Đoàn Thanh Xuyên anh hùng- 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành
QPTĐ-Trong không khí tháng Tư lịch sử hào hùng của dân tộc hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024) và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), sáng 6-4, Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Trung đoàn và vinh dự đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Trung tướng Trần Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh; thủ trưởng Bộ Tư lệnh và các cơ quan; đại biểu tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong Quân đội, Anh hùng LLVT nhân dân từng công tác tại Trung đoàn qua các thời kỳ; lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 301; đại biểu đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương nơi Trung đoàn đóng quân…, cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ đơn vị dự Lễ kỷ niệm.
Tại buổi Lễ, Trung tá Nguyễn Huy Danh, Trung đoàn trưởng thay mặt Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn đọc diễn văn ôn lại truyền thống 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị. Theo đó, sau Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Chiến khu Việt Bắc chuyển về làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ; bảo vệ các bí mật quốc gia, đòi hỏi phải có một lực lượng đủ mạnh, trung thành tuyệt đối, tinh thông nghiệp vụ để đảm nhiệm trọng trách này. Đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định thành lập Đại đoàn 350, thuộc Bộ Tổng Tư lệnh. Ban đầu Đại đoàn có 3 Trung đoàn mang các phiên hiệu: 600; 254 và 53.
Do tính chất hoạt động đặc biệt và yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi cao của Trung đoàn 600, sau một thời gian ngắn làm công tác chuẩn bị thành lập lực lượng mới; trung tuần tháng 8 năm 1954, tại làng Yên Dục, xã Thuận Hòa, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội), Tiểu đoàn 12 được thành lập, thuộc biên chế Trung đoàn 600. Với lực lượng ban đầu gồm các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn là những cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong chiến đấu và có trình độ tổ chức chỉ huy bộ đội; chiến sĩ phần lớn đã trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt trên các chiến trường. Chỉ sau ít ngày thành lập, Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ phối hợp tham gia bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Và vinh dự lớn đối với Tiểu đoàn, sau ngày hoàn thành tốt nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đó, Tiểu đoàn được Bác Hồ đến thăm, động viên… Cũng tại đây, Người đã ân cần căn dặn cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn: “Bác cháu ta sống trong gian khổ và kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm lâu ngày đầy rẫy những cảnh sống xa hoa, trụy lạc, đừng sa ngã trước những “viên đạn bọc đường” của địch”. Bác tin tưởng và yêu mến cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 12, Người đã đặt tên cho Tiểu đoàn là “Đoàn Thanh Xuyên”.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, năm 1978, Tiểu đoàn 12 từ một đơn vị thuộc Trung đoàn 600 được tách ra thành đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Trải qua những năm tháng chiến đấu độc lập, truy lùng biệt kích, thám báo, tiêu diệt thổ phỉ và thực hiện nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân giao, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn Thanh Xuyên” đã ngoan cường chiến đấu, đánh thắng 12 trận, tiêu diệt 628 tên, bắt sống 800 tên địch. Những bước chân hành quân của cán bộ chiến sĩ Trung đoàn đã ghi dấu ấn trên khắp chiến trường từ Bắc tới Nam và cả nước bạn Lào.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, thực hiện Quyết định số 56, ngày 06/4/1978 của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã nâng tổ chức biên chế Tiểu đoàn 12 thành Trung đoàn 12 Công an nhân dân vũ trang. Từ đây, ngày 06/4 hằng năm được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn lấy làm Ngày truyền thống của đơn vị. Và cũng từ đây, “Đoàn Thanh Xuyên” với nhiệm vụ mới là chiến đấu chống xâm canh, xâm cư, lấn chiếm đất đai, gây rối an ninh biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, “Đoàn Thanh Xuyên” đã nêu cao ý chí kiên trung, tinh thần chiến đấu quả cảm, lập nhiều chiến công với những tấm gương hy sinh anh dũng, quên mình của cán bộ, chiến sĩ, như: Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Đình Chinh, Nguyễn Đình Thuần; Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Công Thuận, cùng nhiều tấm gương anh dũng chiến đấu khác. Ghi nhận những chiến công bảo vệ biên giới phía Bắc của Trung đoàn, ngày 20/12/1979, Trung đoàn 12-Đoàn Thanh Xuyên vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô Hà Nội thời kỳ mới, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Bộ Quốc phòng, ngày 26/4/1980, theo quyết định của trên, Trung đoàn được điều chuyển từ lực lượng Công an nhân dân vũ trang về Quân khu Thủ đô, trực thuộc Sư đoàn Bộ binh 301 và đổi tên thành Trung đoàn Bộ binh 692, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Từ đây, Trung đoàn 692 đã bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển toàn diện, xây dựng đơn vị theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Trong suốt những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã nối tiếp nhau nêu cao truyền thống, cống hiến tài năng, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao; tập trung xây dựng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện tốt công tác huấn luyện, SSCĐ; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu đảm nhiệm, các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, Quân đội diễn ra trên địa bàn Thủ đô; tích cực tham gia phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và phòng chống dịch bệnh. Làm tốt công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đơn vị an toàn, gắn với địa bàn an toàn, góp phần làm tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô trong thời kỳ mới.
Dự và phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thay mặt Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã biểu dương những thành tích vẻ vang của Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 đã đạt được trong suốt 70 năm qua. Những năm tới, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước; Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng; Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội; Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và nhân dân giao phó, đồng chí Tư lệnh đề nghị Đảng ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, truyền thống “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của LLVT Thủ đô, thấu suốt quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong giai đoạn cách mạng mới. Từ đó, chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp cùng các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống không để bị động, bất ngờ.
Cùng với đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt yêu cầu Trung đoàn tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, góp phần giữ vững và phát huy nét đẹp văn hóa Người chiến sĩ Thủ đô và truyền thống “Trung kiên, dũng cảm, luyện giỏi, đánh thắng” của Đoàn Thanh Xuyên anh hùng đã được xây dựng, vun đắp trong suốt 70 năm qua.
Đặc biệt, đồng chí Tư lệnh đề nghị Đảng ủy Trung đoàn thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Đồng thời, quyết liệt thực hiện Lời huấn thị của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ Quân đội và cán bộ, chiến sĩ toàn quân: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động về lợi ích chung”… Cùng với đó, coi trọng xây dựng Trung đoàn có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu và tính cơ động cao, là lực lượng nòng cốt, chủ yếu của LLVT Thủ đô, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội, các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, Nhà nước, Quân đội diễn ra trên địa bàn. Làm tròn nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn… bảo vệ bình yên cuộc sống của nhân dân.
Ngọc Quang-Việt Dũng