A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuyên tạc, bóp méo: “Tâm đen” của những kẻ lật sử

QPTĐ-Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã đập tan hơn 1 triệu quân ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, đánh dấu kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng thời, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt việc các cường quốc thế giới can thiệp trực tiếp bằng quân sự vào Việt Nam trong suốt 100 năm. Thế nhưng, ở bên kia chiến tuyến và ngoài biên giới của Tổ quốc, vẫn có kẻ cố chấp, cực đoan, có thái độ hằn thù dân tộc đến cuồng loạn và hành vi chống phá Việt Nam tàn ác. Một trong những việc làm sai trái, rất đáng lên án của họ là dùng mạng xã hội, viết tin, bài, dàn dựng các video clip, các cuộc phỏng vấn, trả lời phỏng vấn để nói xấu Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; bôi đen bức tranh xã hội Việt Nam sau 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ đoạn dùng “đại bác bắn vào quá khứ”

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, chiến công hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cùng với trận Bạch Đằng (1288), Chi Lăng (1427), Đống Đa (1789) đến Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) chống quân Pháp, đã cắm cột mốc vinh quang chói lọi trong quá trình đi lên của lịch sử nước ta, tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung, không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Khí thế, tinh thần “Thần tốc, quyết thắng” của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta biến thành khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, vươn mình bước vào kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, giống như bệnh cũ tái phát, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các thế lực thù địch, phản động, phần tử chống đối, những người có thâm thù với Đảng, Nhà nước và chế độ ta, vẫn mưu toan “trả mối quốc hận”, vì bại trận trong cuộc quyết chiến chiến lược “Đại thắng mùa Xuân 1975” của quân và dân ta, buộc phải “cao chạy xa bay” để “giữ lấy mạng sống”. Cụ thể trong số đó, có người thì phải “cuốn cờ về nước” trong sự cay đắng, ngậm ngùi của kẻ bại trận; người thì “bỏ cửa bỏ nhà”, xa quê, “chạy thoát thân” đến xứ người sống kiếp lưu vong” vì “theo đuôi quân xâm lược, gây nhiều tội ác”. Vẫn biết rằng, cùng với thời gian, Đại thắng mùa Xuân 1975 đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng với truyền thống nhân đạo, bao dung và lòng vị tha “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người quay lại” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, không ít người tham chiến tuổi đời đã cao, sức đã yếu, nay “nhận thức lại và giác ngộ”, mong muốn trở về quê hương. Họ đã “phục thiện” vì hiểu giá trị của chính nghĩa, lẽ phải, hòa bình và sự thật, không ít người trở về Việt Nam, đã và đang đóng góp công sức nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước.

Nhưng ngược lại, hiện nay, vẫn còn những “kẻ chạy đi” không biết phục thiện lại ra sức chống đối bằng việc đăng tải các bài viết, video, hình ảnh nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chiến thắng của nhân dân ta, đất nước ta, hòng kích động tư tưởng chống phá, dấy lên thù hằn dân tộc, bới móc lại những vết thương của lịch sử với những luận điệu vu khống, bịa đặt trắng trợn. Hàng trăm bài viết kèm các hình ảnh phản cảm dưới tiêu đề “ngày quốc hận”, “tháng tư đen” được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội để hướng lái dư luận, đánh tráo bản chất chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Nhiều bài viết với nội dung sai trái, tiêu cực được đăng tải trên Internet như: “Tháng tư vẫn là một kỷ niệm đau buồn cho những người ly hương vì mất nước”; “tháng tư quốc hận, xin nghiêng mình tưởng niệm những nạn nhân đã ra đi không đến bến bờ và xin ngưỡng mộ những người đã bỏ hết những gì có được, ra đi để lập lại cuộc đời trên đất nước tự do”. Bằng những luận điệu xuyên tạc trắng trợn về Chiến thắng 30/4, phi lý nhất là họ cào bằng giữa vai trò của kẻ đi xâm lược, đã từng gây vô vàn tội ác cho dân tộc Việt Nam với chính nghĩa là những người đã không tiếc máu xương hy sinh vì hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất cho Tổ quốc. Họ khuấy đảo mối thù hận bằng cách gây tâm lý hoài nghi, mập mờ về tính chính nghĩa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Sự can thiệp trắng trợn, vô nhân đạo, hành động tàn sát, giết người hàng loạt của đế quốc Mỹ và đồng minh tại Việt Nam lại được coi là một “Sự lựa chọn chính trị khác”, hoặc miền Nam Việt Nam có một “Lý tưởng khác” hoặc “Miền Bắc xâm lược miền Nam hay cuộc chiến tranh ở Việt Nam từ 1954 đến 1975 chỉ là nội chiến”; ngày 30/4 là Ngày quốc hận. Từ đó, phủ định ý nghĩa Chiến thắng 30/4/1975, đòi từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà nhân dân Việt Nam đã lựa chọn, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với nhân dân, kích động hận thù, ly khai; phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân; làm giảm ý chí quyết tâm, đóng góp xây dựng đất nước của nhân dân, trong đó có đồng bào sống xa Tổ quốc; cố tình đả kích, phủ nhận chính sách và nỗ lực hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước ta. Những luận điệu này không mới, nó đã được tua đi tua lại nhiều lần, nhân dân ta hầu hết đều đã rõ chân tướng sự sai trái, xuyên tạc của những kẻ bại vong, dùng “đại bác để bắn vào quá khứ”. Vì mục đích của họ là “che giấu sự cay đắng vì bại trận” và phủ nhận giá trị, ý nghĩa sự hy sinh xương máu của nhân dân ta.

