A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên minh quân sự, quốc phòng Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc

QPTĐ-Sau Thế chiến II (1939-1945) đến Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), kết thúc Chiến tranh Đông Dương (1954), thế giới phân cực mạnh theo 2 phe: Xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu và Tư bản chủ nghĩa do Hoa Kỳ dẫn dắt. Đại diện sức mạnh quân sự, quốc phòng, tương ứng với 2 hệ tư tưởng đối lập nhau như hai thái cực là hai khối quân sự được hình thành: Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (khối quân sự NATO, bao gồm Mỹ, Canada và các nước châu Âu, ra đời tháng 4/1949 nhằm bảo đảm an ninh tập thể, chống lại Liên Xô) và Tổ chức Hiệp ước Warsaw (ra đời tháng 5/1955, là khối chính trị-quân sự phòng thủ tập thể bao gồm Liên Xô và 7 nước Đông Âu). 

Binh sỹ Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn tại Pohang, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)


Liên Xô tan rã (1991), phe Xã hội chủ nghĩa tự giải tán nhưng NATO vẫn tồn tại, thậm chí phát triển, gia tăng nước thành viên lên con số 32 (năm 2024). Ở khu vực châu Á và Đông Á, Mỹ giữ vị trí lãnh đạo độc tôn khối liên minh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, đồng thời có các đồng minh lâu năm như Thái Lan, Philippines, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc). 

Nhóm nước “Bộ tứ” (QUAD) duy trì 20 năm nay (từ tháng 12/2004) bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản với tuyên bố, tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở; sẵn sàng ứng phó với thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, hoạt động nhân đạo. Sau Hội nghị thượng đỉnh năm 2021, QUAD nhấn mạnh đến vai trò của khối, tăng cường sức mạnh quân sự, quốc phòng, hợp tác tuần tra, cảnh giới, phản ứng linh hoạt trước các mối đe dọa anh ninh khu vực. 

Năm 2021, Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường (AUKUS) giữa 3 nước: Mỹ-Anh-Australia ra đời, tiếp tục vai trò bảo đảm an ninh tập thể, đối phó với các mối đe dọa an ninh lãnh thổ, khu vực biển Đông, châu Á-Thái Bình Dương, do Mỹ dẫn dắt. Mỹ đang thuyết phục các thành viên, kết nạp Nhật Bản vào AUKUS. Các liên minh quân sự (QUAD, AUKUS), do Mỹ lãnh đạo, không dưới một lần bị Trung Quốc, Triều Tiên phản ứng, xem như tổ chức “NATO châu Á”. 

Tái cử Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump lên kế hoạch cắt giảm chi tiêu chính phủ, điều chỉnh cắt giảm ngân sách quốc phòng 8% mỗi năm, tương ứng 290 tỉ USD trong vòng 5 năm tới nhưng vẫn phải duy trì 17 hạng mục bao gồm các hoạt động tại biên giới Mỹ, chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa, ưu tiên tài trợ cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Không gian; trong khi các đơn vị khác như Bộ Tư lệnh châu Âu, không được nhận tài trợ nữa. Năm 2025, Lầu Năm Góc được phân bổ ngân sách 850 tỉ USD, sẽ dự kiến cắt đi khoảng 50 tỉ USD. 

Trong chuyến thăm châu Á, gặp gỡ các nhà lãnh đạo hai nước: Philippines, Nhật Bản tuần qua (27-30/3), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P.Hegseth tuyên bố: Chính quyền của Tổng thống D.Trump vẫn sẽ ưu tiên chuyển hướng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương với nhận thức rằng, để thế kỷ XX là thế kỷ của tự do, Mỹ cần sát cánh cùng đồng minh và đối tác. Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia trong khu vực tăng cường năng lực phòng thủ và phối hợp hành động nhằm duy trì sự ổn định.

Tuy nhiên, khác với các vị Tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống tỉ phú D.Trump có lối tư duy mới, đặt mối quan hệ đồng minh, đối tác là hợp tác, bình đẳng thương mại, có đi có lại theo triết lý thương gia. Được hỏi về liên minh Mỹ-Nhật Bản (ngày 6/3), ông D.Trump nói: “Chúng ta có một thỏa thuận thú vị với Nhật Bản rằng, phải bảo vệ họ nhưng họ không bắt buộc phải bảo vệ chúng ta”. Cuối tháng 3, Lầu Năm Góc thực hiện kế hoạch, dừng mở rộng Lực lượng Mỹ tại Nhật (USFJ), để tiết kiệm thêm 1,1 tỉ USD. 

