Lật tẩy chiêu trò “gắp lửa đỏ bỏ tay người” để chống phá Thủ đô
Bài 1: Thủ đoạn “vẽ rắn thêm chân”
QPTĐ-Nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 được ví là bệ phóng, là “cơ hội vàng” khơi thông nguồn nội lực, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng là đô thị đặc biệt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước, thì việc xây dựng hệ thống chính trị Thủ đô “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” trong bối cảnh hiện nay được xem là “sức mạnh chiến lược” đưa Hà Nội bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Thế nên, ngay sau “Hiệu lệnh: Không thể chậm trễ hơn nữa” trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, cả hệ thống chính trị của Thành phố đã gương mẫu triển khai thực hiện triệt để. Tuy nhiên, với dã tâm thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động lại coi đó là cái cớ, ra sức xuyên tạc, bóp méo thông tin sai sự thật về tình hình thực tiễn của Thủ đô, theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”, cố tình hạ bệ vai trò, vị trí, uy tín của hệ thống chính trị TP. Hà Nội, hòng dẫn dắt, kích động dư luận quay lưng với cấp ủy, chính quyền, gây mất ổn định xã hội.
Sự quy chụp kệch cỡm
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hà Nội đã nghiêm túc triển khai, thực hiện một cách khoa học, bài bản. Đặc biệt, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra ngày 1/12/2024, khi Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra yêu cầu: “Không thể chậm trễ hơn nữa” trong cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, thì ngày 13/12/2024, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Thông báo kết luận số 07-TB/BCĐ của Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, thể hiện rõ quyết tâm, chuyển động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chủ trương của Đảng. Chia sẻ về khó khăn khi Thành phố thực hiện “cuộc cách mạng”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì nó liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Nên nói tới việc tinh giản biên chế đã rất ngại chứ chưa nói đến làm. Nhưng với sự quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, tôi tin Hà Nội sẽ về đích sớm nhất, bởi đây là cuộc cách mạng “ý Đảng hợp với lòng dân”.
Vậy nên, ngay sau khi có Thông báo kết luận số 07-TB/BCĐ của Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” chỉ sau một tháng, đến đầu tháng 1/2025, Hà Nội đã hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Cụ thể, đối với cơ quan Thành ủy giảm một ban đảng, giảm ba ban cán sự đảng, giảm tám đảng đoàn và 3 đảng bộ, thành lập mới 2 đảng bộ trực thuộc Thành ủy. Đối với UBND Thành phố giảm từ 21 sở xuống còn 15 sở và một cơ quan tương đương, tổng số phòng thuộc sở là 150, giảm 48 phòng; giảm 2 đơn vị trực thuộc khác và tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với vấn đề sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã sau khi bỏ trung gian cấp huyện, theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, là địa phương có số lượng xã, phường, thị trấn lớn nhất cả nước, đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhưng Thành phố luôn xác định phải gương mẫu, đi đầu, thực hiện hoàn thành trong cuối quý 2. Qua đó cho thấy, Hà Nội đã và đang thể hiện quyết tâm rất cao trong thực hiện chủ trương lớn của Đảng, về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy “Tinh-Gọn-Mạnh -Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả” để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thế nhưng, với bản chất chống đối, cố tình phớt lờ sự thật, các thế lực thù địch, phản động, đứng đầu là tổ chức khủng bố Việt Tân, đã thông qua mạng xã hội, đặc biệt là công nghệ AI, Chat GPT, đài phát thanh (ngoài nước) để phát tán bài viết tuyên truyền cái gọi là “tinh giản biên chế, bản chất thật của Thủ đô Hà Nội”, xuyên tạc, đổi trắng thay đen, cho rằng “tinh giản biên chế” của Thủ đô thực chất là bớt chỗ này, thêm chỗ khác, vì cán bộ, công chức trong bộ máy của Thủ đô toàn “con ông cháu cha”, thành phần tinh giảm chủ yếu là con “nông dân”, những người tham nhũng chưa bị phát hiện để “hạ cánh an toàn”. Hay bỏ cấp huyện của Thủ đô chỉ là hình thức của “con số cộng” để thành lập nhiều huyện mới nhỏ hơn…cùng với đó, họ còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi thâm độc để chống phá, như việc “Giả đui để điêu” khi quy chụp các công trình, dự án chậm tiến độ nằm trên địa bàn Thủ đô nhưng không do Thành phố quản lý, để xuyên tạc về công tác phòng, chống lãnh phí của Hà Nội. Điển hình khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí đưa hai dự án là Tòa tháp của Tổng công ty Xi măng Việt Nam trên đường Phạm Hùng và dự án Trụ sở mới Bộ Ngoại giao ở đường Lê Quang Đạo vào diện theo dõi do có dấu hiệu lãng phí. Ngay lập tức, các thế lực thù địch, phản động kêu gào, cố tình bóp méo, nhào nặn ra các câu chuyện về lợi ích nhóm, để xuyên tạc, lèo lái dư luận, quy kết trách nhiệm, đổ lỗi cho người đứng đầu Thành phố, rồi kêu gọi người dân Hà Nội đấu tranh để thanh trừng đội ngũ cán bộ hiện nay. Từ đó, kích động, chia rẽ nội bộ, lôi kéo dụ dỗ nhân dân tham gia các hoạt động gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Thấy cây mà không thấy rừng
Nhìn lại sau bảy năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, thành phố Hà Nội được coi là “điểm sáng” trong việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong theo hướng tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiêu biểu trong giai đoạn 2015- 2021, Thành phố giảm từ 1.473 biên chế công chức và giảm 12.890 biên chế sự nghiệp (đạt tỷ lệ 10%); về tinh giản biên chế, tính từ tháng 6/2022 đến nay, Thành phố đã tinh giản biên chế được 34 đợt, với 1.646 trường hợp; trong đó, có 291 trường hợp nghỉ do sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại theo vị trí việc làm, 769 trường hợp nghỉ do phân loại, đánh giá. Lũy kế sau sắp xếp đến hết tháng 4/2025, Thành phố đã giảm 2 đảng ủy khối, 1 cơ quan tương đương sở, 3 đơn vị sự nghiệp, 70 đầu mối chi cục thuộc sở, 41 đầu mối cấp phòng; giảm 174 đơn vị sự nghiệp cấp 2. Và sau khi chấp dứt hoạt động cấp huyện (ngày 1/7/2025), thành phố Hà Nội có 526 xã, phường, theo phương án sắp xếp còn 126 xã, phường. Hiện nay, Thành phố đã hoàn thành lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp, cũng như tên gọi và được Hội đồng nhân dân Thành phố nhất trí thông qua, đồng thời sẽ trình tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV quyết định. Như vậy, luận điệu “tinh giản biên chế” của Thủ đô thực chất là “bớt chỗ này, thêm chỗ khác” mà các thế lực thù địch rêu rao càng thể hiện rõ nét cho thói giả đui, giả điếc của các phần tử theo chủ nghĩa xét lại.
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thành ủy Hà Nội còn đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống lãng phí, xem đó là “liều thuốc đặc trị” làm trong sạch hệ thống chính trị. Cụ thể, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước lập Ban Chỉ đạo chống lãng phí, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, phòng chống lãng phí không phải bây giờ Thành phố mới làm, trước đó, Thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Có những dự án kéo dài chục năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, Thành phố đã tiến hành thu hồi.
Tiêu biểu như dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu đô thị Đền Lừ III, Thành phố đã yêu cầu UBND quận Hoàng Mai tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, sửa chữa công trình bảo đảm chất lượng, bàn giao công trình trong quý II/2025, để bố trí tái định cư cho nhân dân thuộc dự án đường Tam Trinh và các dự án khác trên địa bàn quận. Cùng với đó, Thành phố yêu cầu chuyển đổi ngay các hạng mục A2, A3, A4 Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (công trình được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách lên tới 1.900 tỷ đồng, nhưng bỏ hoang cả chục năm nay) sang nhà ở xã hội cho thuê, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027. Đặc biệt, Thành phố đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thành ủy Hà Nội rất quyết liệt trong việc theo dõi, chỉ đạo, cụ thể trong năm qua, đã chuyển 98 vụ việc vi phạm có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, thể hiện rõ quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Vậy nên, thủ đoạn “vẽ rắn thêm chân” để chống phá Thủ đô Hà Nội vẫn chỉ là giấc mộng phù vân của những người đứng ở bên kia bờ ảo vọng mà thôi.
Nguyễn Văn Tuân