A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chương trình số 09: Vững mạnh từ cơ sở

Bài 3: Tập trung đào tạo cán bộ quân sự cơ sở, xây dựng lực lượng dân quân thường trực

QPTĐ-Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng LLVT Thủ đô trong tình hình mới, trên cơ sở thực hiện các chỉ tiêu Chương trình 09, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy các địa phương, chỉ đạo xây dựng, quy hoạch, đào tạo và tạo nguồn cán bộ quân sự cơ sở. Cùng với đó, thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban CHQS xã, phường, thị trấn; thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng dân quân thường trực.

Dân quân thường trực quận Hoàn Kiếm phối hợp với các lực lượng 

tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. 

Làm tốt quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo cán bộ
Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác xây dựng, quy hoạch, tạo nguồn gắn với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ quân sự ở cơ sở. UBND Thành phố đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác khảo sát, lựa chọn nguồn đào tạo; tham mưu với UBND Thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể của từng khóa học, cũng như làm tốt các bước chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện. 

Thượng tá Bùi Văn Học, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mỹ Đức cho biết: Triển khai công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm Ban CHQS cấp xã, Ban CHQS huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Huyện ủy và các ban, ngành liên quan, tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở. Lựa chọn những đồng chí có năng lực, trách nhiệm, trẻ tuổi, nhiệt huyết với công việc để cử đi đào tạo. 

Trong 6 tháng đầu năm 2023, chúng tôi đã hoàn thành 5 chỉ tiêu đưa đi đào tạo cán bộ Ban CHQS xã, thị trấn trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. Huyện Mỹ Đức hiện có 22 xã, thị trấn, trong đó 21 xã, thị trấn, các đồng chí chỉ huy trưởng đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên. Qua theo dõi, chúng tôi thấy đội ngũ chỉ huy trưởng quân sự ở cơ sở đã và đang tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. 

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là trung tâm đào tạo cán bộ quân sự cơ sở của Hà Nội. Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng từng khâu trong quy trình giáo dục-đào tạo, nhất là tuyển chọn đầu vào đào tạo cán bộ theo chức vụ chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, quy định. 

Cùng với đó, thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên, trong đó nòng cốt là học viên ngành quân sự cơ sở. Đại tá Đỗ Hồng Thái, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Từ năm 2009 đến nay, Nhà trường đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Bộ Tư lệnh, các địa phương và Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong mở 52 khoá đào tạo học viên ngành quân sự cơ sở các trình độ từ trung cấp đến đại học với tổng số 2.122 học viên. 

Hiện tại, Nhà trường đang quản lý, đào tạo 8 lớp quân sự cơ sở với 146  học viên thuộc 5 loại hình đào tạo: Đại học, cao đẳng chính quy; liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học… Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Nhà trường thực hiện nhiều giải pháp, trong đó coi trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng và từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Quá trình quản lý, đào tạo, cùng với việc trang bị những kiến thức cơ bản về ngành quân sự cơ sở, Nhà trường luôn sâu sát, nắm tâm tư, nguyện vọng học viên, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương. 

Với phương châm “chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng SSCĐ của đơn vị”, trong huấn luyện, diễn tập Nhà trường đã bám sát thực tiễn, tổ chức cho học viên thực hành trên từng cương vị, chức trách để học viên dễ hình dung bài học và vận dụng kiến thức được trang bị nhằm mục đích sau khi ra trường, mỗi đồng chí thể hiện tốt nhiệm vụ chuyên ngành.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đến hết tháng 7, thành phố Hà Nội có có 557 chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã, trong đó có 315 người được đào tạo cơ bản cao đẳng, đại học quân sự cơ sở, 228 người đào tạo trung cấp, 100% là đảng viên. Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở đã qua đào tạo về công tác tại địa phương đã phát huy vai trò, trách nhiệm, vận dụng tốt kiến thức quân sự đã được học ở nhà trường áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả công việc nâng lên rõ rệt. 

Song, việc đào tạo cán bộ Ban CHQS xã, phường, thị trấn và bổ nhiệm chức vụ sau đào tạo còn nhiều bất cập. Thành phố vẫn còn 5 chỉ huy trưởng, 73 chỉ huy phó chưa qua đào tạo. Có nơi thiếu cán bộ, có nơi thừa cán bộ. Nhiều cán bộ sau đào tạo chưa được bố trí, sử dụng theo quy hoạch. 

