A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam mở cửa giao thương quốc tế

QPTĐ: Ngày 14/4, trên trang chủ Google đã quảng bá hình ảnh hang Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới-một trong những kỳ quan thiên nhiên thế giới của Việt Nam trên trang chủ Google của 17 quốc gia và lãnh thổ. Đây cũng là một trong những hoạt động quảng bá và hỗ trợ thúc đẩy phục hồi du lịch Việt Nam sau đại dịch, nhất là sau “Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả” mới được tổ chức tại Hà Nội. 

Tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nêu rõ, ngày hôm nay Việt Nam chính thức mở lại hoàn toàn giao thương quốc tế, trên tinh thần quản lý rủi ro, kiểm soát được rủi ro, có những biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho mọi người. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là không phân biệt người Việt Nam với người nước ngoài trên phương diện chống dịch.

Sau hai năm gần như đóng băng hoàn toàn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã có những dấu hiệu khởi sắc khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch từ 15/3/2022 và nhiều đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3/2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 41 nghìn lượt người, tăng 41,4% so với tháng trước và gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch nội địa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với lượng khách ước đạt trên 26,1 triệu lượt người. Tổng thu từ du lịch 3 tháng đầu năm ước đạt trên 111 nghìn tỷ đồng. Nhiều địa phương đã tổ chức các sự kiện hưởng ứng và phát động mở lại hoạt động du lịch, góp phần đưa du lịch sớm phục hồi và phát triển như Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022- Get on Hanoi 2022”; Thanh Hóa tổ chức Lễ công bố biểu trưng du lịch Thanh Hóa, phát động chương trình kích cầu du lịch năm 2022; Bạc Liêu tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch năm 2022; Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long; Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế năm 2022; Quảng Nam tổ chức hội thảo “Ấn tượng Việt Nam-làm mới để đón khách”, Ngày hội khinh khí cầu lần đầu tiên, Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia 2022; Thừa Thiên – Huế tổ chức Ngày hội đạp xe vì du lịch và môi trường… Mặc dù khó khăn, trở ngại đối với ngành du lịch vẫn còn chồng chất nhưng chính những nỗ lực thích ứng trong thời gian gần đây của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã mang tới những tín hiệu lạc quan, góp phần quan trọng giúp ngành Du lịch phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Những kết quả của Việt Nam trong phòng chống đại dịch Covid-19 đã mở ra cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, mở rộng giao thương quốc tế trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, chủ động kiểm soát dịch Covid-19 để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, dù dịch bệnh đã trong tầm kiểm soát, nhưng vẫn còn có những diễn biến phức tạp và ngày 17/3/2022,  Chính phủ đã ra Nghị quyết số 38/NQ-CP, ban hành Chương trình phòng chống dịch Covid-19, trong đó có đoạn nhấn mạnh, cần theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước; kịp thời sửa đổi, bổ sung, cập nhật các hướng dẫn chuyên môn bảo đảm đúng phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời khôi phục, phát triển kinh tế. Thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn-phát hiện-cách ly-khoanh vùng-dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể, phù hợp với diễn biến dịch bệnh; áp dụng linh hoạt công thức chống dịch “5K + vắc xin, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác”; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện giám sát thường xuyên, định kỳ và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Việt Nam mở cửa giao thương nhưng vẫn luôn cảnh giác trước dịch bệnh.

Nguyễn Hữu


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