A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vẹn nguyên ngày tiếp quản Thủ đô

QPTĐ-Sáng 10/10/1954, Hà Nội ngợp trời cờ, hoa, cổng chào, băng rôn và biểu ngữ. Hàng vạn người dân đổ ra đường, rạo rực trong ngày hội lớn, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Đó là ký ức hào hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí mỗi người lính trực tiếp tham gia tiếp quản Thủ đô cách đây vừa tròn 70 năm về trước.

Đối với CCB Nguyễn Đức Tình, ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô vẫn còn vẹn nguyên.

Chúng tôi có dịp được gặp CCB Nguyễn Đức Tình (năm nay 92 tuổi), ông là người đã tham gia cả 3 cuộc kháng chiến (chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc năm 1979). Với “người lính” đã kinh qua nhiều trận mạc, nhưng ký ức về ngày tiếp quản Thủ đô trong ông thì vẫn vẹn nguyên cảm xúc.

CCB Nguyễn Đức Tình chia sẻ: Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Năm 1950, ông xung phong đi bộ đội, khi mới 17 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được biên chế vào Trung đoàn 45 Pháo binh. Tháng 12/1953, đơn vị ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Trung đoàn 45 Pháo binh được lệnh hành quân về Phú Thọ để luyện tập đội ngũ. Ở đây được một thời gian thì tiểu đoàn của ông được lệnh về tiếp quản Thủ đô.

Thời điểm đó, nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô được giao cho Đại đoàn 308. Nhưng đơn vị pháo binh của ông vẫn được lệnh về Thủ đô, như một hình thức biểu dương lực lượng. CCB Nguyễn Đức Tình vẫn còn nhớ rõ: Chúng tôi hành quân từ Phú Thọ về Hà Nội, chủ yếu là đi ban đêm. 

Khoảng ngày 8/10 thì chúng tôi về đến Hà Nội, toàn đơn vị được bố trí tập trung ở sân bay Bạch Mai. Anh em lúc đó có ai biết Hà Nội như thế nào đâu, cũng không ai biết đường đi, phố xá như thế nào; cùng với đó là đơn vị thực hiện “Thiết quân luật”, nên bộ đội tuyệt đối không được dời vị trí. Anh em tập trung bảo quản pháo và sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đến sáng ngày 10/10 thì đơn vị được lệnh xuất phát. 

Chúng tôi tổ chức kéo pháo đi theo đoàn quân, đi đầu là đoàn xe của đồng chí Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và Bác sỹ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính. Đoàn quân đi qua nhiều con phố, đến tập trung ở sân Cột Cờ, nay là Đoan Môn-Hoàng thành Thăng Long để tổ chức Lễ chào cờ đầu tiên trong ngày giải phóng. Thực ra, chúng tôi ngồi trên xe, nên cũng không biết đi cung đường nào, nhưng chúng tôi thấy dân đứng kín 2 bên đường, tay cầm cờ, hoa nhiều lắm. Ai cũng hô khẩu hiệu chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Không khí phấn khởi, đông vui lắm.

Với riêng tôi, một người lính trẻ, không phải người Hà Nội, nhưng tôi biết Hà Nội qua nhưng ca khúc; đặc biệt, giai đoạn 1953-1954, có rất nhiều bài hát về Hà Nội mà anh em chúng tôi hay hát với nhau, nên rất háo hức khi được về tham gia tiếp quản Thủ đô. Khi về đến Hà Nội, anh em đều sướng lắm, ai cũng vui mừng. Đoàn quân chúng tôi đi đến đâu, người dân ra đường đứng chật hết và vẫy tay chào chúng tôi, ai cũng hò reo, vui mừng khôn xiết. Thời khắc ấy, đường phố rực sáng cờ hoa và tiếng hát, tiếng hò reo, Hà Nội ngày hôm đó thực sự là ngày hội lớn, tưng bừng, náo nhiệt.

70 năm đã trôi qua, giờ đây thấy Hà Nội phát triển, rộng và đẹp quá, thật tự hào là Thủ đô nghìn năm tuổi. Mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô, nhất là khi được xem lại những hình ảnh tái hiện chặng đường chiến đấu đầy oanh liệt của quân và dân ta, thế hệ chúng tôi như được sống lại năm tháng hào hùng đó. Tôi mong rằng âm hưởng của bản hùng ca Hà Nội chiến đấu và chiến thắng sẽ còn vang mãi, là động lực để thế hệ trẻ tiếp nối xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

HÀ AN


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