Trần Hồng với những khoảnh khắc bình dị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
QPTĐ- Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước đang sôi nổi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi may mắn được gặp gỡ và trò chuyện cùng Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Hồng, người có hơn 20 năm được đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp để ghi vào ống kính những khoảnh khắc bình dị về vị tướng tài ba, nhân hậu. Những tấm ảnh do ông chụp hoàn toàn chân thực, không thực hiện bất kỳ một kỹ xảo nào, bởi ông quan niệm: “Các bức ảnh phải khắc hoạ phẩm chất về vị tướng đầy “chất văn”, sự thanh liêm, giản dị của Đại tướng trong cuộc sống đời thường”.
Bức hình NSNA Trần Hồng chụp được khi Đại tướng về thăm Điện Biên Phủ năm 2004.
Trong câu chuyện cùng Đại tá, nhà báo Trần Hồng, chúng tôi vô cùng ấn tượng với những bức ảnh quý giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp giữa đời thường được ông chụp, ghi chép và lưu giữ cẩn thận. Ông chia sẻ: “May mắn lớn trong cuộc đời quân ngũ của tôi là được ghi lại những khoảnh khắc đời thường của một con người có một không hai trong lịch sử Việt Nam, để từ đó ông càng chói sáng, lan tỏa trong triệu trái tim một Võ Nguyên Giáp vẹn nguyên mãi mãi”.
Đại tá Trần Hồng kể, ông từng mở hai cuộc triển lãm ảnh tại Hà Nội trong hai năm 1992, 1995 và may mắn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự. Đến xem, vị Đại tướng huyền thoại lưu bút rằng: “Những tấm ảnh (những bức tranh) như thơ, như nhạc. Qua hình ảnh ghi lại, người xem rất xúc động với những tình cảm, những nỗi đau thương và những niềm vui qua những con mắt làm cho người xem nhớ mãi, chúc Trần Hồng, người nghệ sĩ , chiến sĩ có những tác phẩm lớn”.
NSNA Trần Hồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Là người yêu nghề, mê việc nên mỗi khi tác nghiệp, Đại tá Trần Hồng thường quan sát, phán đoán, di chuyển chọn chỗ đứng, tìm góc độ sao cho thích hợp nhất để thực hiện ý tưởng bấm máy. Với ông, mỗi lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện trước ống kính của mình, là thêm một ý tưởng sáng tạo mới, ông sợ mỗi giây qua đi là mất một khoảnh khắc hiếm quý. Đại tá Trần Hồng kể: “Lần tôi vào nhà riêng của Đại tướng (30 Hoàng Diệu-Hà Nội) dịp đầu Thu năm 1994, bất ngờ thấy ông mặc thường phục, hiếm hoi lắm mới có được hình ảnh này bởi kể cả lúc nghỉ ngơi chơi đùa với các cháu nội, ngoại ông vẫn mặc quân phục. May mắn là hôm đó tôi mang theo hai máy ảnh. Tôi chụp lia lịa. Đang lúc “cao trào”, Đại tướng vẫy tôi lại gần, hỏi: “Sao cậu lại chụp tớ nhiều thế?”. Tôi trả lời: “Dạ! Thưa Đại tướng, sao Đại tướng lại cho em chụp Đại tướng nhiều thế ạ?”. Ông nhìn tôi nở nụ cười tươi và nói: Cậu này ma lanh thật!”
Khi xem bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ thân mật với bà con dân tộc Tày, nhân dịp Đại tướng về thăm Cao Bằng tháng 12 năm 1994, chúng tôi được Đại tá Trần Hồng cho biết: “Đại tướng thân tình, cởi mở với con cháu của những đồng bào, đồng chí không tiếc máu xương, công sức kháng chiến kiến quốc. Bằng tiếng Tày, Đại tướng thu hút mọi người và giữa ông với đồng bào không còn khoảng cách nào giữa người nói và người nghe nữa. Đồng bào các dân tộc ở đây từ già đến trẻ đều gọi Đại tướng là “ông nội” của mình.”
