Quý I năm 2025: Kinh tế Thủ đô có nhiều điểm sáng
QPTĐ-Kinh tế-xã hội thành phố Hà Nội quý I năm 2025 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sức ép cạnh tranh gia tăng ở thị trường xuất khẩu cùng căng thẳng hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất, áp lực tỷ giá tiềm ẩn rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Trung ương; thực hiện nhiệm vụ trong Chương trình hành động, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội Thành phố năm 2025. Nhờ đó, kinh tế Thành phố có nhiều điểm sáng và tăng trưởng tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo.

Kinh tế có nhiều điểm sáng
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất trong nước. Điều đó cũng cho thấy tính kịp thời, hiệu quả các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện mục tiêu, các chỉ tiêu phát triển, nhiệm vụ và các giải pháp đột phá của từng ngành, từng lĩnh vực với tinh thần “tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.
Trong quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 3,09%, đóng góp 0,06 điểm % vào mức tăng GRDP chung của Thành phố. Toàn Thành phố đã thu hoạch xong cây màu vụ Đông, lúa và cây màu vụ Xuân sinh trưởng, phát triển tốt; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng được quan tâm thực hiện. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát.
Khu vực công nghiệp, xây dựng quý I/2025 ước tính tăng 5,54%, đóng góp 0,96 điểm % vào mức tăng GRDP. Ngành công nghiệp đã nỗ lực tăng trưởng tích cực với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố mở xưởng hoạt động trở lại. Ước tính giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2025 tăng 5,36% (quý I/2024 tăng 5,09%) đóng góp 0,63 điểm % vào mức tăng chung.
Ngành xây dựng với sự vào cuộc quyết liệt của Thành phố, nhằm bảo đảm triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2025 với mục tiêu giải ngân vượt kế hoạch vốn được giao, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Giá trị tăng thêm ngành xây dựng quý I/2025 ước tăng 5,9% so với cùng kỳ, đóng góp 0,33 điểm % vào mức tăng chung.
Khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu khởi sắc khi Thành phố cùng doanh nghiệp kinh doanh thương mại và các hệ thống bán lẻ triển khai nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng, đa dạng hóa phương thức bán hàng linh động. Các sàn thương mại điện tử có nhiều chương trình khuyến mại cùng chính sách, dịch vụ giúp khách hàng mua sắm thuận tiện và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, quý I là thời điểm diễn ra các hoạt động Lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025 nên các hoạt động dịch vụ vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn diễn ra sôi động. Tăng trưởng khu vực dịch vụ quý I/2025 ước tính đạt 8,34%, đóng góp 5,82 điểm % vào mức tăng GRDP.

Quyết liệt các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng
Năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả nước và Thủ đô Hà Nội. Để hoàn thành kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, Thành phố xác định đầu tư công là đòn bẩy, kinh tế tư nhân là điểm tựa thúc đẩy phát triển kinh tế; quan tâm, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa để phát triển du lịch bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Thành phố đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực; bảo đảm tiến độ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi); xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội; thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để trong từng ngành, lĩnh vực, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và triển khai các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu, dự án nhà ở xã hội.
Thành phố kiểm soát tốt giá tiêu dùng dưới 4,5%; tiếp tục tìm kiếm, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm…
Theo dõi sát diễn biến thị trường và hàng rào thuế quan của các quốc gia, nhất là chính sách thương mại của Mỹ; xây dựng các kịch bản thích ứng kịp thời các tình huống, tận dụng các yếu tố thuận lợi để tăng kim ngạch xuất khẩu.
Nâng cao hiệu quả các cụm công nghiệp; hoàn thiện, hiện đại hóa, hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thu hút dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch Hà Nội; xây dựng hệ thống phần mềm tiện ích, thông minh hỗ trợ khách du lịch tra cứu thông tin du lịch Hà Nội. Phát triển sản phẩm OCOP, ưu tiên các sản phẩm đặc sản các vùng miền, sản phẩm có sự tham gia đông đảo của cộng đồng.
P.Linh