“Nếu di tích là một người bạn…” – Hành trình kết nối lịch sử cùng Kinh Đô Kỳ Họa
QPTĐ-Vừa qua, các em học sinh Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội đã được tham gia Chương trình Giáo dục di sản Hoàng thành Thăng Long (gồm tham quan di sản và trò chơi thực tế). Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án "Kinh Đô Kỳ Họa" mùa 2 do nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức.
Với hai chặng hành trình là “Giáo dục di sản” và “Hội chợ di sản”, chương trình đã mở ra một không gian nghệ thuật trải nghiệm sáng tạo, nơi di sản được nhìn nhận như một người bạn thân quen – sống động, gần gũi và luôn ẩn chứa những điều mới mẻ để khám phá và tìm tòi.
Đoàn học sinh Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội di chuyển vào trong Hoàng thành để bắt đầu chuyến tham quan trải nghiệm (Ảnh: Quỳnh Anh)
Ở chặng hành trình đầu tiên, các em học sinh đã có dịp tham quan và tìm hiểu những điểm di tích tiêu biểu của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long như: Cổng Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hầm chỉ huy tác chiến T1 cùng khu trưng bày “Báu vật hoàng cung Thăng Long”. Với sự hướng dẫn tận tình của các thuyết minh viên và thầy cô giáo, từng câu chuyện lịch sử dần hiện lên sống động: Đó là nơi vua ngự triều, là căn hầm chỉ huy trong kháng chiến, là những hiện vật từng gắn với triều đại xưa. Lịch sử di sản không còn là những con chữ khô khan trong sách vở, di sản nay đã trở thành “người bạn kể chuyện”, đưa các em ngược dòng thời gian để hiểu hơn về kinh đô nghìn năm văn hiến.
Tham quan khu trưng bày báu vật “Hoàng Cung Thăng Long” (Ảnh: Quỳnh Anh)
Thầy cô và học sinh cùng dâng hương tại Điện Kính Thiên (Ảnh: Quỳnh Anh)
Tham quan hầm chỉ huy tác chiến T1 (Ảnh: Quỳnh Anh)
Tiếp nối chuyến tham quan của chặng trước, các em đến với chặng “Hội Chợ Di Sản”. Tại đây, học sinh được tham gia loạt trò chơi tương tác vui nhộn, như: Ném vòng thi đấu giữa các lớp, ghép tranh Mosaic tái hiện di tích, lật thẻ đố vui về Hoàng thành... Mỗi trò chơi là một mảnh kiến thức nhỏ, giúp các em tích lũy điểm số để đổi lấy những phần quà kỷ niệm, đồng thời khơi gợi trí tò mò, kích thích tư duy quan sát và ghi nhớ lịch sử một cách tự nhiên.
Các bạn học sinh tham gia hoạt động lắp ghép tranh Mosaic về di tích lịch sử (Ảnh: Quỳnh Anh)
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, nhóm Kinh Đô Kỳ Họa đã cho ra mắt bộ sản phẩm Blind Box mô hình lắp ráp Hoàng thành Thăng Long – một cách tiếp cận di sản đầy sáng tạo và gần gũi với giới trẻ. Mỗi hộp mô hình là một bất ngờ, là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lịch sử chung, góp phần lan tỏa tình yêu di sản theo cách nhẹ nhàng và hiện đại hơn.
Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đánh giá cao nỗ lực sáng tạo của nhóm sinh viên, đồng thời kỳ vọng những hoạt động như vậy sẽ ngày càng lan tỏa, đưa di sản đến gần hơn với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Hoạt động lật thẻ bài giải câu đố. (Ảnh: Quỳnh Anh)
“Nếu di tích là một người bạn, bạn nghĩ mình đã hiểu người bạn ấy bao nhiêu?". Câu trả lời sẽ rất khó với một số bạn trẻ hiện nay. Có thể là ít hoặc nhiều nhưng quan trọng hơn hết đó là cuộc gặp gỡ đã diễn ra, là sự kết nối đầu tiên được hình thành. Và từ đó, giữa người trẻ và di sản sẽ tiếp tục được bồi đắp qua từng lần trải nghiệm, từng trò chơi, từng mô hình lắp ghép. Lịch sử không chỉ còn trong quá khứ, mà nó sống động và hiện hữu hơn trong ngày nay.
Trần Quỳnh Anh