Hiện, có hơn 50.000 binh sĩ Mỹ đồn trú ở các căn cứ tại Nhật cùng các phi đoàn tiêm kích, tàu sân bay trong khu vực, bảo đảm an ninh cho đất nước Mặt trời mọc nhưng Tokyo chỉ chi trả cho Mỹ hơn 1 tỉ USD/năm. Tuy ngân sách quốc phòng Nhật cao thứ 10 thế giới (56 tỉ USD năm 2024) và kỳ vọng đạt 2% GDP/năm vào năm 2027, trong khi Mỹ hối thúc phải chi đến 3% năm. Đáp lại, Thủ tướng Nhật S.Ishiba tuyên bố, Nhật Bản sẽ quyết định ngân sách quốc phòng dựa trên lợi ích quốc gia, “liên minh Mỹ-Nhật là không cân xứng”, “Chúng ta sẽ hành động nhiều hơn, không chỉ vì an ninh của chính nước này mà còn là an ninh của khu vực”. 

Tương tự, với Hàn Quốc, Tổng thống D.Trump đe dọa sẽ rút quân Mỹ khỏi xứ Hàn (28.500 binh sĩ) nếu Seoul không tăng khoản đóng góp tài chính, hỗ trợ các lực lượng chung. Hàn Quốc (11/2024) đồng ý chi trả 1.520 tỉ won hằng năm cho Mỹ, cao hơn 10% so với thỏa thuận trước đó nhưng chưa đạt con số 10 tỉ USD/năm mà ông D.Trump đưa ra? Bất ngờ, chuyến công du này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không đến xứ Hàn, có lẽ do chức Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc bị bỏ trống từ tháng 12 năm ngoái và khủng hoảng chính trị ở Seoul chưa có dấu hiệu lắng xuống. 

Nếu như Mỹ luôn giữ vị trí số 1 về xuất khẩu vũ khí: 157,5 tỉ USD (năm 2023) và 200,8 tỉ USD (năm 2024) thì Hàn Quốc, Nhật Bản-đồng minh của Mỹ, được tiếp nhận vũ khí, khí tài hiện đại và hưởng lợi từ chuyển giao công nghệ, khoa học quân sự tiên tiến, có những đột phá, phát triển mạnh ngành công nghiệp quốc phòng. 

Hàn Quốc xuất khẩu vũ khí trị giá 7,21 tỉ USD (năm 2021, đứng thứ 8 toàn cầu), tăng lên 17 tỉ USD (năm 2022, chiếm 2,4% thị phần thế giới). Năm 2023, Hàn Quốc nhận hàng loạt hợp đồng mua xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, máy bay chiến đấu, pháo tự hành, tên lửa phóng loạt của các nước: Ai Cập, Ba Lan, Indonesia, Romania, bởi giá thành rẻ, không kèm theo điều kiện chính trị, giao hàng nhanh, chất lượng kỹ thuật theo tiêu chuẩn NATO. Riêng Ba Lan ký hợp đồng trị giá 13,7 tỉ USD. Hàn Quốc kỳ vọng vươn lên vị trí thứ 4 toàn cầu vào năm 2027. 

Nhật Bản  thương thảo với Australia, Indonesia, Philippines và các quốc gia khu vực về việc xuất khẩu vũ khí như một bên ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Paccific). Tháng 2 vừa qua, Nhật đã chuyển giao hệ thống radar trên đảo Luzon và nhiều thiết bị quân sự khác cho Philippines. Tokyo gửi tàu hộ tống lớp Mogami có khả năng tàng hình, trang bị vũ khí, công nghệ hiện đại đến Australia tập trận chung, hòng giành thị phần đóng lớp tàu chiến mới cho Canberra thay thế tàu lớp Anzac. Tokyo là nhà sản xuất tàu ngầm điện diesel hiện đại hàng đầu thế giới, đang cạnh tranh với Berlin hợp đồng vũ khí, thiết bị trị giá 4,3-6,8 tỉ USD của Australia. 

Nhật Bản đã cải tạo thành công tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay nhẹ mang chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5: F-35. Tokyo đã làm chủ công nghệ sản xuất chiến đấu cơ: F-35, Mitsubishi F-2 từ nền tảng dòng F-16 (Mỹ), phát triển máy bay săn ngầm Mitsubishi P-1 thay thế P-3 Orion (Mỹ), tự chủ công nghệ hệ thống tên lửa Patriot (Mỹ). Nhật Bản hợp tác cùng Anh, Italy chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6 xuất xưởng vào năm 2030. Nhật đã cấp phép cho 12 quốc gia khác ở châu Âu-Á và Mỹ xuất khẩu chiến đấu cơ, tên lửa, vũ khí sát thương mang nhãn hiệu Madein Japan. 

Tokyo đang nổi lên như một đối thủ đáng gườm khu vực châu Á và quốc tế. “Việc cung cấp vũ khí giúp Nhật Bản thắt chặt quan hệ ngoại giao với các đối tác trong khu vực”-Giáo sư S.R.Nagy (Đại học Nhật Bản) nhận xét. 

LINH AN
 


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội