A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trận, triển khai lực lượng chiến lược đốt nóng châu Âu

QPTĐ-Xung đột vũ trang bùng phát ở Trung Đông, Dải Gaza suốt mấy thập kỷ qua chưa lắng dịu thì  châu Âu lại bị đốt nóng bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Moskva và Kiev kéo dài hơn 2 năm nay, chưa có dấu hiệu kết thúc. Tuần qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan-quốc gia giữ vai trò trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, thành viên NATO lên tiếng, cảnh báo về nguy cơ nổ ra Thế chiến III?

Các lực lượng tham gia cuộc tập trận quân sự của NATO gần Gniew, Ba Lan.

Sau Thế chiến II, kể từ năm 1945, châu Âu bị đặt trong bối cảnh thử thách khắc nghiệt nhất bởi liên tục diễn ra các cuộc diễn tập quân sự, triển khai lực lượng “phòng thủ chiến lược”, chống lại cuộc “tấn công chớp nhoáng của kẻ thù”. Gần đây nhất và hiện tại là cuộc tập trận chung Trung Quốc-Belarus, tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật Nga-Belarus, tập trận chung liên minh quân sự NATO và triển khai lực lượng phản ứng nhanh ở các nước thành viên NATO.

Tuần qua, giới truyền thông Bắc Kinh và Minsk đồng loạt đưa tin, ảnh, video về cuộc tập trận chung giữa quân đội Trung Quốc và Belarus ở khu vực Brest-biên giới Belarus, cách đường biên giới với Ba Lan 5 km, kéo dài 11 ngày (từ 8-19/7). Thành phố Brest cách biên giới Ukraine 64 km, cách thủ đô Warsaw (Ba Lan) khoảng 209 km. Phương Tây quan ngại, Nga mượn đường Belarus mở mũi tấn công mới vào Ukraine, đồng thời cáo buộc Minsk đẩy người tị nạn từ nước thứ 3 vào EU. Belarus-đồng minh thân cận của Nga, có chung đường biên giới dài 1.250 km với các thành viên NATO, EU bao gồm Ba Lan, Latvia, Lithuania.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa binh sĩ, khí tài đến Belarus tập trận và huấn luyện, ngay sau khi Belarus gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO, ngày 4/7) do Trung Quốc và Nga dẫn dắt. SCO thành lập năm 2001, có 6/10 thành viên, là quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô (cũ) tuyên bố, trung thành với mục đích chống khủng bố, thúc đẩy an ninh biên giới, đã và đang trở thành đối trọng địa-chính trị với các thể chế phương Tây do Mỹ và đồng minh chỉ đạo.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, quân đội hai nước sẽ diễn tập chống khủng bố, giải cứu con tin. “Cuộc tập trận nhằm mục đích nâng cao trình độ huấn luyện và khả năng phối hợp của quân đội cũng như tăng cường hợp tác thực tế giữa quân đội hai nước”. Cuộc tập trận này “không liên quan gì đến tình hình ở Ukraine”-Đại tá Chu Bo (Trung Quốc) nói.

Trước đó, Nga và Belarus tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật, giai đoạn 1 (5/2024) trên đất Nga và giai đoạn 2 (6/2024) trên lãnh thổ Nga, Belarus. Đây là biện pháp chủ động nhằm “tăng cường năng lực sẵn sàng sử dụng vũ khí trả đũa”-Tướng V.Khrenin, Bộ trưởng Quốc phòng Belarus nói.

Theo đó, tháng 5/2023, Nga đã triển khai một loạt hệ thống vũ khí hạt nhân chiến thuật trên đất Belarus, gây sốc với phương Tây, với lý do đáp trả Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở 5 quốc gia châu Âu. Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố, Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên. “Nga không có lợi ích về mặt địa-chính trị, kinh tế hay quân sự trong việc tiến hành một cuộc chiến chống lại NATO”.

