QPTĐ- Thế giới vốn đã không bình lặng, lại tiếp tục dậy sóng sau hàng loạt các cuộc xung đột vũ trang nổ ra tại Lục địa già, Trung Đông và gần đây nhất, tháng qua, một số lãnh đạo phương Tây kêu gọi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân đến các quốc gia đồng minh châu Âu để đối phó với Nga. Lập tức, các nghị sĩ Nga đề xuất, Moskva cần đưa vũ khí hạt nhân đến khu vực gần nước Mỹ để đáp trả kế hoạch của Mỹ và đồng minh. Giới chính trị quốc tế cảnh báo về nguy cơ xảy ra Thế chiến III, chiến tranh hạt nhân, sẽ hủy diệt Trái đất.
Một chiếc F-35A Lightning II của Mỹ hạ cánh tại sân bay quân sự Lakenheath.
Ảnh: Internet
Trên trang Telegraph dẫn các tài liệu thu thập từ Lầu Năm Góc cho hay, Mỹ đang lên kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân tại Vương quốc Anh sau hơn 15 năm vắng bóng, nhằm “chống lại mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga”. Mỹ có ý định đặt tại sân bay không quân Kakenheath (Suffolh, Anh) một số đầu đạn hạt nhân có sức công phá mạnh gấp 3 lần bom hạt nhân Mỹ ném xuống Hiroshima, Nagasaki (Nhật Bản, 8/1945) làm hàng triệu người chết, nhiễm xạ.
Trước đó, năm 2008, Mỹ đã chuyển một số tên lửa hạt nhân khỏi Anh sau khi cho rằng, mối đe dọa từ Nga đã giảm bớt; tuy nhiên, vẫn còn khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân tại 5 quốc gia châu Âu (Bỉ, Đức, Hà Lan, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ) theo thỏa thuận với NATO. Hiện, Ba Lan cũng rất sốt sắng nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Đáp lại, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng, Quốc hội Nga, lãnh đạo Đảng Rodina A.Zhuravlev tuyên bố, Moskva cũng nên xem xét triển khai vũ khí hạt nhân tới các khu vực gần Mỹ, đến “các quốc gia thân thiện như Cuba, Venezuela, Nicaragua”. Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, Nga (trước kia là Liên Xô) đã phát triển mạnh mẽ bộ ba hạt nhân từ đất liền, trên không và trên biển. “Chúng tôi có nhiều cách để đáp trả bất kỳ sự xâm lấn nào của Mỹ và NATO”-Ông A.Zhuravlev nói.
Tại Đức, vừa diễn ra Hội nghị An ninh Munich 2024, lần thứ 60 (trong 3 ngày, 16-18/2 ) với chủ đề “Hòa bình thông qua đối thoại” được đánh giá là không có tính đột phá bởi căng thẳng địa chính trị và bất ổn kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều chính phủ không còn tập trung vào lợi ích của hợp tác toàn cầu. Hãy xem một số dữ kiện gần đây, phương Tây tập trung chĩa mũi dùi nhằm vào nước Nga.
Ngày 21/2, Liên minh châu Âu (EU) tung gói trừng phạt Nga thứ 13 (hiệu lực từ 24/2) áp vào 200 thực thể và cá nhân bị cáo buộc giúp Moskva mua vũ khí. Cuối năm 2023, EU tung gói trừng phạt thứ 12, áp đặt các lệnh cấm nhập khẩu kim cương có nguồn gốc từ Nga, áp đặt thêm các lệnh cấm nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa Nga, ngăn chặn việc lách luật trừng phạt và lấp lỗ hổng của các lệnh trừng phạt; hơn 140 thực thể, cá nhân bị phong tỏa tài sản. Tính ra, hai năm qua, phương Tây (Mỹ, EU, G7) đã ban hành 18.500 lệnh trừng phạt, cấm vận Nga-Một con số cao kỷ lục, chưa có quốc gia nào phải gánh chịu.
