Quyết tâm chính trị cao nhất trong tinh gọn bộ máy
QPTĐ-Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 10/4 đến ngày 12/4/2025 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về 02 nhóm vấn đề: Nhóm vấn đề tiếp tục sắp xếp, tinh gọn các cơ quan hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và nhóm vấn đề công tác chuẩn bị Đại hội XIV và bầu cử Quốc hội khóa XVI, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố); kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025 sau khi Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Thống nhất sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Về tổ chức Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp 5 tổ chức chính trị-xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các hội quần chúng khác về trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động.
Về hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có 3 cấp: Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh, khu vực. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Những chủ trương được xác định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII là cơ sở lãnh đạo để Đảng, Nhà nước tiếp tục các bước sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đất nước, nhưng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, như tổ chức cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chức năng chồng chéo và cơ chế phối hợp vướng mắc. Thực trạng này dẫn đến hiệu suất làm việc thấp, thủ tục hành chính rườm rà, cán bộ quan liêu, trì trệ trong giải quyết công việc. Chính vì vậy, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là một yêu cầu bức thiết hiện nay.
Theo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, để quản trị hiệu quả, không chỉ giảm bớt đầu mối tổ chức, mà còn phải thay đổi cách thức quản trị, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và cung cấp dịch vụ công. Một bộ máy tinh gọn, hiệu quả không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách, mà còn cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng từng nhấn mạnh: “Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả”. Như vậy, tinh gọn bộ máy cần tổ chức một cách khoa học, hợp lý, giúp hệ thống vận hành hiệu quả, linh hoạt hơn. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ giảm đầu mối, mà điều quan trọng là hướng đến việc vận hành hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực để phát triển đất nước.
Với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận của toàn dân là điều kiện quan trọng bảo đảm cho cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị sẽ thành công và cũng là cơ sở cho sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phương Minh