Đầu năm nay, khối quân sự NATO tổ chức cuộc tập trận mang tên “Steadfast Defender 2024” huy động 90.000 binh sĩ từ tất cả 32 quốc gia thành viên, 1.100 phương tiện chiến đấu bao gồm 133 xe tăng, 533 xe chiến đấu bộ binh, hơn 50 tàu hải quân, 80 máy bay trực thăng chiến đấu, tiêm kích và hệ thống UAV. Tư lệnh Tối cao NATO tại châu Âu Ch.Cavoli tuyên bố: “Cuộc tập trận mô phỏng kịch bản xung đột mới xuất hiện chống lại một đối thủ gần ngang hàng , bao trùm hàng ngàn cây số trên khắp châu Âu”, diễn ra trên lãnh thổ nhiều quốc gia thành viên, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 5/2024.

“Đây là cuộc tập trận lớn nhất, thời gian dài nhất mà NATO từng tiến hành trong nhiều thập niên, trong đó có kịch bản đối đầu vũ trang với Nga, chắc chắn đang làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn tình hình thế giới”-Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nga N.Patrushev nhận định: NATO đang thể hiện là một công cụ quan trọng được Mỹ sử dụng để gây ảnh hưởng, áp lực lên các quốc gia khác.

“Khối quân sự có trụ sở tại Brussels này đang tiến thẳng tới biên giới phía Tây của Nga và đang chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong tương lai. Trong 75  năm tồn tại (1949-2024) với tư cách là bên bảo đảm cho hòa bình và dân chủ, NATO đã tiến hành hàng trăm cuộc chiến và các cuộc xung đột quân sự khắp thế giới và sẵn sàng hành động nhiều hơn nữa”-Ông N.Patrushev khẳng định.

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Mỹ (9-11/7) với sự có mặt của lãnh đạo 32 nước thành viên và các đồng minh, đối tác; Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg tái khẳng định, đã và đang triển khai hệ thống phòng không thế hệ mới của Mỹ “hoàn toàn mang tính phòng thủ” mang tên Aegis Ashoe ở 2 địa điểm ở Ba Lan và Romania, có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung, cùng với đó là các tàu khu trục của Hải quân Mỹ neo đậu tại cảng Rota của Tây Ban Nha và hệ thống rada cảnh báo sớm đặt tại thị trấn Kurecik (Thổ Nhĩ Kỳ).

Đức và Mỹ cũng cho hay, đã triển khai theo từng giai đoạn cho các loại tên lửa như SM-6, tên lửa hành trình Tomahawk và vũ khí siêu thanh đồn trú lâu dài ở châu Âu cũng như cho nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh tầm xa trong khu vực do Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng Mỹ Raytheon phát triển. NATO nỗ lực thúc đẩy chi tiêu ngân sách quốc phòng 2% GDP/năm với các quốc gia thành viên.

Năm ngoái, NATO đã phê duyệt các kế hoạch phòng thủ khu vực bao gồm Bắc Đại Tây Dương, Bắc Cực, vùng Baltic và Trung Âu, Địa Trung Hải và Biển Đen, với lực lượng cơ động cao gồm 300.000 binh sĩ, trang bị hiện đại. Ngoài việc tăng cường đáng kể hệ thống phòng không trong việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng; NATO lên kế hoạch phát triển thêm 35-50 lữ đoàn, quy mô 3.000-7.000 quân/1 lữ đoàn để “đề phòng một cuộc tấn công từ Nga”?

Gần đây, Ba Lan và 3 nước Baltic kêu gọi Mỹ và NATO triển khai thêm lực lượng trên lãnh thổ, kể cả vũ khí hạt nhân, càng gia tăng căng thẳng với Nga. Thêm vào đó, quốc gia láng giềng Phần Lan-thành viên mới của NATO, có chung đường biên giới với Nga dài 1.340 km, từ bỏ chính sách không liên kết quân sự, ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ, cho phép quân đội Mỹ tiếp cận không bị cản trở 15 cơ sở và khu vực, được phép lưu trữ thiết bị quân sự, đạn dược, trong đó có 4 căn cứ không quân, 1 quân cảng của Phần Lan.

Điện Kremlin tuyên bố, sẽ đáp trả việc NATO mở rộng hiện diện về phía Đông, tiến sát biên giới Nga, là mối đe dọa an ninh quốc gia Nga.

NHẬT MINH

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