Cô gái Suối Hai
Năm 1965, huyện Ba Vì lúc đó gồm 3 huyện: Bất Bạt, Quảng Oai, Tùng Thiện. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Thóc không thiếu 1 cân, quân không thiếu 1 người”, hàng trăm người con ưu tú của huyện Ba Vì đã lên đường vào Nam chiến đấu.
Hồ Suối Hai.
Ở hậu phương, huyện tích cực củng cố lực lượng dân quân tự vệ, tổ chức các trận địa phòng không bắn máy bay Mỹ, giúp đỡ nhân dân, các cơ quan, đơn vị của thành phố, Trung ương sơ tán tại địa phương. Các địa phương trong huyện đã xây dựng các cụm kết nghĩa chiến đấu, sản xuất ở các khu vực trọng điểm. Chỉ trong một thời gian ngắn hàng trăm trận địa được xây dựng, sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay Mỹ.
Cụm chiến đấu ở Suối Hai gồm lực lượng dân quân 3 xã Phú Mỹ (Quảng Oai), Cẩm Lĩnh (Bất Bạt), Thụy An (Tùng Thiện) luôn trực sẵn sàng chiến đấu cao. Ngày 24/7/1965, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Suối Hai, các trận địa phòng không của bộ đội và dân quân Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Tòng Bạt, Thụy An được lệnh nổ súng, không cho máy bay Mỹ hạ độ cao, góp phần để bộ đội tên lửa ra quân trận đầu tiên tiêu diệt hai máy bay địch. Ngày 27/7/1965, nhiều tốp máy bay cường kích F-105, bay tầm thấp đánh phá rất ác liệt vào khu vực Suối Hai và các trận địa tên lửa giả. Hai xã Thái Hòa, Cẩm Lĩnh phải hứng chịu 80 quả bom phá, hàng chục quả bom bi của giặc làm 2 người chết và 15 người bị thương. Trong mưa bom, bão đạn, rút kinh nghiệm trong trận chiến đấu ngày 24/7, lực lượng dân quân tự vệ của huyện phối hợp với các đơn vị phòng không của bộ đội chủ lực kiên cường đánh trả. Tiêu biểu là dân quân các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Tòng Bạt, Cẩm Lĩnh, Ba Trại, Vật Lại; tự vệ nông trường Ba Vì và công trường Đá Chẹ đã phối hợp chặt chẽ, đồng loạt nổ súng, bắn rơi 5 máy của Mỹ. Từ ngày 9/9 đến ngày 16/9/1965, máy bay Mỹ đã ném 250 quả bom phá xuống khu vực Suối Hai, đường 84, doanh trại bộ đội, tập trung nhất là vào Hồ Suối Hai, làm 3 người chết, 8 người bị thương, nhiều súc vật chết, nhiều nhà bị cháy. Biến đau thương thành hành động, bên cạnh bám trận địa đánh địch, lực lượng vũ trang địa phương có mặt kịp thời ở những nơi nóng bỏng nhất khắc phục hậu quả, cứu chữa người bị nạn, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
Trong khó khăn nguy hiểm đã xuất hiện nhiều đơn vị cá nhân, điển hình. Trung đội dân quân thôn Tân An xã Cẩm Lĩnh 8 ngày đêm đã phối hợp với bộ đội trận địa pháo cao xạ bắn máy bay địch. Tiểu đội nữ dân quân của xã gồm 7 đồng chí đoàn viên đã dũng cảm vượt qua bom đạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kết thúc đợt chiến đấu được tặng danh hiệu quyết thắng. Tự vệ Nguyễn Thị Minh Thân ở Xí nghiệp gạch Suối Hai không sợ bom đạn, thấy nhiều bom bi chưa nổ, nghĩ đến sự an toàn của nhân dân đã tìm cách tháo gỡ hàng trăm quả bom bi chuyển đến nơi tiêu hủy. Hành động dũng cảm của đồng chí Thân được nhân dân và đồng đội hết sức thán phục, gọi là “ Cô hàng dứa” (bom bi hình quả dứa). Nữ dân quân Vũ Thị Loan (thôn Yên Khoái, Thụy An) đã vượt hồ Suối Hai sang đảo để bắt giặc lái và hình ảnh “cô gái Suối Hai ” đã trở thành biểu tượng và lòng tự hào của nhân dân địa phương.
Trần Phương