A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 3: Ấm áp, đồng hành cùng thương binh

QPTĐ-Việc quan tâm, theo dõi chăm sóc sức khỏe cho thương binh luôn được đội y, bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng đặt lên hành đầu. Họ coi đây là vinh dự, là trách nhiệm đối với những người có công với cách mạng. Chính vì vậy, họ luôn miệt mài vượt khó, gắn bó với bệnh nhân; đồng hành không kể ngày, đêm với mong muốn các thương binh luôn sống vui, sống khỏe, sống nghĩa tình.

 “Những cô tấm” ở Trung tâm

Đưa bệnh nhân đi cấp cứu tuyến trên.

Vừa hoàn thành công tác kiểm tra, thăm khám sức khỏe cho các bệnh nhân, tiếng chuông điện thoại của Bác sĩ Trần Văn Hùng lại vang lên liên hồi báo có ca cấp cứu. Không ai bảo ai, cán bộ, nhân viên Khoa A1 lại hối hả, chạy nhanh về phía có người cấp cứu. Chỉ trong ít phút, bệnh nhân được sơ cứu vượt qua tình trạng nguy hiểm; trở lại trạng thái bình thường. Theo Bác sĩ Trần Văn Hùng: Các bác thương binh hiện nay tuổi đã cao, nhiều bệnh nền nên chỉ sơ sẩy một chút là dẫn đến hiện tượng bất tỉnh, hoặc tắc đường thở. Vì thế, tôi thường xuyên nhắc nhở các đồng chí điều dưỡng thường xuyên theo dõi sát sao tình hình các bác, không để các bác tự ý ăn uống, như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Hoàn thành ca cấp cứu, cũng là lúc đến giờ ăn. Tất cả cán bộ, nhân viên xuống bếp ăn để cho các bác ăn, theo dõi, nắm biểu hiện khác thường của các thương binh để có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời. Từng cử chỉ, từ lời nói của đội ngũ cán bộ, nhân viên đều thể hiện sự ân cần, chu đáo. Chị Phan Thị Định, điều dưỡng viên ân cần bón từng thìa cháo cho bệnh nhân. Mỗi lần các bác bị sặc, nghẹn chị đều thực hiện kỹ thuật chuyên môn dùng tay vuốt ngực, đấm lưng giúp bệnh nhân vượt qua trận ho do bị sặc; rồi ân cần như “con đối với cha” lấy khăn lau mặt cho các bác, thật ấm áp nghĩa nặng tình sâu. Quan sát, chúng tôi thấy, một bữa cơm của các thương binh có rất nhiều chế độ ăn khác nhau. Có bác bị rối loạn đường ruột, phải ăn kiêng thực phẩm tanh (tôm, cá). Có bác không ăn được thực phẩm thịt đỏ, trứng, tôm vì bị gút, có bác chỉ ăn cháo hằng hằng… Hơn 80 bệnh nhân đến một nửa trong số đó phải ăn chế độ riêng. Thế nhưng đội ngũ nhân viên nơi đây vẫn bảo đảm đầy đủ theo từng suất ăn đúng hướng dẫn của bác sĩ.

 


Khi tiếng hát chữa lành vết thương.

Ngoài những bữa cơm, hằng ngày, đội ngũ nhân viên còn tỉ mỉ chăm lo cho giấc ngủ của các thương binh. Đến giờ đi ngủ, chị Đỗ Thị Thúy lại đến từng phòng mắc màn, tắt điện, đóng cửa cho các bác. Câu chuyện đơn thuần không chỉ có vậy, nhiều bác không hợp tác, mắc màn song lại dứt tung màn, không nằm trên giường mà lại nằm dưới đất. Hễ đến động viên, nhắc bác lên giường là các bác sửng cồ, thậm chí còn chửi, đánh cả nhân viên. Biết bệnh tình của các bác như vậy nên chúng tôi chờ đến khi các bác ngủ say mấy chị em trong kíp trực mới dám vào dìu các bác lên giường.

Ngoài ra, mỗi khi trái nắng trở trời, vết thương tái phát có bác đau đến quằn quại, mấy đêm liền không ngủ, uống thuốc an thần cũng chỉ được vài phút lại tỉnh. Không biết cách nào xoa dịu nỗi đau cho các bác, chị Nguyễn Thị Hà, điều dưỡng viên ngậm ngùi, nước mắt trào ra. Thế rồi chị bỗng cất lên tiếng hát ngọt ngào, đằm thắm. May sao, bệnh nhân quên đi những cơn đau dần chìm sâu vào trong giấc ngủ. Cứ mỗi lần như vậy, tùy vào tâm lý của từng bệnh nhân chị lại mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ các bác. 

