A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HRW lại can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp của Việt Nam

QPTĐ- Trong thời gian gần đây, mỗi khi các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam khởi tố, truy tố, xét xử các tội phạm xâm phạm về an ninh quốc gia, một số cơ quan, tổ chức nước ngoài thiếu thiện chí, có cái nhìn lệch lạc về Việt Nam, trong đó tiêu biểu là Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW)... liền chỉ trích, có những cáo buộc mang tính áp đặt và can thiệp một cách vô lý đến công việc nội bộ của cơ quan tư pháp Việt Nam; kêu gọi Việt Nam phóng thích các phạm nhân, bị can, bị cáo bị truy tố, xét xử về các tội xâm phạm an ninh quốc gia mà họ gọi với những cái tên mỹ miều “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”. Cùng với đó, trên các trang tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông như BBC, RFA, VOA…; một số trang mạng phản động như Chân trời mới media, Việt Tân, Vietlive... ra sức đăng các bài viết cổ súy cho các hành vi phạm tội của các đối tượng.

Các thế lực thù địch đăng tải nhiều bài viết mang tính áp đặt, 

can thiệp vô lý đến công việc nội bộ của cơ quan tư pháp Việt Nam.

Điệp khúc “trả tự do ngay lập tức”

Mới đây nhất, ngày 9-9-2024, HRW kêu gọi Việt Nam hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho Nguyễn Vũ Bình, trước một ngày đối tượng này bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. HRW cho rằng, “Nguyễn Vũ Bình đã không ngừng vận động cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua. Việc ông bày tỏ sự bất đồng chính kiến một cách ôn hòa không phải là một tội ác và vụ án chống lại ông nên bị hủy bỏ”.

HRW cũng xuyên tạc rằng, “từ tháng 8 tới nay, chính quyền độc đảng ở Việt Nam đã kết án và tuyên án tù ít nhất 7 nhà vận động nhân quyền, bao gồm Nguyễn Chí Tuyến, Trần Minh Lợi, Lê Phú Tuân, Phan Đình Sang, Trần Văn Khánh, Phan Ngọc Dũng và Bùi Văn Khang vì chỉ trích Chính phủ”. Thực chất, những đối tượng trên đều là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia.

Trước đó, ngày 5-9, HRW cũng viết lên mạng xã hội X đòi Việt Nam phóng thích “tù nhân chính trị”, đồng thời kêu gọi quốc tế gây áp lực để Hà Nội chấm dứt “cuộc đàn áp có hệ thống những người chỉ trích ôn hòa”. Nguy hiểm hơn, HRW còn xuyên tạc rằng: “Tình trạng giam giữ lâu dài trước khi xét xử, không được tiếp cận với luật sư cũng là chuyện thường tình ở quốc gia công an trị độc đảng không dung thứ cho bất đồng chính kiến này”. Từ đó, HRW kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam cần thúc ép để chấm dứt “cuộc đàn áp có hệ thống những người chỉ trích ôn hòa”.

Thực ra, những phát ngôn thiếu thiện chí, thậm chí xuyên tạc trắng trợn về dân chủ, nhân quyền của HRW đối với Việt Nam là không mới. Cũng vẫn là những chiêu bài, thủ đoạn đánh lận, gian dối và xuyên tạc như cũ. Vì vậy, những phát biểu, lên tiếng chỉ trích hay đưa ra các yêu cầu đòi “thả tự do ngay lập tức” của họ là những chiêu trò lạc điệu, vô căn cứ.

Việt Nam không có tù nhân lương tâm

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như ở tất cả các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật. Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo và thúc đẩy quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Quan điểm trên là rất rõ ràng, khách quan, tất cả các bản án đều dựa trên cơ sở chứng cứ, quá trình xét xử công khai tại tòa, căn cứ theo quy định pháp luật Việt Nam. Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có tội phạm hình sự, đã xâm phạm các quan hệ xã hội mà pháp luật hình sự bảo vệ. Trong đó, các đối tượng bị xử lý hình sự mà một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí, các phần tử phản động, cơ hội chính trị gọi là “tù nhân lương tâm” chính là những tội phạm có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), tội xâm phạm an ninh quốc gia là tội phạm xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đặc điểm chung của nhóm tội phạm này là chủ thể đều có mục đích chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các tội xâm phạm về an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII, từ Điều 108 đến Điều 120, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). Việc đưa ra xét xử công khai các đối tượng có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trong đó có cả hành vi xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Trở lại với việc Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội xét xử Nguyễn Vũ Bình về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Bạn đọc đã từng biết, ngay từ những năm 2000, Nguyễn Vũ Bình đã là một tội phạm hình sự. Nguyễn Vũ Bình bị bắt hồi tháng 9/2002 với tội danh làm gián điệp. Năm 2004, bị kết án 7 năm tù. Năm 2007, Bình được đặc xá. Sau khi ra tù, tưởng rằng Nguyễn Vũ Bình sẽ ăn năn hối lỗi, nhưng không, với bản chất phản động, Bình luôn có ý định thành lập một đảng chính trị đối lập đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Đồng thời, từ đó đến nay, Nguyễn Vũ Bình liên tục viết trên facebook, blog và trên các trang BBC, RFI, VOA, RFA…các bài viết chống phá. Vì bản chất là gian dối nên ở đâu, chuyện gì Nguyễn Vũ Bình cũng có thể bịa đặt, xuyên tạc từ cái này sang cái kia, nhất là về tình hình chính trị, xã hội của đất nước để lừa bịp dư luận. Bình lu loa, vu vạ rằng: “Xã hội Việt Nam dưới chế độ toàn trị cộng sản có vô số các vấn nạn nhức nhối, trong đó có vấn nạn nói dối, dối trá…”. 

Bình cũng xuyên tạc: “Khi chế độ cộng sản được thiết lập, với việc khủng bố để khẳng định quyền lực tuyệt đối nhằm thống trị nhân dân, người dân buộc phải nói dối để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình”. Bình còn vừa thách đố, hù dọa lại vừa kích động: “Tình yêu thương không còn, chỉ còn lại sự tranh đoạt, thì nói dối là vũ khí để tranh quyền đoạt lợi. Cuối cùng, vấn nạn dối trá cùng với vô số các vấn nạn khác chỉ có thể mất đi khi nguyên nhân của nó mất đi, đó là sự biến mất của chế độ toàn trị cộng sản”. Cuối cùng thì Nguyễn Vũ Bình đã lộ mặt trần trụi là kẻ phản bội mang ảo tưởng lật đổ Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, Bình bị bắt và bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” là tất yếu. Chẳng có cái cớ gì mà HRW hay bất cứ một cơ quan, tổ chức nước ngoài nào có thể can thiệp được.

Việt Nam bảo đảm quyền tự do ngôn luận

Việt Nam đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nên tinh thần “Thượng tôn pháp luật” luôn được đề cao. Những đối tượng mà HRW gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” hay “những người bất đồng chính kiến ôn hoà” thực chất đó là những đối tượng đã lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân… Mọi hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do cá nhân để chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích quốc gia, xâm hại quyền và lợi ích của người khác đều đáng phải lên án và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện thuận lợi để quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận của nhân dân được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Việt Nam không bao giờ đàn áp người có “chỉ trích ôn hòa”. Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin ở Việt Nam. Ở Việt Nam, mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên mở rộng dân chủ, tăng cường phản biện tích cực, lắng nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc của đất nước. Chủ trương đúng đắn này của Đảng và Nhà nước Việt Nam được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hưởng ứng tinh thần ấy, các hoạt động phản biện, phản biện xã hội ở Việt Nam thời gian qua diễn ra khá sôi động và mang lại nhiều kết quả tích cực. 

Trong đó phải kể đến vai trò phản biện của Mặt trận Tổ quốc. Thế nhưng, có một số đối tượng đã lợi dụng phản biện, đóng góp ý kiến để gây nhiễu thông tin, làm rối tình hình, kích động, hòng tạo ra những mâu thuẫn trong xã hội. Các thế lực thù địch, một số tổ chức phản động lợi dụng tình hình này đã móc nối, nuôi dưỡng, kích động các đối tượng để sử dụng làm công cụ chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận của người dân. Song, việc thực hiện các quyền ấy không phải là tự do vô chính phủ mà phải trong khuôn khổ của pháp luật. Những người lợi dụng phản biện, góp ý để xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là vi phạm pháp luật. Những đối tượng ấy dù bất cứ họ là ai cũng phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.

HRW cho rằng Việt Nam “đàn áp có hệ thống những người chỉ trích ôn hòa” là một sự xuyên tạc trắng trợn. Việc HRW kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Vũ Bình và các đối tượng mà HRW gọi là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” là sự can thiệp thô bạo vào hoạt động tư pháp của Việt Nam.

ĐỨC MINH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