Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam
QPTĐ-Thời đại Hồ Chí Minh với những biến cố chấn động lịch sử, dân tộc ta đã sản sinh ra một thế hệ vàng với những nhà lãnh đạo kiệt xuất, trong đó có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Nhớ về ông là nhớ về một vị tướng toàn vẹn, đức độ “sáng trong như ngọc”, tài năng thao lược xuất chúng, Đại tướng của Quân đội và cũng là Đại tướng của nhân dân.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao đổi tình hình chiến sự chiến trường miền Nam (5-7-1967). (Ảnh: Tư liệu)
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng) từ khi sinh ra đã được tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến. Từ đó, người thanh niên ấy đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng. Năm 1934, khi mới vừa tròn 20 tuổi, đồng chí đã tham gia cách mạng, hoạt động tích cực trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng ta phát động và lãnh đạo. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều nổ ra mạnh mẽ. Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, cũng tại đây đồng chí Nguyễn Vịnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh. Năm 1947, đồng chí được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình-Trị-Thiên. Đồng chí đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào ta, gây dựng lại phong trào cách mạng ở Thừa Thiên-Huế và chỉ đạo xoay chuyển tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình-Trị-Thiên.
Từ năm 1950-1960, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh, đồng thời là Phó Bí thư Tổng Chính ủy. Trong suốt quãng thời gian giữ cương vị này, đồng chí góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhấn mạnh việc xây dựng quân đội về chính trị là cơ sở cho xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt; thường xuyên quan tâm đến vấn đề quan trọng hàng đầu của xây dựng quân đội là củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến; xây dựng chi bộ Đảng, chú trọng vấn đề kỷ luật Đảng, xây dựng phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân cho cán bộ, đảng viên... Cùng với Quân ủy Trung ương và Tổng cục Chính trị, đồng chí có đóng góp to lớn xây dựng nền nếp, định ra và thực hiện hiệu quả các nội dung, phương pháp tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị, phát huy nhân tố con người trong xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), làm cho hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị thực sự trở thành “linh hồn, mạch sống của quân đội”.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào thời kỳ quyết liệt, đồng chí lại được cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các LLVT giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trên cương vị được giao, đồng chí cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực, góp phần xác định đúng bước chuyển biến từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, chủ động đánh Mỹ kéo vào miền Nam. Lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Đảng và dân tộc ta mãi mãi khắc ghi tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn Nguyễn Chí Thanh như “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay”, từ đó hình thành các “vành đai diệt Mỹ”. Những phân tích, nhận định, đánh giá tình hình chiến trường miền Nam của đồng chí đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam.
Dù trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn nhất, trong những thời điểm nóng bỏng nhất, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở hai miền đang ở giai đoạn quyết liệt, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột từ trần sau một cơn đau tim nặng. Đồng chí đã tạ thế hồi 9 giờ sáng 6/7/1967, để lại biết bao thương tiếc cho đồng bào, đồng chí và thế hệ trẻ cả nước.
Với 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng thao lược của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà lãnh đạo tài ba, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Đại tướng được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất và Huân chương Quân công hạng Nhất...
Hải Yến (Theo Dangcongsanvn)