“Dám và không dám” - Liều thuốc thử bản lĩnh của cán bộ, đảng viên
Bài 1: Khi bản lĩnh bị gục ngã trước lòng tham nên “dám” làm tất cả
QPTĐ- Hiện nay, cùng với việc khuyến khích cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, Đảng và Nhà nước ta còn ban hành nhiều quy định, cơ chế chính sách về khuyến khích và bảo vệ cán bộ “6 dám”, tạo cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng, để cho CB, ĐV tự tin, yên tâm thực hiện. Thế nhưng thời gian qua, tình trạng cán bộ sợ sai, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm vẫn còn, khiến tâm lý dư luận xã hội không khỏi hoài nghi, thất vọng. Ngược lại, vẫn còn một bộ phận không nhỏ CB, ĐV không thực hiện “6 dám” nhưng lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để “dám” làm liều, đứng trên cả pháp luật, bất chấp tất cả để tư lợi, tham ô, tham nhũng, mà không hành động vì lợi ích chung. Phải chăng do pháp luật không đủ mạnh, hay bởi “viên đạn bọc đường” đã làm cho CB, ĐV gục ngã.
Tranh minh họa
Không túng nhưng vẫn làm liều
Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) được Đảng, Nhà nước ta tiến hành rất mạnh mẽ, ai sai phạm cũng bị xử lý, “không có vùng cấm, không có vùng tránh”.
Điều này có tác dụng rất lớn không chỉ ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực mà còn nhắc nhở CB, ĐV trong thực thi công vụ đều phải công tâm, tuân thủ pháp luật, hết lòng vì lợi ích của chung. Tuy nhiên, do lòng ham muốn vật chất quá mức, lối sống vị kỷ cá nhân của một phận CB, ĐV dẫn đến tham nhũng, tiêu cực còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.
Chắc mọi người vẫn còn nhớ, nếu như mấy năm trước đây cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ ba triệu USD để Phạm Nhật Vũ mua 95% cổ phần công ty truyền thông AVG đã khiến cho dư luận bàng hoàng vì số tiền quá lớn. Thì nay, trong vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã xô đổ mọi kỷ lục về tham ô, tham nhũng trước đó, khi Đỗ Thị Nhàn nguyên là Cục trưởng Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị truy tố về hành vi nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD. Rồi còn rất nhiều CB, ĐV “dám làm liều” sẵn sàng bất chấp mọi hậu quả, như Phạm Trung Kiên, nguyên cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế đã thực hiện 253 lần nhận hối lộ của các cá nhân, đơn vị với số tiền 42, 6 tỉ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu.
Và còn nhiều vụ án, nhiều đối tượng nữa mới được gọi tên, như cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở do liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil. Hay cựu Bí thư Tỉnh ủy Thanh hóa Trịnh Văn Chiến vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Vậy câu hỏi đặt ra là, vì sao, chống tham nhũng quyết liệt như vậy, nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn có vẻ ngày thêm nặng, số tiền đưa, nhận hối lộ “khủng”, số đối tượng tham nhũng nhận hối lộ phần lớn là những người có trọng trách rất cao.
Lý giải vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Bắc, nguyên Phó vụ trưởng, trưởng ban xây dựng Đảng, Báo Nhân dân cho rằng: “Trước hết chính là lòng tham của con người, họ đã không chiến thắng được cái tôi của bản thân để vượt qua cái cám dỗ của vật chất tầm thường, nên nhiều CB, ĐV vẫn chưa biết sợ, vì lòng tham mà thiếu bản lĩnh, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống nên bị cám dỗ, mua chuộc, lao vào những lợi ích bất minh. Nếu nhìn vào những vụ án vừa qua cho thấy, những người phạm tội đó không phải là những người thiếu tiền. Vậy tại sao họ vẫn phạm tội, phải chăng tiền quá lớn, kiếm quá dễ dàng như “mỡ để miệng mèo” nên khiến họ không kiểm soát được lòng tham của mình, sẵn sàng bất chấp mọi thủ đoạn, mặc dù biết sai nhưng vẫn làm”.