Ngày 22/2, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg phát biểu với báo chí, Kiev có quyền sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tự vệ trước Moskva, bao gồm cả việc tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ W.Adeyemo (23/2) cho biết, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 500 mục tiêu của Nga nhằm vào các tổ hợp quân sự Nga và các công ty ở các nước thứ 3 đã tạo điều kiện cho Nga tiếp cận hàng hóa của họ. Đây là lần đầu, Mỹ mở rộng đối tượng bị trừng phạt, là đồng minh hay đối tác của Nga.
Cùng thời gian này (từ cuối tháng 1 đến 31/5/2024), khối NATO mở cuộc diễn tập quân sự khủng mang tên “Steadfst Defender 2024” huy động 90.000 binh sĩ thuộc 31 nước thành viên và Thụy Điển cùng hàng ngàn phương tiện chiến đấu, vũ khí, khí tài diễn tập áp sát biên giới Nga, dọc từ Na Uy đến Romania. “Mục tiêu của cuộc tập trận là kiểm tra và hoàn thiện các kế hoạch phòng thủ của NATO nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu trước một đối thủ ngang hàng”-Thông báo của NATO nêu rõ.
Đáp trả gói trừng phạt thứ 12 và 13 của EU, Bộ Ngoại giao Nga (23/2) thông báo, mở rộng đáng kể danh sách các quan chức và chính trị gia Liên minh châu Âu bị cấm nhập cảnh Nga. Trước đó, Moskva cũng ban hành các biện pháp trừng phạt tương ứng nhằm vào các thực thể, cá nhân Mỹ, phương Tây. Điều bất ngờ, trái ngược với ý định của phương Tây kỳ vọng phá hủy nền kinh tế, quốc phòng của Nga; đã không xảy ra. Nga vẫn là một trong những cường quốc quân sự Top đầu thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận, GDP Nga tăng trưởng 3% năm 2023, dự báo tăng trưởng 2,6% năm 2024.
Dưới thời Tổng thống D.Trump, Mỹ đã rút khỏi một số hiệp ước, thỏa thuận với Nga về kiểm soát, phát triển tên lửa tầm trung, tầm xa và hạt nhân, giám sát sự minh bạch hệ thống vũ khí tấn công chiến lược. Nga đơn phương ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân (CTBT) được Liên hợp quốc thông qua năm 1996 nhưng chưa có hiệu lực vì 8 quốc gia chưa ký hoặc phê chuẩn hiệp ước bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Triều Tiên, Ai Cập, Iran, Israel.
Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, đến cuối năm 2023, Mỹ sở hữu 5.244 đầu đạn hạt nhân, Nga 5.889, Trung Quốc 410, Pháp 290, Anh 225... Thế chiến III, chiến tranh hạt nhân nổ ra, chỉ một lượng nhỏ đầu đạn hạt nhân kia cũng có thể hủy diệt Trái đất!
Tháng 3/2023, Nga triển khai hệ thống hạt nhân chiến thuật ở Belarus “đúng vị trí và trong tình trạng tốt”-Tổng thống Belarus A.Lukashenko nói. Dịp tháng 7/2023, Điện Kremlin tuyên bố, Nga sẽ xem xét rút số vũ khí hạt nhân khỏi Belarus nếu Mỹ và NATO cũng loại bỏ hết số vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia, cựu Tổng thống Nga D.Medvedev tuyên bố, Nga chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong các trường hợp sau. Một là, Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Hai là, bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác tấn công Nga hoặc đồng minh của Nga. Ba là, một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Bốn là, khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường.
Châu Âu đang ở giai đoạn căng thẳng nhất sau Chiến tranh Lạnh, là đòn cân não thử thách các chính trị gia, phải biết giữ cái đầu lạnh, tỉnh táo vì hòa bình, cuộc sống của nhân loại!
HÀ NGỌC