Bí quyết giảm mỡ nội tạng
QPTĐ-Chất béo có mặt ở khắp cơ thể dưới dạng mô mỡ dưới da, mỡ nội tạng, mỡ tủy, mỡ trong hệ thống cơ… Trong cơ thể, khoảng 90% chất béo nằm ở dưới da, 10% còn lại được gọi là mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng là một loại chất béo trong cơ thể được lưu trữ trong khoang bụng. Nó nằm gần một số cơ quan quan trọng, bao gồm gan, dạ dày và ruột. Nó cũng có thể tích tụ trong động mạch.
Tập thể dục giúp giảm mỡ nội tạng.
Nguyên nhân gây mỡ nội tạng: Chế độ ăn kém lành mạnh, ít vận động, di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, tuổi già, căng thẳng, nghiện rượu bia... Mỡ nội tạng tích tụ quá nhiều không chỉ khiến số đo vòng eo tăng mà còn gây khó khăn trong quá trình vận động, tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, gan nhiễm mỡ không do rượu, xơ vữa động mạch... Hơn nữa, mỡ nội tạng có thể gây ra các vấn đề đáng lo ngại và nghiêm trọng cho sức khỏe: Tăng đề kháng insulin; tăng phản ứng viêm của cơ thể; ức chế sự hoạt động của hormone giúp điều chỉnh chất béo; tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch...
Cách giảm mỡ nội tạng
Kiểm soát cân nặng: Nếu thừa cân hoặc béo phì, giảm cân tổng thể có thể giảm mỡ nội tạng. Bằng cách giảm 10% trọng lượng cơ thể, có thể giảm tới 30% lượng mỡ trong cơ thể; theo chế độ ăn uống và lập kế hoạch tập luyện thích hợp, hợp tác với chuyên gia dinh dưỡng và huấn luyện viên để đạt được mục tiêu giảm cân an toàn và hiệu quả.
Điều chỉnh chế độ ăn uống: Ăn nhiều chất xơ hòa tan: Chất xơ rất tốt để giảm mỡ nội tạng bằng cách ngăn chặn sự thèm ăn. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như hạt lanh, khoai lang, cà rốt, táo, trái cây họ cam quýt, trái bơ, các loại đậu và ngũ cốc. Ăn nhiều protein: Protein là chất dinh dưỡng quan trọng nhất để giảm béo, hạn chế tích trữ mỡ nội tạng, giúp tăng cường sự trao đổi chất, thúc đẩy giải phóng năng lượng. Các thực phẩm giàu protein như thịt nạc, ức gà, hải sản, cá, trứng, sữa và các loại đậu. Bên cạnh đó, hạn chế ăn tinh bột, đường, chất béo động vật… Cụ thể, nên hạn chế ăn bánh quy ngọt, bánh quy giòn, bơ thực vật, dầu thực vật hydro hóa, đồ ăn nhanh như gà rán, cá rán, bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên. Nên sử dụng các phương pháp nấu ăn ít chất béo như luộc, hấp thay vì chiên xào; sử dụng dầu oliu thay cho bơ và dầu thực vật.
Hạn chế uống rượu: Uống nhiều rượu ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và làm tăng chất béo lưu trữ dưới dạng mỡ nội tạng. Mỗi lần uống rượu sẽ cung cấp nhiều calo hơn, chúng còn ngăn chặn quá trình chuyển hóa chất béo. Bên cạnh đó, việc uống rượu khiến ăn nhiều hơn và trở nên lười vận động.
Tăng cường tập thể dục: Tập luyện thường xuyên sẽ giúp đốt cháy calo, làm tăng khối lượng cơ, từ đó giúp giảm lượng mỡ trong cơ thể. Hãy bắt đầu với đi bộ nhanh, chạy bộ và thể dục nhịp điệu nhẹ nhàng, sau đó dần dần tăng mức độ gắng sức lên với những bài tập cường độ cao hơn; cần duy trì tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, tập ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Ngủ đủ và chất lượng: Khi thiếu ngủ, hormone kiểm soát cảm giác đói ghrelin sẽ tăng lên kích thích cảm giác thèm ăn, dẫn đến ăn quá mức vào ban ngày hoặc thường xuyên ăn đêm. Đồng thời, thiếu ngủ còn làm rối loạn quá trình chuyển hóa của cơ thể và làm mất động lực tập thể dục, từ đó có thể dẫn đến tăng cân và tăng mỡ nội tạng. Hãy cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm và tăng chất lượng giấc ngủ bằng cách ngủ và thức theo giờ cố định, cố gắng thư giãn, tạo môi trường phòng ngủ thoải mái và tránh xa thiết bị điện tử.
Trà Giang