QPTĐ- Những năm qua, Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã thực hiện có hiệu quả phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Thông qua đánh giá khảo sát kết quả học viên ra trường thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, địa phương cho thấy chất lượng ngày càng đồng đều, năng lực tổ chức và thực hành huấn luyện không ngừng được nâng lên, thể hiện hiệu quả của việc bám sát phương châm, phản ánh trung thực, khách quan quá trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô và Quân đội.
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội
chú trọng dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất.
Để nâng cao chất lượng đào tạo thực sự toàn diện và hiệu quả theo phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, Trường Quân sự đã tổ chức các cuộc hội thảo bàn giải pháp thực hiện phương châm; kết hợp tiếp thu chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra, chỉ đạo giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; ban hành hướng dẫn đánh giá, xếp loại giáo viên hàng tháng, quý, năm; hướng dẫn quy trình xây dựng chương trình chi tiết môn học; kế hoạch huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ về công tác giáo dục-đào tạo (GD, ĐT)… Trong đó, Nhà trường xác định đổi mới, nâng cao chất lượng GD, ĐT là nhiệm vụ trọng tâm và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, biện pháp, chương trình từng tháng, quý và khóa học. Vì vậy, đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, tư duy, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đảng viên trong toàn trường.
Học viên đào tạo chuyên ngành quân sự cơ sở trong giờ học tập chính trị.
Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã cụ thể hóa chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác GD, ĐT bằng hệ thống Quy chế GD, ĐT của Nhà trường; Quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh và các quy chế khác. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã cụ thể hóa vào xây dựng, triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn về công tác GD, ĐT.
Bên cạnh đó, Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo các đối tượng sát với đặc điểm nhiệm vụ, thực tiễn địa bàn Thủ đô và đối tượng đào tạo sát với chương trình khung của Bộ Quốc phòng. Xây dựng các đề án, kế hoạch về công tác GD, ĐT theo đúng chỉ đạo của trên. Nhà trường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, tham quan, thực tế, học tập nghiên cứu thực tiễn cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên để nâng cao trình độ, phương pháp sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ GD, ĐT, sẵn sàng chiến đấu của Nhà trường”.
Cùng với đó, Nhà trường đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương nhằm gắn kết chặt chẽ công tác GD, ĐT của Nhà trường với thực tiễn nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và quản lý bộ đội ở địa phương, đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phương pháp, tác phong chỉ huy, quản lý bộ đội, chuyên môn nghiệp vụ của học viên và công tác tạo nguồn đào tạo. Nhà trường thường xuyên trao đổi kết quả thực hiện nhiệm vụ của học viên sau khi tốt nghiệp ra trường và tổ chức các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, khảo sát, xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo.
Hằng năm, Nhà trường phối hợp với Trường Sĩ quan Lục quân 1 liên kết đào tạo các đối tượng học viên trình độ liên thông từ trung cấp lên cao đẳng; cao đẳng lên đại học; đại học chính quy và đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học ngành quân sự cơ sở; phối hợp với Trường Lê Hồng Phong đào tạo trình độ Trung cấp lý luận chính trị cho học viên. Trong công tác Bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng và An ninh, Nhà trường phối hợp với Học viện Quốc phòng, Học viện Chính trị, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Khoa học quân sự, Trường Sĩ quan Phòng hóa để mời giảng những chuyên đề sâu cho cán bộ đối tượng 2, đối tượng 3 của các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Sau khi học viên tốt nghiệp ra trường được điều động về các đơn vị công tác, Nhà trường tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng; lấy ý kiến phản hồi của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, địa phương về chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Những năm qua, Nhà trường đã khảo sát 8 lượt đơn vị đối với sĩ quan dự bị, hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật với 453 lượt người; khảo sát 20 lượt Ban CHQS các quận, huyện, thị xã với 53 cán bộ địa phương và hơn 200 học viên ngành quân sự cơ sở. Trên cơ sở đó, Nhà trường tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên và đơn vị phối hợp chặt chẽ trong xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng chất lượng và đánh giá thực chất kết quả huấn luyện. Đồng thời, cử cán bộ tham quan diễn tập ở các đơn vị, địa phương để nâng cao hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn, vận dụng vào quá trình giảng dạy, công tác.
HỮU THU