Với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp Ban biên tập báo Quân đội nhân dân, Đại tá Trần Hồng nhắc lại một kỷ niệm khác còn in đậm trong tâm trí ông: Khi Đại tướng đồng ý chụp ảnh chung với Ban biên tập, tôi đang nâng máy, vê nét, chờ cơ hội chụp thì Đại tướng nói to: “Trần Hồng chụp phải đẹp đấy!”. Gắn gần hết cả cuộc đời quân ngũ hơn 40 năm với Báo Quân đội nhân dân, trước ống kính của tôi, khoảnh khắc ấy là 12 sĩ quan cao cấp, 12 nhà báo-đồng nghiệp cùng cơ quan lại được Tổng Tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho chụp ảnh chung và căn dặn… “chụp phải đẹp đấy”- Tôi coi đây là “mệnh lệnh”- mệnh lệnh “trái tim”. Tay tôi phút chốc run lên, hồi hộp, may mà ảnh không bị nhòe. Bức ảnh có thể chưa đẹp nhưng như Đại tướng nói: “Nhiếp ảnh sao mà kỳ diệu đến vậy. Có những việc theo thời gian có thể quên đi nhưng nhìn ảnh là tôi có thể nhớ từng chiến sĩ, từng trận đánh cả những căn dặn của Bác Hồ…”.
Đặc biệt khi xem những tấm ảnh Đại tướng lên thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 2004 và khi Đại tướng về thăm quê hương Lệ Thủy, Quảng Bình năm 2004, chúng tôi rất xúc động. Bảy mươi năm đã trôi qua, Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, nhưng công lao to lớn cùng dấu ấn sâu đậm của Tổng Tư lệnh-Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn mãi với dân tộc ta.
Đại tá Trần Hồng cũng ghi lại được hình ảnh Đại tướng tiếp những vị khách quốc tế như: Tổng thống Venezuela Hugo Chavez, bà Tổng thống Chile Michelle Bachelet, cha con ông Raymond Aubrac (người bạn Pháp đã mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở nhà mình năm 1946 trong thời gian đàm phán dài ngày ở Pháp) đến tận tư dinh thăm và mừng thọ Đại tướng… Mỗi bức ảnh đi kèm với những câu chuyện về vị Đại tướng huyền thoại giữa đời thường, về bối cảnh, sự việc, thông tin những con người liên quan.
Được biết, nhà báo Trần Hồng đã tổ chức 14 cuộc triển lãm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có một triển lãm được thực hiện tại Cộng hòa Ba Lan năm 2018, được nhiều bạn bè và các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước đánh giá cao. Tiêu biểu như: Triển lãm về “Chân dung những người thường gặp” (12/1992), “Chân dung mẹ” (12/1995), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần tôi được gặp” (8/2006), “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Những khoảnh khắc còn mãi” (5/2009)… Hiện nay, 111 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Đại tá Trần Hồng chụp trong thời gian từ năm 1986 đến 2013 được lưu trữ tại Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ. Ngoài sáng tác những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Hồng còn có niềm đam mê chụp ảnh chân dung về người Mẹ Việt Nam Anh hùng, về những người lính Cụ Hồ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam cảm nhận về những bức ảnh của Trần Hồng: “Chính qua những bức ảnh này, chúng ta có thể hình dung rõ hơn, hiểu đầy đủ hơn cuộc đời, con người được đánh giá là “vĩ nhân của mọi thời đại”. Sự vĩ đại đó không phải ở những gì to lớn, choáng ngợp mà chính là ở sự bình dị, đơn sơ, gần gũi. Và đó là điều mà những bức ảnh của Trần Hồng làm ta xúc động, làm trái tim ta thổn thức…”.
Rời nhà Đại tá Trần Hồng khi chiều còn vương nắng mà lòng cảm thấy thư thái, tự hào. Tôi nhớ gương mặt hiền từ, nụ cười tươi của ông và cả những sẻ chia công việc chuyên môn. Câu nói: “Những người làm báo có thể họ không làm lên lịch sử nhưng không có họ lịch sử không được ghi lại…” của ông như truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi tiếp tục vững bước trên con đường đã chọn.
HỮU THU