Quyệt liệt, đồng bộ các giải pháp giải ngân 100% vốn đầu tư công
QPTĐ-Phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025, nhằm tạo đòn bẩy chiến lược để tạo dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, khơi thông các điểm nghẽn phát triển và dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Đầu tư công-Động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đang quyết liệt làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới gồm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, động lực liên quan kinh tế tư nhân. Trong lúc việc thúc đẩy động lực tăng trưởng mới cần phải có thời gian, có độ trễ thì phải nỗ lực củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay các động lực tiêu dùng và xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đang quyết liệt đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng nhưng cũng chưa phát huy hiệu quả ngay lập tức. Do đó, động lực tăng trưởng đầu tư có vai trò rất quan trọng, gồm đầu tư công, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân..., trong đó đầu tư công có vai trò dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực cho phát triển.
Các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, đầu tư công giữ vai trò then chốt trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị. Đầu tư công vừa mang tầm chiến lược dài hạn, vừa mang tính cấp thiết trước mắt, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tạo nền tảng phát triển kết cấu hạ tầng KTXH, có vai trò "mở đường", khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực mới, không gian phát triển mới. Đầu tư công còn tăng cường liên kết, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đóng vai trò là "vốn mồi", dẫn dắt, kích hoạt đầu tư toàn xã hội, thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân và dòng vốn FDI; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương hằng năm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025.
Cụ thể, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư công, trong đó trình Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15 ngày 29/11/2024 và tổ chức triển khai từ 01/01/2025 với nhiều quy định mới theo hướng tạo đột phá, đẩy mạnh cải cách, tăng cường phân cấp, phân quyền. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 chỉ thị, 03 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, các công điện, chỉ thị khác của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy tăng trưởng đều đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Các cuộc họp Thường trực Chính phủ, Phiên họp Chính phủ thường kỳ đều có nội dung về đầu tư công. Cùng với đó, phát huy vai trò của 7 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công...
Mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công
Theo báo cáo của Chính phủ, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm là trên 128,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn khoảng 18 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, có gần 8 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2025 đạt 15,56%, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%), trong đó nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước.
Để đạt mục tiêu giải ngân 100% vấn đầu tư công năm 2025, kết luận Hội nghị, Thủ tướng chỉ rõ 6 nhiệm vụ tổng quát và yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Về nhiệm vụ cụ thể, chỉ đạo cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng; những dự án khó, phức tạp thì Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo; vận dụng sáng tạo các quy định, trong đó lưu ý quan tâm những người dân khó khăn về chỗ ở, đất ở.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn, UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường. Các bộ có liên quan khẩn trương hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đơn giá.
Thủ tướng chỉ đạo tổ chức cuộc họp để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan quy hoạch, các bộ, ngành chủ động xử lý các vấn đề theo thẩm quyền. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật, hướng dẫn về phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, thực hiện các dự án đầu tư công tại địa phương khi thay đổi địa giới hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, không để gián đoạn công việc.
Thủ tướng lưu ý công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt hơn, đặc biệt là chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn trong nhiệm kỳ sắp tới, tinh thần là dưới 3.000 dự án, bảo đảm không dàn trải.
Về vốn ODA, Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất sửa đổi các nghị định, luật liên quan, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ giải quyết, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Về công tác đấu thầu, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu để trình Quốc hội, đồng thời các cơ quan, địa phương phải tăng cường trách nhiệm để lựa chọn các nhà thầu có uy tín, năng lực. Về chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Dân tộc và Tôn giáo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nội vụ tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính rà soát lại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công và các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng đã giao, nếu chưa hoàn thành phải xử lý, coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ.
Phương Linh