Còn theo PGS, TS Nguyễn Xuân Phong, Trưởng khoa Chính trị, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa bao giờ quyết liệt như các nhiệm kỳ gần đây, vậy tại sao số cấp ủy, cán bộ vi phạm không giảm mà thậm chí có nơi lại tăng? Nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, một số bộ, ngành và cấp ủy đảng trong các lực lượng vũ trang đều là những nơi có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với đất nước. Đội ngũ cán bộ ở đó có thể khẳng định là được đào tạo bài bản, rèn luyện thử thách thường xuyên, năng lực, trình độ cao hơn nhiều nơi khác. Tại sao họ lại để tay nhúng chàm, vướng vào vòng lao lý bi ai? Câu trả lời chính xác là do suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống. Vì hư hỏng, cá nhân chủ nghĩa mà họ bị kéo xuống dốc không phanh. Có quyền lực, lại sống trong một môi trường nhiều cám dỗ, song không đủ tỉnh táo, cho nên chỉ một cái tặc lưỡi là trượt ngã vào “vết xe đổ” của người khác dù đã được răn đe, cảnh báo thường xuyên, liên tục”.
Vậy nên có thể khẳng định, khi bản lĩnh bị gục ngã trước lòng tham, thì dù ở vị trí cấp thấp hay cấp cao, những CB, ĐV này đều sẽ tìm mọi cách lạm dụng quyền lực để “dám làm liều”, tham ô tham nhũng và suy thoái, biến chất. Đây là nguyên nhân cơ bản đẻ ra tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, phải làm từ sớm, từ xa, tức là phải ngăn chặn cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong CB, ĐV, công chức, viên chức, nhất là cán bộ có chức, có quyền, chống lạm dụng quyền lực trong thực thi công vụ hiện nay.
Muốn diệt cỏ dại phải trồng nhiều hoa
Ngay sau khi Cách mạng tháng 10 Nga giành thắng lợi, để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, V.I. Lênin đã rất quan tâm đến vấn đề đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong chính quyền non trẻ, Người chỉ rõ: “Tham nhũng, tiêu cực bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc” trong một bộ phận CB, ĐV, đó là việc lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám” trên sức lao động của người khác.
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra: “Tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”; ... Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”. Vậy nên, để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “xây” và “chống”. “Xây” là quá trình củng cố, tăng cường, nâng cao tính ổn định, sự vững chắc, thúc đẩy sự phát triển. “Chống” là quá trình lọc bỏ những yếu tố lỗi thời, không tích cực, phá hoại sự ổn định, cản trở sự phát triển.
Đây là quá trình diễn ra liên tục, không có giai đoạn nào “xây” và “chống” tách rời nhau. Ý nghĩa của “xây” trong chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng là không những đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện các lớp CB, ĐV có tài, có đức, có tâm, có tầm mà cần có cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng” và cơ chế đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”.
Do đó, cốt lõi của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát cho được quyền lực, xây dựng cho CB, ĐV có bản lĩnh chính trị vững vàng. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành ba quy định về kiểm soát quyền lực và PCTN, TC, như quy định số 114 về công tác cán bộ; quy định 131 về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; quy định số 132 về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Những quy định này rất quan trọng, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, toàn diện của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân, thông qua đó mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ, được ràng buộc bởi trách nhiệm.
Tuy nhiên, tính hiệu quả còn phụ thuộc ở cách thức vận hành và con người thực hiện. Do đó, các tổ chức Đảng, các cơ quan hành chính của bộ máy chính quyền phải tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để bảo đảm quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, nhất là kiểm soát quyền lực đối với những CB, ĐV giữ các vị trí quan trọng, đối với các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, dễ tham nhũng, tiêu cực.
Muốn vậy, khi sắp xếp bố trí CB, ĐV, phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng, bảo đảm “chọn đúng người, giao đúng việc”, chống cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, hình thành “nhóm lợi ích” trong việc bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Cùng với đó, các cấp ủy tổ chức Đảng phải tăng cường khuyến khích, động viên những CB, ĐV năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn đột phá vì lợi ích chung, từ đó, tạo ra “luồng gió mới”, nguồn sinh khí, năng lượng đổi mới tác động tích cực đến tâm lý xã hội và tạo niềm tin, nền tảng để cán bộ phấn đấu vượt khó, sáng tạo trong nhiệm vụ được giao.
Bởi vì, sự tha hóa, biến chất, cái xấu, cái ác nếu tồn tại phải tiêu diệt tới cùng, nhưng đòi hỏi của thực tiễn bao giờ cũng đi trước các thiết chế và quy định của pháp luật, nhiều CB, ĐV vì tinh thần đổi mới, sáng tạo, hướng tới lợi ích chung, nhưng số đông chưa hiểu mà đẩy họ ra xa, khiến họ không thể quay đầu, đánh giá họ là sai phạm, thậm chí khiến họ vướng vòng lao lý, thì đó là một mất mát, tổn thất rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng, vì mất đi một bộ phận cán bộ giàu kinh nghiệm, được đào tạo lớp lang, bài bản.
NGUYỄN VĂN TUÂN