A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CUỘC THI VIẾT NÉT ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SỸ THỦ ĐÔ

Người nhiệt tâm với các công trình kiến trúc 

 

QPTĐ-Trở về nơi cất tiếng khóc chào đời sau nhiều năm xa cách, Cựu chiến binh, Kiến trúc sư (KTS) Dương Mạnh Hùng hiện đang sống tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội dành nhiều thời gian, tâm huyết tham gia phục dựng các công trình kiến trúc văn hóa tâm linh của ngôi làng cổ Ngọc Trục, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa. Từ trong tâm thức của mình, ông luôn đau đáu một nỗi niềm, làm sao để khôi phục lại công trình văn hóa của quê hương, góp phần xây dựng nét đẹp văn hóa làng quê, khơi dậy niềm vinh dự, tự hào cho thế hệ trẻ về truyền thống của quê hương thông qua các công trình lịch sử.

Cựu chiến binh, Kiến trúc sư Dương Mạnh Hùng

Dấu ấn theo những công trình 

Mùa Xuân năm 1970, hòa chung khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, gác lại công việc của một cán bộ kỹ thuật (ngành kiến trúc), chàng thanh niên Dương Mạnh Hùng hăng hái lên đường chiến đấu. Anh được biên chế tại Tiểu đoàn 587, Sư đoàn 320B hành quân vào Tây Nghệ An. Đầu năm 1971, Dương Mạnh Hùng được điều về Cục Hậu cần. Với khả năng, kinh nghiệm vốn có, đồng chí được cấp trên trưng dụng tham gia thiết kế công trình hậu cứ; đồng thời hướng dẫn thi công hội trường lớn khoảng 400 chỗ ngồi, cụm công trình nhà Bộ Tư lệnh và các phòng, ban trong khu rừng Yên Khê. Sau giải phóng cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, ông được điều lên Sầm Nưa, nhận nhiệm vụ quan trọng-củng cố khu chuyên gia quân sự Việt Nam và tham gia xây dựng không gian tổ chức Đại hội lần thứ II Đảng nhân dân cách mạng Lào tại hang Pha Đeng. Ông cùng với cán bộ khoa học của Tổng cục Hậu cần, chuyên gia mỹ thuật tạo nên dấu ấn về giải pháp kiến trúc trong không gian hang động của nước bạn Lào. Cùng với đó, ông còn được giao thiết kế nhà Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Tổng Tư lệnh Khăm-tày Xi-phăn-đon và Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang dự Đại hội. Công trình hoàn thành đã được cấp trên đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào thành công của Đại hội Đảng lần thứ II của đất nước bạn Lào. 

Sau khi phục viên, ông tiếp tục theo học Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tốt nghiệp khóa học loại Giỏi, ông được Nhà trường giữ lại làm giảng viên. Sau này do yêu công tác, ông được điều về Văn phòng KTS, thuộc Ban phụ trách quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình. Tại đây, ông tham gia tu bổ Lăng Bác và thiết kế các công trình xung quanh Lăng. Thời gian này, ông có điều kiện làm việc và học hỏi rất nhiều từ các chuyên gia Liên Xô; nhất là kinh nghiệm từ KTS   Garon Ixacovich (người chủ trì thiết kế Lăng Hồ Chủ tịch). 
Tại Ứng Hòa, nơi ông sinh ra và lớn lên có khu chợ Cháy là vành đai căn cứ kháng chiến ác liệt trong kháng chiến chống Pháp. Khi địa phương tổ chức xây dựng cụm tượng đài “Khu Cháy kiên cường”, ông Hùn được mời tham gia vào nhóm thiết kế. Ông dành nhiều thời gian, tâm huyết cho cụm tượng đài này. Bởi bố của ông từng là cán bộ kháng chiến từ thời tiền khởi nghĩa. Tượng đài được thiết kế trong một tổng thể, phía sau là nhà bảo tàng trưng bày các hiện vật kháng chiến, phía trước là quảng trường để tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng. Đặc biệt, hằng năm, nơi đây còn là địa điểm tổ chức cho thanh niên báo công, lên đường nhập ngũ-mang trong mình nhiệt huyết của quê hương chiếc gậy Trường Sơn; là địa điểm quan trọng giáo dục truyền thống cho lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau.

