QPTĐ-Hãng Thông tấn TASS đưa tin, Tổng thống Nga V.Putin cho rằng, Nga cần tiếp tục sản xuất tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn sau khi Mỹ đưa loại vũ khí tương tự này tới các quốc gia châu Âu, châu Á. “Hôm nay, chúng ta sẽ thảo luận về các bước đi tiếp theo của Nga liên quan đến lệnh cấm đơn phương triển khai các tên lửa mặt đất tầm trung và tầm ngắn”-TASS dẫn lời Tổng thống V.Putin tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia Nga (ngày 28/6).
Hệ thống tên lửa tầm trung Pershing của Mỹ.
Ảnh: Internet
Theo đó, Tổng thống Nga nhắc lại sự kiện, năm 2018, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký giữa Nga-Mỹ với lý do “Moskva vi phạm hiệp ước” và công bố kế hoạch sản xuất các hệ thống tên lửa loại này nhằm đáp trả lại Nga.
Năm 2019, Nga cam kết sẽ hạn chế sản xuất và triển khai các hệ thống như vậy với điều kiện Mỹ từ chối triển khai chúng ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, “Mỹ vẫn sản xuất và đưa chúng đến châu Âu, Đan Mạch tập trận và đưa đến Philippines”. Trước đó, Mỹ tuyên bố kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm trung ở châu Á để kiềm chế Trung Quốc.
Hiệp ước INF được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó có điều khoản cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. INF được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt căng thẳng ở châu Âu, khu vực mà cả Nga và Mỹ cùng triển khai nhiều loại tên lửa răn đe lẫn nhau, có nguy cơ kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Dưới thời Tổng thống D.Trump, Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF và cho rằng, chỉ quay trở lại hiệp ước này nếu Nga loại bỏ những khí tài vi phạm. Tuy nhiên, Moskva bác bỏ cáo buộc của Nhà Trắng. Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về kho tên lửa tầm trung của Trung Quốc, muốn mở rộng một hiệp ước ba bên bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc nhưng Bắc Kinh từ chối đàm phán với lý do, kho đạn hạt nhân của nước này quá nhỏ (khoảng 300 đầu đạn) chỉ bằng 1/20 so với Mỹ hoặc Nga.
Bắc Kinh không giấu giếm tham vọng sở hữu 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030 cùng với một số quốc gia có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân như Israel, Pakistan, Iran, Triều Tiên, sẽ dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu, phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí giết người hàng loạt, khó kiểm soát.
Thập kỷ qua, thế giới nóng bỏng bởi lò lửa Trung Đông luôn bùng cháy và gần đây là châu Âu, khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm “phi phát xít hóa”, “phi hạt nhân hóa” ở Ukraine. Không dưới một lần, Tổng thống V.Putin và các quan chức cấp cao Nga công khai tuyên bố về học thuyết hạt nhân mới của Nga khi Nhà nước, chủ quyền lãnh thổ Nga bị đe dọa, vũ khí hạt nhân sẽ được kích hoạt.
Tháng 5 vừa qua, Nga tập trận hạt nhân chiến thuật giai đoạn 1 theo lệnh của Tổng thống V.Putin ở miền Nam nước này. Giai đoạn 2, cuộc tập trận diễn ra trong tháng 6 tại Nga và Belarus; kết quả của tập trận sẽ được tổng kết ở giai đoạn 3, trong năm nay. “Chúng tôi không có ý định tấn công bất kỳ ai nhưng mọi người nên hiểu rằng, chúng tôi rất thuần thục trong việc này”-Tổng thống Belarus A.Lukashenko nói.
Được biết, vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế nhỏ, sử dụng ở tầm gần, khác biệt với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược tầm xa. Moskva giải thích, cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật của Nga, Belarus là phản ứng đáp lại những khiêu khích gần đây của Pháp, Anh, Mỹ, đã cung cấp vũ khí tấn công tầm xa cho Kiev tập kích vào lãnh thổ Nga.
Belarus là đồng minh của Nga, có chung đường biên giới dài 1.250 km với các quốc gia thành viên NATO như Ba Lan, Latvia, Lithuania. Tháng 3 năm ngoái, Nga triển khai hệ thống hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus, trong bối cảnh xung đột Ukraine leo thang và căng thẳng bùng phát ở châu Âu. “Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng tôi quyết tâm đáp trả bất kỳ mối đe dọa nào đặt ra cho cả đất nước chúng tôi và Nhà nước liên minh giữa Nga và Belarus”-Bộ trưởng Quốc phòng Belarus V.Khrenin nói.
Trước đó (24/5), Tổng thống Belarus A.Lukashenko ký sắc lệnh đình chỉ tham gia Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (Hiệp ước quân sự CFE), sau khi Nga cũng có động thái tương tự. Đây là biện pháp đáp trả các nước NATO, năm 2022, 2023, đình chỉ vô thời hạn tham gia hiệp ước. Hiệp ước CFE là văn bản ký kết năm 1990 giữa 16 thành viên NATO và Khối Hiệp ước Warsaw nhằm thiết lập thế cân bằng quân sự, hạn chế số lượng xe tăng, thiết giáp, pháo, trực thăng và chiến đấu cơ đóng tại châu Âu, tránh các bên tập trung lực lượng quy mô lớn, tấn công chớp nhoáng.
Hiện, không chỉ biên giới Nga với các nước như Ukraine, Ba Lan, vùng Baltic, Modova mà biên giới Belarus với các nước kể trên, tình hình rất căng thẳng. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Bỉ (27/6), Ba Lan và 3 nước Baltic kêu gọi liên minh chi 2,5 tỉ euro (2,67 tỉ USD) xây dựng tuyến phòng thủ biên giới dài 700 km với Nga và Belarus; kêu gọi Mỹ, NATO tăng cường binh sĩ đồn trú ở quốc gia này, “đáp trả một cuộc tấn công xâm lược”.
Tuần qua, một sự kiện khác gây chấn động châu Âu, sau khi Tòa Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ 2 vị tướng Nga: Đại tướng S.Shoigu, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Đại tướng V.Gerasimov, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga bởi “gây tội ác chiến tranh”, “phải chịu trách nhiệm cho các vụ tập kích tên lửa nhằm vào hạ tầng điện của Kiev”. Tháng 3/2023, ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống V.Putin và bà L.B.Maria, Ủy viên về quyền trẻ em Nga, bởi đã “di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ Ukraine sang Nga”.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia D.Medvedev, cựu Tổng thống Nga phát biểu tại Diễn đàn pháp lý quốc tế St.Petersburg (SPILF, ngày 27/6): “Việc thi hành một quyết định bất hợp pháp và không hợp lệ về việc bắt giữ các quan chức của một quốc gia có thể coi là một lời tuyên chiến”. “Nga, giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới bao gồm cả Mỹ và các nước lớn: Trung Quốc, Ấn Độ, không phải là một bên của tổ chức sân khấu được gọi là ICC này”.
Moskva cho rằng, ICC đang thực hiện màn kịch vụng về do Mỹ đạo diễn.
MINH NGỌC