với cả nước. Bình quân trong giai đoạn 2016-2022, Hà Nội đóng góp hơn 16,8% GDP, 18,5% thu ngân sách nhà nước, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội của Thành phố. Những tuyến đường giao thông liên kết vùng trọng điểm được mở rộng, điển hình là tuyến đường bộ cao tốc Láng-Hòa Lạc; Pháp Vân-Cầu Giẽ; Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn; Hà Nội-Thái Nguyên; Hà Nội-Hải Phòng; Nội Bài-Lào Cai; Nội Bài-Nhật Tân, Đường vành đai 4. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật còn tồn tại, hạn chế, đặt ra yêu cầu từ thực tiễn cần phải sửa đổi Luật Thủ đô để tạo thể chế thuận lợi, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững. Trong Dự thảo báo cáo tại phiên họp thứ 26 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cụ thể như xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa, quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị. Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư. Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách về thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển. Quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường...
Thực tiễn còn tồn tại nguyên nhân trên là do Luật Thủ đô chưa đồng bộ, kịp thời, đầy đủ, chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước; còn chồng chéo với nhiều văn bản pháp luật khác. Một số quy định của Luật Thủ đô chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định cụ thể về các cơ chế đặc thù. Mặt khác, sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 có quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề (như Luật Cư trú bãi bỏ khoản 3, 4 Điều 19, Luật Thủ đô).
Cùng với đó là những quy định “chồng lấn”, xảy ra tình trạng “thừa, thiếu” những quy định trong liên kết vùng. Hiện nay, vùng Thủ đô có 10 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó có 6 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và 4 tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Nhưng trên thực tế, vùng Thủ đô đang có quy hoạch xây dựng theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Luật Quy hoạch năm 2017, xác định có 6 vùng kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho việc triển khai các nhiệm vụ giữa các vùng, do có sự chồng lấn về các đơn vị hành chính. Sự phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch của vùng thành phố Hà Nội hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể là:
Về phát triển công nghiệp chưa có sự liên kết và hợp tác sản xuất trong công nghiệp, mỗi lĩnh vực công nghiệp đều phát triển độc lập, chưa phát triển công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ phát triển công nghiệp. Tính chất của các khu công nghiệp đều giống nhau, đều có các nhà máy cơ khí, dệt, may, điện tử, tin học, hoá chất, vật liệu xây dựng... Các khu công nghiệp không được chuyên môn hoá và hợp tác trong sản xuất. Việc phân bố các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong vùng Thủ đô cũng không có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh mà biểu hiện phát triển tự phát của từng tỉnh và cạnh tranh giữa các tỉnh kế cận. Các tỉnh đua nhau phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp bám sát các đường quốc lộ, đường liên tỉnh đã gây ra nạn ách tắc xe cộ và nhiều tai nạn giao thông trên các đường quốc lộ vào Hà Nội. Do sự phát triển công nghiệp một cách vội vã nên các địa phương chưa có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nội bộ khu công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật dẫn tới khu công nghiệp, và chưa hình thành được các khu nhà ở phục vụ cho công nhân các khu công nghiệp. Về thương mại vùng thành phố Hà Nội hiện nay, chưa hình thành hệ thống thương mại toàn vùng, bao gồm hệ thống bán buôn bán lẻ kho tàng hậu cần, chưa có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các tỉnh với thành phố Hà Nội, sự liên kết hợp tác còn ở mức thấp. Về du lịch vùng Thủ đô, chưa có sự liên kết và hợp tác để tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương, bao gồm du lịch cảnh quan, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa phục vụ cho nhiều đối tượng khách trong nước và quốc tế.
Đó chính là nguyên nhân vì sao phải sửa đổi Luật Thủ đô là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, là yếu tố khách quan, đây cũng là khẳng định mà đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lấy ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô: Luật Thủ đô năm 2012 có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng quá trình triển khai, tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, tồn tại, còn chủ yếu mang tính chất khung, nguyên tắc, định hướng, tính hiện thực còn hạn chế; thậm chí một số khoản, điều của luật khác ban hành sau cao hơn Luật Thủ đô. Mục tiêu tạo đột phá cho Thủ đô phát triển của Luật Thủ đô năm 2012 chưa đạt được.
Sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô sửa đổi
Một trong những hạn chế dễ nhận thấy của Hà Nội trong thời gian qua là việc thực hiện quy hoạch chung về xây dựng, phát triển mô hình thành phố vệ tinh Hà Nội, các thị trấn sinh thái vẫn còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Việc giãn dân cư vùng nội đô nhằm bảo đảm cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý, giảm tải hạ tầng cho đô thị trung tâm, một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề. Trong khi đó, tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh, nhất là ở nội thành, khu vực nội đô lịch sử. Khó khăn nổi lên là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất mất nhiều thời gian nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt trong quy hoạch, kéo theo đó là những áp lực rất lớn về hạ tầng xã hội, giao thông, nhà ở, chất lượng sống. Đặc biệt là vai trò của một đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết Vùng Thủ đô của Hà Nội chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế vốn có. Tại Hội nghị xin ý kiến nguyên lãnh đạo thành phố Hà Nội qua các thời kỳ vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ngày 18/9 vừa qua, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô ở thời điểm này là chín muồi. Thành phố Hà Nội đã đầu tư rất nhiều công sức, tâm huyết, trí tuệ để xây dựng hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi). Nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh cho rằng, việc sửa đổi Luật Thủ đô là hoàn toàn phù hợp bởi nhiều điều, khoản đã không còn phù hợp. Dự thảo Luật lần này đã tập trung phân cấp, giao quyền cho Hà Nội, quy định trách nhiệm của Hà Nội, đưa được nhiều nội dung, văn bản mới nhất.
Đó cũng chính là kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời, giúp Thủ đô “cởi bỏ” những cơ chế ràng buộc, khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra, việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV thông qua vào sáng ngày 27/11/2023 tới đây, gồm có 7 chương, 60 điều (tăng 3 chương, 33 điều so với Luật Thủ đô 2012), quy định toàn diện trên các lĩnh vực. Trong đó, một số nội dung quan trọng được quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là tăng thẩm quyền của Thành phố: Được chủ động về tổ chức bộ máy, biên chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ tiền lương; Phân quyền và quy định cơ chế mới về quy hoạch, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ và đổi mới; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD; các biện pháp huy động nguồn lực đất đai để phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp; các biện pháp mới trong bảo vệ môi trường, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển nhà ở; giải pháp mới để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư xã hội, khai thác tài sản công; tăng cường liên kết Vùng Thủ đô.
Về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô chủ yếu nằm ở chương V được quy định từ Điều 46 đến Điều 52 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), điều chỉnh cả những hoạt động kinh tế - xã hội của Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng; trong đó, có quy định giao Thủ đô vai trò: “Chủ trì điều phối thực hiện và quản lý quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, bên cạnh đó, thẩm quyền về đầu tư các dự án có tính chất vùng, việc đầu tư sang địa bàn tỉnh khác của các địa phương, các ưu đãi đầu tư đối với dự án của Vùng, các cơ chế, quy định đặc thù về liên kết vùng trong các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, môi trường, giáo dục, lao động, quản lý dân cư, phân vùng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, logistic, dịch vụ - vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phía Tây Thành phố, về giáo dục, đào tạo, khoa học - vùng Hòa Lạc, Xuân Mai, bên cạnh đó còn có những đặc thù khác đối với chính quyền quận, huyện, thị xã hiện nay, như tăng số lượng Phó chủ tịch Hội đồng, Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhiều chuyên gia đánh giá đã đi vào trọng tâm tháo gỡ các vướng mắc thông qua việc cụ thể hóa tối đa các cơ chế, các nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa vào dự thảo luật.
Tin tưởng rằng, với những đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, có tính đột phá, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này được kỳ vọng sẽ khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô xứng tầm vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước cùng phát triển.
Tùng Chi