Khôi phục công trình văn hóa làng cổ

Nửa thế kỷ xa quê nhưng ký ức tuổi thơ tại ngôi làng Ngọc Trục luôn hiện hữu trong tâm thức của KTS Nguyễn Mạnh Hùng. Từ xứ đồng, cầu cống, ao chuôm, cổng đình, mái chùa, giếng nước, gốc đa...dù đã bao nhiêu năm nhưng vẫn thân thuộc trong ký ức của người KTS. Vốn có kiến thức chuyên sâu về kiến trúc, ông mong muốn khôi phục lại hệ thống công trình văn hóa tâm linh của làng. Dự định ấy cũng trùng với mong mỏi của chính quyền, nhân dân Ngọc Trục. Bởi qua thời gian, đình chùa xuống cấp, giếng làng, ao quê dần bị san lấp, ảnh hưởng đến không gian văn hóa và đời sống tinh thần của người dân. Năm 2014, ông bắt tay trùng tu tôn tạo giếng làng. Để thực hiện được dự án, ngoài đóng góp của dân làng, ông đứng ra kêu gọi sự tài trợ của đồng nghiệp, bằng hữu. Theo đó, người đóng góp cây đèn đá; người cung tiến đôi nghê đá, cổng đồng; bạn bè soạn giúp đại tự, câu đối. Còn ông trực tiếp hướng dẫn thợ cách thức xây dựng, tự tay đắp vẽ hoa văn....Công trình giếng làng hoàn thành trong niềm vui của nhân dân địa phương, góp phần gìn giữ công trình kiến trúc mang nét đẹp văn hóa làng quê. 
Đối với cụm di tích đình làng, sau kháng chiến chống Pháp bị mai một gần hết. Tường Đình in vết bom đạn chiến tranh, qua thời gian xuống cấp nghiêm trọng... Trước thực tế trên, ông Hùng khảo sát toàn bộ dấu tích của quần thể, lập hoàn chỉnh hồ sơ, từng bước khôi phục lại. Đầu tiên, thôn tiến hành tu bổ tòa đại bái, tiếp đến xây dựng hậu cung thờ Thành Hoàng theo thiết kế nguyên mẫu, tiếp theo xây dựng nhà tả vu hữu vu, cuối cùng dựng lại hệ thống nghi môn, cột đồng trụ. Để góp phần tôn lên vẻ đẹp của ngôi đình cổ, ông Hùng đã thiết kế quy hoạch tổng thể các tiểu mục kiến trúc kết nối đồng bộ bao gồm nghi môn, cuốn thư, hồ bán nguyệt, non bộ, vòi phun nước, xung quanh trồng cây cối hài hòa, xanh mát. Tất cả các hạng mục được khảo sát tính toán kỹ lưỡng, có chi tiết ông phải vẽ chi tiết theo tỉ lệ 1:1 để thợ đắp, vẽ theo thiết kế. 

Tiếp đến là trùng tu chùa làng, ngày trước, làng nghèo nên ngôi chùa cổ sơ sài. Qua chiến tranh, cổng cổ bị biến mất. Với kinh nghiệm phục dựng mấy chục ngôi chùa cổ, ông vẽ bản thiết kế các hạng mục của chùa làng mang đậm phong cách truyền thống nhưng vẫn thể hiện được tính cách, tâm hồn của người dân Ngọc Trục mạnh mẽ, tình cảm và khát vọng vươn lên. Ngoài ra, hệ thống cổng làng, điểm cúng chúng sinh, đền, miếu, văn chỉ đã xuống cấp rất cần được phục dựng, tôn tạo. Ông đã vẽ toàn bộ bản thiết kế, sau đó dân làng từng bước thực hiện, góp phần gìn giữ di sản kiến trúc văn hóa tâm linh của làng. 

Ở tuổi xế chiều, sức khỏe của ông không còn như trước, có thời điểm phải nằm viện hàng tháng trời để điều trị. Thế nhưng ông vẫn miệt mài thiết kế các bản vẽ, rồi về quê giám sát, tư vấn xây dựng. Tất cả đều vì chữ “tâm” đối với quê hương. Không chỉ công đức toàn bộ thiết kế các công trình (tính chi phí rất lớn), ông còn kêu gọi sự ủng hộ từ nhiều nguồn khác nhau cho các hạng mục. Các công trình văn hóa tâm linh lần lượt được tôn tạo, phục dựng, không những đáp ứng lòng mong mỏi của chính quyền và mọi người dân địa phương mà hơn thế, ông đã hoàn thành trách nhiệm của người con xa quê với nơi chôn nhau, cắt rốn của mình.

TRẦN ANH
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