Thúc đẩy thương mại điện tử cho nông sản Việt Nam
QPTĐ-Phát triển nền kinh tế số sẽ sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Nhờ có nền kinh tế số mà hiệu suất kinh tế cao, tạo đột phá trong mô hình kinh doanh, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee). Đây chính là những bước phát triển của nền kinh tế số hóa trong đời sống của người dân Việt Nam những năm gần đây.
Vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Lazada Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Cùng với kênh phân phối truyền thống luôn đóng vai trò quan trọng, các sàn thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản. Hơn thế, việc tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử còn giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản.
Kết quả đáng ghi nhận của thương mại điện tử nông sản
Ngày 6/6/2021, cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang. Đây là lần đầu tiên, vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối một cách bài bản, có hệ thống trên các sàn thương mại điện tử lớn. Tính từ thời điểm mở bán thí điểm đến ngày 6/6/2021, tổng sản lượng vải thiều địa phương này đã tiêu thụ đạt khoảng 49.977 tấn (trong đó, tiêu thụ trong nước trên 33.607 tấn, chiếm gần trên 67%; xuất khẩu 16.370 tấn cho Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản, chiếm gần 33%).
Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sản xuất nông sản năm 2021 tiếp tục được mùa. Dự kiến tổng sản lượng vải đạt khoảng 340.000 tấn; sản lượng nhãn phía Bắc ước đạt 300.000 tấn, tăng hơn 13% so năm 2020. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đang chủ động tích cực thực hiện phương án tiêu thụ truyền thống như tiếp xúc các nhà tiêu thụ lớn đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và các thị trường xuất khẩu đặc biệt như: Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU). Đồng thời, chú trọng việc xúc tiến thương mại và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Alibaba, Lazada, VN Post... Từ ngày 14/5/2021, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada. Ngoài vải thiều, Hải Dương phấn đấu sẽ đưa từ 5 đến 10 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lên bán trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử là Alibaba.com, Voso.vn, Sendo.vn và Lazada.vn.
Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Voso.vn) của Viettel Post đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn vào ngày 28/5/2021, với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Đồng thời, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cũng đã hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo và đồng hành cùng bà con nông dân tại Bắc Giang tạo gian hàng và chủ động đăng bán các sản phẩm trên sàn. Một ngày sau khi vải Bắc Giang được đưa lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò, đơn vị này đã có hơn 1 tấn vải được khách đặt mua trước. Còn tại tỉnh Sơn La, với các giải pháp tương tự, các mặt hàng nông sản như mận hậu và xoài tròn Yên Châu (Sơn La) đã chính thức lên sàn thương mại điện tử Shopee để phân phối tại thị trường Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào chiều ngày 28/5/2021. Nông sản, đặc sản của tỉnh Sơn La đã chính thức được bàn giao cho các sàn thương mại điện tử để ra mắt người tiêu dùng. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đều được Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tồn đọng nông sản, không tìm được kênh tiêu thụ, nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ có những thiệt hại về kinh tế cho các hộ sản xuất kinh doanh. Sau 10 ngày triển khai hỗ trợ tiêu thụ, đã có gần 10.000 đơn hàng được đặt với khối lượng lên tới gần 30.000 tấn hành tím đến được tay người mua. Theo báo cáo từ sàn thương mại điện tử Voso.vn, lượng đơn hàng vẫn tăng hằng ngày, trung bình tiêu thụ từ 3-5 tấn/ngày. Hiện tại, chương trình vẫn đang được Voso.vn phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính, chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 150 tấn hành tím cho bà con Vĩnh Châu.
Thách thức với sàn thương mại điện tử nông sản
Để đưa được sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử không hề đơn giản, mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế đối với phương thức kinh doanh qua thương mại điện tử. Thiếu cán bộ hiểu biết về công nghệ thông tin, quy trình bán hàng, marketing.
Đăng ký gian hàng và đưa sản phẩm lên các gian hàng thương mại điện tử là việc doanh nghiệp có thể làm. Nhưng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp cần phải được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm và hình ảnh doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm… Việc bán nông sản qua sàn thương mại điện tử cũng sẽ vấp phải một số khó khăn như, vấn đề cung ứng. Hiện nay, nông sản từ vườn đến tay người tiêu dùng phải qua một loạt bên trung gian như thương lái thu mua, nhà vận chuyển, rồi sàn thương mại điện tử. Để giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, thói quen tiêu dùng lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản. Nếu mua online qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân. Rào cản khó nhất là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế, nếu bán bằng phương pháp này, họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức sao cho hấp dẫn người mua. Do vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc đưa nông sản lên sàn giao dịch trực tuyến không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn là kênh tiêu thụ lâu dài tạo kết nối chặt chẽ trong chuỗi cung ứng nông sản Việt.
Song Hà