Nhớ Tết xưa
QPTĐ- Tết xưa! Tháng Chạp, tôi nhớ dáng mẹ hao gầy trong những buổi sớm mùa Đông giá rét. Trên đôi vai nặng trĩu những gánh hàng rau, mẹ lại rong ruổi đến bán ở phiên chợ quê. Và mỗi ngày, chị em tôi lại háo hức ra đầu ngõ đón mẹ về, sà vào lòng mẹ, lục lọi để tìm kiếm quà mẹ mua. Để rồi reo lên thích thú khi thấy gói bánh, gói kẹo được bà cẩn thận bọc lại dành cho những đứa con thơ của mình… Phiên chợ cuối năm, chị em tôi càng mong ngóng hơn. Bởi như thường lệ, mẹ sẽ mua cho chúng tôi quần áo mới để diện trong những ngày Tết. Nhà tôi đông con nên mỗi gánh hàng rau của mẹ chỉ đủ để mua quần áo cho một đứa. Tôi nhớ như in vẻ mặt của cu Tí khi được mẹ ưu ái sắm quần áo tết đầu tiên. Cu cậu hí hửng mang ra thử, rồi không muốn cởi ra nữa. Nhìn em xúng xính áo mới, chúng tôi-những đứa lớn hơn không bao giờ ganh tị, nhưng luôn ao ước, đếm từng ngày đến phiên chợ tiếp theo để tới lượt mình nhận được niềm vui đó. Rồi mong chờ đến Tết để được diện quần áo mới đi du Xuân, chúc Tết.
Tết xưa, tôi nhớ không khí của những ngày giáp Tết, cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng. Từ khoảng chiều 28 tết, mẹ tôi mang bó lá rong và dặn chị em tôi rửa sạch, lau khô bằng vải mềm, mẹ ngâm đậu xanh, gạo nếp. Sau bữa cơm tối, chị em tôi lăng xăng phụ giúp bố mẹ gói bánh, đứa xúc gạo, đứa xúc đậu, đứa buộc lạt... Những ngày cuối Đông rét ngọt nhưng không khí gia đình ấm cúng hơn bao giờ hết. Tôi nhớ nhất những đêm thức cùng bố mẹ trông nồi bánh chưng, cùng trò chuyện về một năm cũ sắp qua và những ước mong cho năm mới sắp đến. Nhìn nồi bánh chưng sôi trên bếp củi rực lửa, lòng tôi vui lắm. Thế là năm nay nhà mình có Tết. Chả là bố mẹ hay bảo với chị em tôi : "Năm nay nhà mình bán tết các con ạ". Chị em tôi lo lắm, chỉ sợ nhà mình không có tết. Thế nên chúng tôi chẳng bao giờ quên được cái không khí khẩn trương, tất bật mà ấm áp lạ lùng của những ngày cuối năm, khi thấy trong nhà có bánh chưng, có thịt lợn hay phên cá nướng.
Tết xưa! Đêm Giao thừa nào tôi cũng thức cùng bố mẹ. Khi mẹ hì hục bên nồi chè lam thơm phức, mấy đứa em đang ôm nhau say giấc, bố bảo tôi chuẩn bị giấy để viết vào đó những dự định sẽ làm trong năm mới. Ông bảo, viết điều đó vào đúng thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thì những điều đó dễ trở thành hiện thực. Đã mấy chục năm từ ngày đó, tận bây giờ, khi đã có tổ ấm riêng của mình, tôi vẫn giữ thói quen đó, như một lời nhắc luôn nhớ về gia đình nhỏ năm xưa-nơi có cha, có mẹ và những đứa em thơ luôn dành cho tôi tình yêu thương vô bờ bến.
Tết xưa! Tôi nhớ không khí ấm cúng trong gia đình buổi sáng mồng Một. Trong khói hương trầm tỏa khắp không gian, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm đầu năm mới. Ai cũng vui vẻ, trò chuyện rôm rả nghĩ về những điều tốt đẹp, may mắn nhất. Và điều chị em tôi mong chờ nhất là được diện quần áo mới đi chúc Tết họ hàng, được bố mẹ và người thân mừng tuổi. Ngồi trong nhà, tôi đã nghe ngoài đường đã bắt đầu có tiếng chúc tụng, tiếng trẻ con vui đùa khoe nhau áo mới. Tôi càng háo hức để được tung tăng đến từng nhà bên nội, bên ngoại. Đến nhà ai cũng được mời ăn kẹo, chè lam, bánh gai, mứt dừa, được nhận lì xì… Nghĩ đến thế thôi lòng tôi lại rạo rực, muốn Tết cứ kéo dài mãi… “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”- ba ngày Tết trôi qua thật nhanh trong không khí rộn ràng của mùa Xuân và sự ấm áp, vui tươi của lòng người.
Tết xưa thật giản dị và mộc mạc! Mỗi lần nghĩ về những ký ức của Tết xưa, càng thêm trân trọng nét văn hóa đặc sắc của người Việt đã dung dưỡng bao thế hệ khôn lớn, trưởng thành, sống có đạo hiếu, không quên về cội nguồn dân tộc…
Phạm Quý