Người giữ lửa điệu chèo Xa Mạc
QPTĐ-Người giữ lửa cho chiếu chèo ấy là nghệ nhân-Đội trưởng Đội văn hóa thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyên Mê Linh-CCB Nguyễn Ngọc Lược. Ở cái tuổi ngoại lục tuần, nhưng ông Lược vẫn còn “duyên” với làn điệu chèo cổ quê hương mình, mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra và cuộc khởi binh giữ nước của Hai Bà Trưng làm cho quân thù khiếp sợ đến muôn đời. Ông tâm sự: Tôi mê hát chèo từ khi tóc còn để chỏm. Lớn lên, mỗi khi nghe tiếng trống chèo ngoài đình là trong lòng đã nhộn nhịp. Từ ngày bao cấp, tiếng hát chèo quê tôi dường như vắng lặng. Nhiều đêm tôi nằm, tự nhẩm, tự ôn lại những điệu chèo của các cụ để lại mà thấy lo cho một di sản văn hoá phi vật thể của quê hương nói riêng, cả nước nói chung liệu có bị mai một, mất dần. Những ngày trong quân ngũ, đêm nằm nhớ quê hương, nhớ tiếng trống chèo da diết, tôi mơ ngày chiến thắng trở về sẽ lại hát chèo cho mình, cho đời thêm vui.
Đội chèo truyền thống thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc.
Quả thật, khi được tiếp xúc với ông và bà con thôn Xa Mạc mới thấy người dân nơi đây rất tôn vinh làn điệu chèo cổ của quê mình. Làn điệu chèo Xa Mạc xuất xứ từ thôn Xa Mạc bao đời nay không ai biết, song trong hàng trăm làn điệu của chèo như lới lơ, cỏ lả, trống quân… có làn điệu Xa Mạc đã và đang tồn tại cho đến nay. Nhờ thế, làn điệu chèo Xa Mạc đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị văn hóa phi vật thể của vùng Kinh đô Thăng Long. Các cụ cao niên kể lại: Ngày xưa, người ta thường hát điệu Xa Mạc bên dòng sông, dưới cánh đồng mênh mông. Bờ sông cách xa lắm nên chỉ giao duyên được với nhau qua tiếng hát, tiếng hò thanh trong ngân xa nhờ làn gió gửi tâm tình tới bạn ca. Do khoảng cách xa và tiếng hát mang đậm tính chân chất của xóm làng nên được gọi bằng cái tên Xa Mạc (mạc là làng).
Thật quí lắm thay, khi đất nước chuyển mình, dòng nhạc trẻ đang chiếm ưu thế, thì trong những làng cổ của Việt Nam, của Thăng Long-Hà Nội, trong đó có làng Xa Mạc còn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Bà con cho biết, thôn đã thành lập được CLB hát chèo truyền thống của Xa Mạc, chủ nhân là Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược. Năm 1998, ông tự bỏ ra hai mươi triệu đồng để mua sắm hệ thống âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, thành lập đội hát chèo gồm 20 người. Ai chứng kiến cảnh các cháu tuổi mười tám, đôi mươi theo học hát chèo, thấy lớp học đông vui, chiếu chèo rộn rã, đều cảm kích. Được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chàng trai trẻ Nguyễn Ngọc Lược xung phong đi bộ đội, vào Đoàn Thông tin 205 Bộ Tư lệnh Thông tin.
Những ngày trong quân ngũ, ông Lược là một “cây” văn nghệ với những bài hát chèo làng mình, góp phần lấy tiếng hát chèo át tiếng bom. Đã gần 30 năm nay, từ trong mạch máu của sự sống, con người nhỏ bé của ông chưa lúc nào ngơi đi niềm đam mê chèo. Chèo đối với ông như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Ăn có thể chưa no, uống có thể chưa đủ nhưng đối với ông không hát chèo, không sáng tác chèo thì không thể chịu được. Nhớ ngày khởi nghiệp ông bị nhiều người cho là “hâm”, hoặc “dở hơi”, thậm chí còn cho rằng ông bị thần kinh, do ảnh hưởng của bom đạn địch trong chiến tranh. Bỏ mặc ngoài tai, mấy chục năm trời, ông đằng đẵng sưu tầm, kiên trì nghiên cứu, sáng tác…, đến nay, ông đã có trong tay hơn 30 bài hát theo làn điệu chèo Xa Mạc cổ truyền từ thế kỷ thứ 19. Ông còn viết hàng trăm bài hát chèo, dựng hàng chục trường đoạn, ca cảnh tạo nên vở diễn.
Mặc dù xây dựng được Đội văn nghệ đi biểu diễn khắp nơi nhưng ông Lược vẫn đau đáu lo rằng mai đây các thế hệ sau không còn say mê điệu chèo của quê hương nữa. Để làn điệu chèo Xa Mạc được lưu truyền cho mãi đến đời sau, theo ông Lược: Cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và cơ quan văn hóa, nhất là của Hà Nội; cần đầu tư hơn nữa để phát triển và lưu giữ làn điệu chèo Xa Mạc-một làn điều chèo rất dễ hát và dễ nhớ, với những câu, từ dân giã rất gần với cuộc sống thường ngày của người dân lao động các vùng quê Bắc bộ.
Minh Nguyệt