Tiến sĩ thương binh nặng lòng với ngư dân
Tôi gặp thương binh hạng 3/4, Tiến sĩ Lê Hải Hưng tại Đại hội Hội Cựu chiến binh trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần thứ III, nhiệm kỳ 2017-2022. Từ cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở, được biết năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi cầm trên tay giấy báo nhập học của trường Đại học Tổng hợp, chàng trai trẻ Lê Hải Hưng, quê xã Liên An, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng vẫn tình nguyện lên đường nhập ngũ, hành quân bộ theo tuyến đường Trường Sơn huyền thoại vào miền Nam, tham gia nhiều trận đánh ác liệt với Mỹ-Ngụy. Ngày 19/6/1974, trong một trận chiến đấu với giặc tại cứ điểm Bầu Bàng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ông bị trúng đạn phải về tuyến sau điều trị. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông xuất ngũ, ra Hà Nội tiếp tục theo học ngành Vật lý mà ông đã “bảo lưu kết quả” 3 năm trước đó. Tốt nghiệp, ông tham gia công tác giảng dạy tại trường Đại học Hàng Hải, Viện Đo lường quốc gia, rồi gắn bó với Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đến khi nghỉ hưu tháng 5/2017.
Tiến sĩ Lê Hải Hưng hướng dẫn ngư dân Bình Định lắp đặt đèn LED trên tàu đánh cá.
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng và tham gia nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Lê Hải Hưng đã nghiên cứu, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn nhiều công trình phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội. Có thể kể đến, năm 2006 ông tham gia chủ trì Tiểu dự án “Nâng cao năng lực kiểm định chấn lưu và chóa đèn” trong dự án quốc tế “Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao” tại Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ; dự án “Chương trình giảng dạy chiếu sáng hiệu suất cao cho các nước ASEAN” do Liên minh châu Âu tài trợ. Năm 2012, với đề tài nghiên cứu khoa học “Chế tạo thiết bị đo tự động sự phân bố cường sáng của các loại đèn thông dụng”, Tiến sĩ cùng một số đồng nghiệp vinh dự được nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nhà khoa học thương binh ấy còn tham gia tư vấn chiếu sáng cho các công trình trọng điểm quốc gia như: Hầm đường bộ Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân; Nhà Quốc hội; Quốc lộ 5 mới…
Thực hiện thành công nhiều dự án, công trình như vậy, song có lẽ việc nghiên cứu sử dụng đèn LED thay thế các nguồn sáng truyền thống trong đánh bắt thủy, hải sản, góp phần giảm phát khí thải nhà kính, khiến cho ông đau đáu hơn cả. Ông chia sẻ, khi đánh bắt xa bờ, ngư dân Việt Nam thường dùng đèn sợi đốt và đèn Metal Halide để dẫn dụ cá ban đêm. Những loại đèn truyền thống này có mức tiêu thụ điện năng lớn, vì vậy, hao tốn nhiều dầu diesel để chạy máy phát điện. Mặt khác, ánh sáng của đèn này chói, nóng, ảnh hưởng đến tầm nhìn cũng như sức khỏe của ngư dân khi bám biển lâu ngày. Trước trăn trở đó, năm 2013, với gần 100 triệu đồng kinh phí, ông nhiều lần từ Hà Nội lặn lội đến các xã Tri Hải, Thanh Hải (huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân thử nghiệm trang bị hệ thống đèn LED cho tàu đánh bắt xa bờ. Kết quả, khi dùng đèn LED thay thế các nguồn sáng truyền thống, các tàu đã giảm được khoảng 30% dầu diesel để chạy máy phát điện, trong khi năng suất đánh bắt hải sản tăng lên 1,3 lần. Được Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ, cuối năm 2016, ông lại lặn lội vào Nam Trung bộ để tư vấn dự án “Triển khai đèn LED cho 10 tàu cá tại Bình Định và Bình Thuận”. Ngày ngày, người ta thấy vị tiến sĩ dáng người nhỏ bé cùng vượt sóng, trực tiếp hướng dẫn bà con lắp đặt đèn LED và kiểm chứng hiệu quả sử dụng.
Là một trong những ngư dân được thử nghiệm trang bị đèn LED cho tàu đánh cá, hơn ai hết, anh Võ Kim Giao, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định hiểu rõ lợi ích từ dự án mang lại. Anh bộc bạch: “Tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh, ngư dân chúng tôi chủ yếu sử dụng đèn Metal Halide để đánh bắt hải sản. Loại đèn này có công suất 1000W/h, mỗi tàu cá thường lắp 10 bóng để thắp suốt đêm dẫn dụ cá. Việc này tiêu tốn rất nhiều dầu diesel để chạy máy phát điện, phát thải nhiều khí ảnh hưởng đến môi trường. Được trang bị bộ đèn LED đánh cá Điện Quang, công suất chỉ 200W, nhưng sáng tương đương với đèn loại cũ, mà mức tiêu thụ điện lại giảm 50-60%. Trước đây, mỗi đêm tàu cá của tôi dùng hết 70-80 lít dầu diesel cho chạy máy phát điện, thì nay giảm xuống chỉ còn 45-50 lít, vừa tiết kiệm được chi phí cho những chuyến ra khơi, vừa nâng cao năng suất đánh bắt hải sản, lại vừa góp phần bảo vệ môi trường”.
Tìm hiểu được biết, từ năm 2011, Tiến sĩ Lê Hải Hưng đã dày công nghiên cứu, chế tạo thành công, chuyển giao công nghệ LED panel cho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông. Đó chính là tiền đề cho những dự án sử dụng đèn LED sau này được triển khai rộng rãi. Tiến sĩ Hưng tâm sự, đèn LED là một sản phẩm công nghệ cao, sáng hơn, bền hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn các nguồn sáng truyền thống, song giá thành sản xuất hiện vẫn cao. Chính vì vậy, các công ty sản xuất cần không ngừng cải tiến mẫu mã với tiêu chí: Sáng hơn, đẹp hơn, bền hơn và rẻ hơn, để đèn LED sẽ dần thay thế các loại đèn truyền thống, góp phần tích cực tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trở về cuộc sống đời thường, với Tiến sĩ Lê Hải Hưng, nghỉ hưu không có nghĩa là “nghỉ cống hiến”. Ông bảo, hạnh phúc nhất của người làm khoa học là những công trình nghiên cứu của mình được ứng dụng vào thực tế, giúp ích cho xã hội. Tâm niệm của ông là: “Còn sức còn phụng sự Tổ quốc, phụng vụ nhân dân, ở bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào cũng làm khoa học với tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ”.
Ngọc Đỗ