Tại Hội nghị Sơ kết công tác quân sư, quốc phòng địa phương của Thành phố 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương thời gian tới, tiếp tục chăm lo bồi dưỡng, nâng cao năng lực tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp cán bộ sau đào tạo theo quy định, đảm bảo 100% cán bộ được đào tạo, hoặc cử đi đào tạo trở về được sử dụng nhằm phát huy tốt vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Xây dựng dân quân thường trực vững mạnh
Tổ chức xây dựng và hoạt động của lực lượng dân quân thường trực (DQTT) xuất phát từ yêu cầu thực tế về công tác quốc phòng, quân sự địa phương trong xây dựng khu vực phòng thủ, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thực hiện Kế hoạch số 579/KH-UBND ngày 22/12/2020 của UBND Thành phố về xây dựng lực lượng DQTV thành phố Hà Nội 5 năm 2021-2025, đến nay toàn Thành phố đã xây dựng được 26 tiểu đội DQTT. Tiêu biểu là quận Hoàn Kiếm 10 tiểu đội; quận Ba Đình 7 tiểu đội, quận Tây Hồ 4 tiểu đội.

 Trong Chương trình 09, Thành phố xác định: Phấn đấu đến hết năm 2025 có 50% quận, huyện, thị xã thành lập DQTT (15 trung đội); từ 30-40% xã, phường, thị trấn thành lập DQTT (từ 174 đến 232 tiểu đội). Dự kiến thành lập DQTT từ tháng 7 đến hết năm 2023, Thành phố sẽ có thêm 1 trung đội và 22 tiểu đội. 

Đại tá Bùi Văn Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: Bộ Tư lệnh đã tham mưu xây dựng lực lượng DQTT theo đúng Kế hoạch của UBND Thành phố, trước mắt tập trung ở các địa phương trọng điểm về quốc phòng và các địa phương có điều kiện để xây dựng (theo quyết định của cấp có thẩm quyền, toàn Thành phố có 80 xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng). 

Thông qua tổ chức và hoạt động của 26 tiểu đội DQTT của các quận, huyện trong thời gian qua cho thấy, các xã, phường, thị trấn có DQTT hoạt động rất thiết thực, hiệu quả, là lực lượng nòng cốt, xung kích đi đầu trong giải quyết, xử lý kịp thời các tình huống ngay tại cơ sở, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao và cần được tổ chức, xây dựng ở nhiều địa phương. 

Tuy nhiên, việc bố trí chỗ ăn, ở và làm việc cho lực lượng DQTT hiện nay còn khó khăn. Nguồn kinh phí bảo đảm cho duy trì và hoạt động lực lượng DQTT đối với một số địa phương chưa cân đối được ngân sách. Trước thực trạng trên, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã đề nghị Thường trực Thành ủy đồng ý về chủ trương Thành phố bảo đảm ngân sách cho các huyện còn khó khăn khi tổ chức thành lập các đơn vị DQTT để duy trì hoạt động.

Trung tá Lê Đại Dương, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ, có nhiều di tích lịch sử, phố cổ cần được bảo tồn và tôn tạo, mật độ dân cư cao. Vì vậy, việc lựa chọn địa điểm làm trụ sở cho lực lượng DQTT là hết sức khó khăn, chật hẹp như: Phường Cửa Nam diện tích sử dụng 28m2; phường Hàng Mã diện tích 17,1 m2; trụ sở DQTT phường Phúc Tân đã xuống cấp chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời. 

Mặt khác do tác động của nền kinh tế thị trường làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cán bộ, chiến sĩ DQTT; công dân trong độ tuổi DQTV thường xuyên thay đổi. Thao trường huấn luyện chật hẹp nhất là thao trường huấn luyện thực hành. 

Chính vì vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Song căn cứ tình hình thực tế, để đảm bảo hoạt động của lực lượng DQTT các phường theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sử dụng ngân sách hợp lý và phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn quận, Ban Thường vụ Quận ủy Hoàn Kiếm đã đề xuất điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu xây dựng lực lượng DQTT trên địa bàn quận tại Chương trình 06- CTr/QU của Quận ủy. Từ “đảm bảo 18/18 phường xây dựng tiểu đội DQTT thành xây dựng lực lượng DQTT cấp quận (từ 1 trung đội thiếu 1 tiểu đội đến 1 trung đội) và duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của DQTT 10 phường hiện có”.

Hữu Thu
 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Phóng sự ảnh
Dự báo thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Tỷ giá ngoại tệ