 

 

Những bữa cơm ấp áp nghĩa tình.

Mang đến niềm tin, mang về sự yêu mến

 Công tác gần 30 năm, hầu như ngày nào chị Đỗ Thị Thúy cũng có mặt tại Trung tâm. Kể cả khi nghỉ phép tại gia đình, hằng ngày chị đều vào thăm hỏi, nắm tình hình sức khỏe của các thương binh. Chia sẻ với chúng tôi chị trải lòng: Gắn bó với các bác nhiều năm, tôi coi các bác như người cha, người chú. Hiện nay, nhiều bác sức khỏe đã yếu, một ngày mà không vào xem tình hình các như thế nào tôi thấy không yên tâm. Trong lòng như ngồi trên đống lửa vậy. Gần gũi nên các bác xem chúng tôi như là con, cháu trong gia đình. Nhất là những bác không có người thân, không nhớ quê hương mình ở đâu thì Trung tâm là mái ấm. Bác sĩ và nhân viên chính là người thân của các bác. Mỗi lần chúng tôi nghỉ phép hay đi công tác xa lâu ngày, khi trở lại gặp chúng tôi các bác vui lắm, khuôn mặt rặng rỡ hơn hẳn. Bác thì mang hoa quả, bác thì mang sữa ra mời chúng tôi, thật ấm áp, thân tình.

Công việc của đội ngũ y, bác sĩ chủ yếu làm chuyên môn chăm sóc, điều trị bệnh cho các thương binh nên việc nắm các chế độ chính sách cho các thương binh còn hạn chế. Ấy thế mà có những tình huống bắt buộc đội ngũ y, bác sĩ phải nắm để trả lời chính xác cho các bác. Nhất là đối với các thương binh không nắm được các quy định về chế độ chính sách của Nhà nước thường có biểu hiện không đúng. Chia sẻ với chúng tôi về điều này, Bác sĩ Chu Trung Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Để mở rộng, nâng cao trình độ hiểu biết cho cán bộ, nhân viên, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức tập huấn, quán triệt cho đội ngũ y, bác sĩ nắm được các văn bản hướng dẫn của cấp trên về giải quyết các chế độ chính sách cho người có công. Vì thế không chỉ cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà tất cả cán bộ, nhân viên cũng có thể tuyên truyền, tư vấn chế độ chính sách cho các bác.

Phục hồi chức năng cho các bệnh nhân.

Nhờ được quán triệt, tập huấn các văn bản hướng dẫn của cấp trên chị Đỗ Thị Thúy nhiều lần giải thích tư vấn cho các thương binh cách giải quyết hiệu quả bảo đảm quyền lợi cho các thương binh. Nhớ lại câu chuyện cách đây 2 năm, chị kể: Có thương binh tên là Út bị tai biến từ 10/2018 nằm liệt giường đến 12/2023 bác ấy mất. Trước khi chuyển nặng, Trung tâm chuyển bác lên Bệnh viện Quân y 103 để điều trị nhưng bệnh của bác đã quá nặng, bệnh viện trả về. Đưa bệnh nhân về Trung tâm, gia đình bác Út có nguyện vọng đón bác về nhà chăm sóc cho ấm áp. Theo nguyện vọng gia đình, lãnh đạo Trung tâm đều nhất trí giải quyết. Thế nhưng suốt đêm đó, tôi suy nghĩ: Cho bác về với gia đình lúc này thì rất nguy hiểm vì gia đình không có điều kiện về bác sĩ và máy móc như ở Trung tâm. Hơn nữa chỉ còn 2 ngày nữa là đến thời gian bác được tăng thêm tiền trợ cấp lên 7 triệu. Số tiền tuy không lớn nhưng đối với gia đình khó khăn như gia đình bác thì số tiền đó rất có ý nghĩa. Sáng hôm sau, tôi đã thuyết phục vợ và con trai bác, gia đình đã đồng ý để bác ở lại. Đến tháng 12/2023, gia đình xin đón bác về, về được vài ngày thì bác mất. Lo hậu sự cho bác song, gia đình gọi điện gửi lời cảm ơn trước tình cảm, trách nhiệm nghĩa tình của đội ngũ y, bác sĩ. Tôi cũng cảm thấy ấm lòng vì đã làm được một việc ý nghĩa cho gia đình bác Út.

Quang Đông-Việt Dũng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