A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống trên quê hương “Chiếc gậy Trường Sơn”

QPTĐ-Những ngày này, khi cả nước đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa (trước đây là xã Hòa Xá, Thái Hòa và Vạn Thái), nơi khởi nguồn của Phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn”. Cảm nhận của chúng tôi là những ký ức về một thời sục sôi tinh thần cách mạng vẫn còn in đậm qua những kỷ vật lưu giữ tại Bảo tàng của địa phương và trong mỗi người dân nơi đây. 

Đổi thay trên quê hương "Chiếc gậy Trường Sơn".

 

Từ trung tâm Hà Nội xuôi theo quốc lộ 21B, quốc lộ 21C khoảng hơn 50km, chúng tôi đến xã Thái Hòa, huyện Ứng Hòa. Cũng giống như các địa phương khác của thành phố Hà Nội, không khí kỷ niệm ngày thống nhất đất nước đã rất sôi nổi. Hệ thống cờ hoa, biểu ngữ tung bay khắp nơi, nhất là trục đường dẫn vào Bảo tàng quê hương Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. 

Dẫn chúng tôi đi dưới hàng cờ hoa rực rỡ, ký ức về một thời miệt mài luyện tập hành quân trước khi vào Nam chiến đấu năm 1972 như ùa về với CCB Đỗ Ngọc Bình, nguyên chiến sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, Quân đoàn II. Ông xúc động kể: Năm 1967, đế quốc Mỹ mở rộng đánh phá ra miền Bắc và đẩy mạnh chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ căng thẳng, khốc liệt. Đáp lời kêu gọi của Trung ương Đảng, trên toàn miền Bắc đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua, thể hiện sôi nổi tinh thần chi viện cao nhất sức người, sức của cho chiến trường. Hưởng ứng phong trào, Đảng bộ và nhân dân Hòa Xá đã phát động hàng loạt chương trình như: “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai”; “Đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”; “Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm”. Hòa Xá phát huy tinh thần chủ động đề ra sáng kiến mang tính điển hình là xây dựng Phân đội dự bị nhằm đào tạo quân dự bị trước khi lên đường nhập ngũ tại địa phương, để khi Tổ quốc gọi, đơn vị “bộ đội làng” sẵn sàng lên đường chiến đấu. Lớp này đi, lớp sau kế cận lại tiếp tục được đào tạo, huấn luyện. Sáng kiến được thực hiện hiệu quả trong thực tiễn và được nhân rộng tới nhiều xã trong huyện, trong tỉnh và trên phạm vi cả miền Bắc.

Trong những thời khắc ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi nhân dân Hòa Xá nói riêng và nhân dân miền Bắc nói chung đang hăng say chiến đấu chống lại âm mưu phá hoại của đế quốc Mỹ thì nhận được món quà vô giá từ chiến trường miền Nam. Đó là ba chiếc gậy của các anh Đỗ Tít, Lưu Long và Phùng Quán sau khi vượt Trường Sơn gửi về quê hương, vừa để báo tin rằng các anh đã đến nơi Tổ quốc cần, vừa để thể hiện quyết tâm lập công ngay tại mặt trận diệt quân Mỹ. Chiếc gậy nhẵn bóng, mòn vẹt chỗ tay cầm và toét sơ phía đầu dưới, còn khắc ghi những dòng chữ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ba chiếc gậy mà các anh gửi về đã trở thành biểu tượng in sâu vào tâm thức của người dân Hòa Xá và được phát động thành phong trào. Các đợt giao quân, thanh niên nhập ngũ được các cụ cao niên trong làng trao tặng một “Chiếc gậy quê hương”. Trên mỗi cây gây đều khắc câu thơ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/ Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân” thay cho lời nhắn nhủ giữ trọn tấm lòng thủy chung, son sắt với Tổ quốc. 

Tháng 7/1967, trong một dịp đi thực tế, nhạc sĩ Phạm Tuyên đặt chân tới mảnh đất Hòa Xá. Được nghe kể về sự ra đời của những chiếc gậy từ tiền tuyến gửi về và trở thành gậy truyền thống của quê hương, người nhạc sĩ đã cảm hứng sáng tác bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn”. Bài hát ra đời, chỉ một thời gian ngắn đã nhanh chóng phổ biến từ hậu phương ra tiền tuyến, như lời thúc giục lên đường, tiếp thêm sức mạnh cho thanh niên Hà Nội nói riêng, thanh niên miền Bắc nói chung thi đua hành quân ra tiền tuyến. Và cũng là động lực to lớn để thúc đẩy Phong trào “Trao gậy Trường Sơn” ở Hòa Xá phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ trên khắp các địa phương. 

Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hòa Xá là một trong những xã đi đầu về phong trào tòng quân đánh giặc và xây dựng lực lượng dân quân du kích vững mạnh. Hòa Xá đã có 680 thanh niên lên đường đi chiến đấu, trong đó 91 người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường. Toàn xã có 6 gia đình có 4 người con theo kháng chiến; 11 gia đình có 3 người con ra mặt trận; 61 gia đình có 2 người con lên đường nhập ngũ.

Với những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1973, Hòa Xá vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3 gia đình được tặng thưởng Huân chương kháng chiến chống Mỹ; 78 gia đình được tặng thưởng Bảng vàng danh dự; 388 gia đình được thưởng Bảng vàng gia đình vẻ vang; 114 đồng chí được tặng Huân chương chiến công (trong đó có 81 đồng chí được tặng Danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ); toàn xã được tặng 1.418 huân, huy chương kháng chiến các loại. 

Bảo tàng quê hương Phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” trở thành nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

 

Phát huy truyền thống vùng quê cách mạng, trong công cuộc xây dựng và phát triển, cán bộ, nhân dân Hòa Xá đã luôn đoàn kết, chung tay tập trung xây dựng quê hương và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh. Năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 20 tỷ đồng, bằng 119,3% so với dự toán năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tiểu thủ công nghiệp-xây dựng chiếm 66%; thương mại-dịch vụ chiếm 19%; nông nghiệp-lâm nghiệp-thủy sản chiếm 15% cơ cấu kinh tế. Hòa Xá quyết liệt thực hiện các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Công tác xã hội như y tế, giáo dục, chính sách xã hội... được thực hiện hiệu quả, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Riêng công tác quốc phòng và an ninh luôn được địa phương chỉ đạo quyết liệt. Hằng năm luôn thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu huyện Ứng Hòa giao. Công tác xây dựng lực lượng, huấn luyện được chú trọng và đạt chất lượng. Công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn luôn được xã giữ vững, không có vụ việc phức tạp trên địa bàn. 

Tạm biệt Thái Hòa, những ca từ bài hát “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên vang vọng trên hệ thống đài truyền thanh: Trường Sơn ơi/ Cho dẫu hiểm nguy bền tâm vững chí/ Trong bước đi nghe tiếng đồng quê/ Nghe gió reo bờ tre gốc lúa/ Nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò/ Giữ vững truyền thống của đất nước… khiến tôi thêm thương và yêu mảnh đất này. Một vùng quê của những con người tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước. 

Thuận Nhân


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