A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm khát vọng dân giàu, nước mạnh

QPTĐ-Nửa thế kỷ, từ những ngày đầu gian khó, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) giờ đây đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam, nơi giao thoa của đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, hội nhập quốc tế và khát vọng vươn tầm khu vực.

Thành phố Hồ Chí Minh-Trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch đầu tàu của cả nước.

 

Mở đường từ gian khó

Những ngày đầu sau ngày thống nhất 30-4-1975, TP.HCM-khi ấy vẫn còn mang tên Sài Gòn, một đô thị vừa bước qua chiến tranh, mang trong mình nhiều vết thương cả vật chất lẫn tinh thần. Cơ sở hạ tầng đổ nát, sản xuất đình trệ, hàng trăm ngàn người không có việc làm. Hệ thống cung cấp lương thực, điện, nước hoạt động chập chờn. Thị trường hàng hóa thiếu hụt trầm trọng, người dân phải xếp hàng để mua từng lít dầu, bao gạo, hộp sữa. Hồi tưởng lại giai đoạn ấy, PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-văn hóa Thành ủy TP.HCM tóm gọn bằng hai chữ “hiểm nghèo”. Trong lịch sử từ khi thành lập, Đảng hai lần dùng chữ “hiểm nghèo” để nói về tình thế cách mạng, đó là năm 1945-1946 và lần hai là sau giải phóng miền Nam đến năm 1986. Những cuộc cải cách kinh tế dưới mô hình bao cấp đã gây thiệt hại lớn, đẩy giá cả tăng phi mã với đỉnh điểm lạm phát 775% vào năm 1986.

Nhưng cũng chính trong bối cảnh đầy thử thách ấy, TP.HCM đã thể hiện tinh thần năng động và dám nghĩ dám làm đặc trưng của mình. Khi cơ chế quản lý bao cấp bộc lộ nhiều bất cập, TP.HCM là địa phương tiên phong "xé rào" để khơi thông sản xuất. Những sáng kiến như giao khoán sản phẩm cho doanh nghiệp, mở cửa thương mại nhỏ lẻ, cho phép doanh nghiệp nhà nước chủ động kế hoạch sản xuất-kinh doanh… đã được thí điểm tại đây. Dù chưa có khung pháp lý rõ ràng, thành phố đã mạnh dạn làm trước, rồi mới báo cáo sau. Chính điều đó đã đặt nền móng cho tư duy đổi mới sau này trên cả nước.

Chẳng hạn, vào đầu những năm 1980, TP.HCM đã cho phép một số cơ sở công nghiệp hoạt động theo hình thức liên doanh-liên kết để huy động vốn, vật tư, nhân lực. Các HTX, tổ hợp tác sản xuất, mô hình chợ dân sinh… ra đời sớm ở TP.HCM không chỉ giúp ổn định đời sống người dân mà còn làm sống lại không khí kinh doanh, tạo sinh khí mới cho đô thị. Những mô hình ấy sau này đã được Trung ương nghiên cứu, phổ biến ra cả nước trong công cuộc đổi mới năm 1986.

Thời điểm ấy, không phải địa phương nào cũng dám "xé rào", dám làm những điều chưa từng có tiền lệ. TP.HCM đã thực sự là cái nôi của nhiều cải cách táo bạo, mang đậm tinh thần trách nhiệm vì cuộc sống của hàng triệu người dân. Có thể nói, nếu không có những bước đi tiên phong ấy, TP.HCM khó lòng trỗi dậy nhanh chóng sau chiến tranh, và Việt Nam cũng không thể tiến hành công cuộc đổi mới sớm đến vậy.

Chỉ sau hơn một thập niên, TP.HCM từ chỗ chật vật tìm đường đi đã từng bước vươn mình thành trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước. Tinh thần đó-sáng tạo, năng động, dám chịu trách nhiệm-vẫn tiếp tục là nét đặc trưng xuyên suốt hành trình phát triển 50 năm qua của thành phố này.

Thành tựu nổi bật

Sau 50 năm, TP.HCM đã đạt được những thành tựu kinh tế rực rỡ, khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và đổi mới sáng tạo lớn nhất Việt Nam.

Trước hết, TP.HCM giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, với tỷ trọng đóng góp khoảng 22–23% GDP quốc gia và hơn 27% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM dẫn đầu cả nước, đạt 1,78 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,17% - cao hơn mức bình quân cả nước.

Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến cuối năm 2024, TP.HCM đã thu hút lũy kế khoảng 58,45 tỷ USD vốn FDI, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước. Nhiều tập đoàn toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec, Lotte, Aeon… đã chọn thành phố làm cứ điểm chiến lược tại Đông Nam Á. Đặc biệt, sự phát triển của Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) đã giúp thành phố từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định vị thế Việt Nam trong ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trên lĩnh vực tài chính, TP.HCM giữ vai trò trung tâm của cả nước, với hệ thống ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và fintech phát triển toàn diện. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) hiện vẫn là nơi niêm yết phần lớn các doanh nghiệp lớn, đóng vai trò chủ đạo trong thị trường vốn Việt Nam. TP.HCM cũng đang gấp rút thực hiện đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, với kỳ vọng đến 2030, nơi đây sẽ trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của châu Á.

Không thể không nhắc đến sự bùng nổ của khu vực dịch vụ, thương mại và du lịch. Trong đó, riêng ngành du lịch năm 2024 TP.HCM đã đón 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách trong nước, với tổng doanh thu 190.000 tỷ đồng. Các điểm đến như phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, Bảo tàng TP.HCM, Thảo Cầm Viên, Landmark 81… đều trở thành những biểu tượng hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Diện mạo đô thị TP.HCM cũng đã thay đổi mạnh mẽ. Thành phố đã hình thành nhiều khu đô thị hiện đại như Thủ Thiêm-trung tâm tài chính tương lai; Phú Mỹ Hưng-khu đô thị kiểu mẫu phía Nam; TP Thủ Đức-thành phố sáng tạo phía Đông. Các công trình hạ tầng lớn như tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, cầu Thủ Thiêm 2, đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây… đã và đang góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại, kết nối vùng và tạo lực đẩy phát triển mới.

TP.HCM cũng là trung tâm đổi mới sáng tạo lớn nhất cả nước. Hệ sinh thái khởi nghiệp tại đây sôi động với hơn 2.000 startup (doanh nghiệp khởi nghiệp) đang hoạt động, chiếm gần 50% tổng số startup cả nước. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế đã hiện diện để tiếp sức cho các doanh nghiệp này. Các không gian sáng tạo như Saigon Innovation Hub, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TP.HCM (HIC)… đang trở thành điểm tựa cho thế hệ trẻ khởi nghiệp.

Thành phố còn đi đầu trong chuyển đổi số. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai mạnh mẽ. TP.HCM là địa phương tiên phong triển khai đề án đô thị thông minh, dẫn đầu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển hệ sinh thái fintech. TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP, khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số toàn diện. Thành phố đang hướng tới quản lý đô thị bằng dữ liệu số, ứng dụng AI trong xử lý thủ tục hành chính, giao thông, môi trường.

Từ những con số ấn tượng đó, có thể thấy TP.HCM không chỉ là nơi tạo ra của cải vật chất. Thành phố còn là không gian sống năng động, hấp dẫn và đầy cơ hội-một thành phố nơi mỗi người dân đều có thể khởi nghiệp, làm giàu, hiện thực hóa khát vọng của mình.

Thành phố trước vận hội mới

Dẫu vậy, TP.HCM cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật-đặc biệt là giao thông và thoát nước-đang chịu áp lực lớn. Mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào công nghiệp truyền thống đã bộc lộ giới hạn. Liên kết vùng chưa hiệu quả, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thể chế quản lý đô thị hiện đại vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ, TP.HCM không thụ động trước thách thức. Thành phố đang nỗ lực tăng tốc đầu tư hạ tầng chiến lược. Trong dịp kỷ niệm 30-4 năm nay, hàng loạt công trình trọng điểm được khánh thành như cầu Long Kiểng (Nhà Bè), nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng Quốc lộ 50, cùng hàng chục dự án chỉnh trang đô thị, mở rộng trường học, bệnh viện… đang góp phần làm mới diện mạo thành phố.

Đặc biệt, thành phố đang tập trung triển khai chuyển đổi kép: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Hàng loạt dự án hạ tầng số, cơ sở dữ liệu dân cư, kinh tế số, chính quyền số được triển khai mạnh mẽ. Đồng thời, các giải pháp giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, phát triển giao thông xanh và kinh tế tuần hoàn cũng được chú trọng.

TP.HCM cũng đang đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, đến năm 2030 là trung tâm kinh tế số, xã hội số hàng đầu cả nước. Định hướng đến 2045, TP.HCM phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế-tài chính châu Á, nơi hội tụ nhân tài, công nghệ và sáng tạo.

Với tầm nhìn dài hạn, tinh thần tiên phong và nội lực mạnh mẽ, TP.HCM đang bước vào giai đoạn phát triển mới-giai đoạn của khát vọng vươn cao, vươn xa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh". Và như lịch sử đã từng chứng minh, khi đầu tàu TP.HCM bứt phá, cả nước sẽ cùng tiến bước.

Hoa Mai


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