Vẫn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Ngày 30/4/1975 không phải là “ngày quốc hận” mà là ngày Quốc gia độc lập, thống nhất non sông, ngày mở ra một trang sử mới hào hùng cho dân tộc Việt Nam. Đó là khát vọng của nhân dân cả nước, thống nhất Bắc-Nam để chung sức đồng lòng xây dựng giang sơn gấm vóc “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Vì vậy, nói ngày 30/4/1975 là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen” thể hiện suy nghĩ thù hận, bóp méo bản chất, ý nghĩa thiêng liêng của ngày thống nhất non sông, quan điểm đó đi ngược lại với dòng chảy của lịch sử thời đại. 

Nhìn vào những mốc son trong quá khứ, chúng ta đều biết rằng, sau Hiệp định Giơnevơ (1954) được ký kết, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải (vĩ tuyến 17) của tỉnh Quảng Trị trở thành giới tuyến quân sự tạm thời phân chia nước ta thành 2 miền Nam-Bắc. Theo Hiệp định, sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử để thống nhất đất nước. Thế nhưng, với âm mưu chia cắt lâu dài nước ta, Mỹ đã đưa quân xâm lược miền Nam và tìm mọi cách để đánh chiếm miền Bắc, buộc nhân dân ta phải sống, chiến đấu anh dũng. Đến ngày 30/4/1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước ta mới trọn niềm vui thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà, đúng như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có ngày toàn thắng, non sông thu về một mối, nhân dân ta đã phải trải qua 21 năm trường kỳ kháng chiến, hy sinh, gian khổ, hàng vạn thanh niên đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, giữ trọn lời thề “Sinh Bắc, tử Nam”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”… Bởi vì, Nam-Bắc là một nhà, cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta là cuộc kháng chiến chính nghĩa, được cả thế giới và ngay cả người dân Mỹ tiến bộ ủng hộ. Đấy là chân lý thời đại, là cái “dĩ bất biến” của một dân tộc yêu nước, yêu hòa bình chứ không phải là ý niệm và hành động của kẻ hiếu chiến, kích hoạt chiến tranh.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 được coi là ngày hội thống nhất non sông không chỉ của người dân sinh sống tại Việt Nam, mà còn là ngày hội của hàng triệu đồng bào ta đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Ngày hội thống nhất non sông mang ý nghĩa cao cả và có tầm vóc to lớn gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc. Quá khứ được ghi ơn một cách trân trọng, sâu sắc, bởi vì điều quan trọng hơn là lời nhắc nhở về tinh thần yêu quý hòa bình, hòa giải, hòa hợp và đoàn kết dân tộc. Đánh giá tầm vóc, ý nghĩa của Chiến thắng mùa Xuân năm 1975, Đại hội lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”. Cho nên, mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị đều không thể làm phai nhạt giá trị, ý nghĩa lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.  

Nguyễn Văn Tuân


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội