Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô
QPTĐ-“Giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị-nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ”. Đây là mục tiêu tổng quát Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Thủ đô không ngừng được nâng cao.
Đời sống người dân được bảo đảm
Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Nhiều chính sách đặc thù của Thành phố được ban hành, đi vào thực tiễn cuộc sống, đạt kết quả tích cực.
Lĩnh vực lao động việc làm của Thủ đô có bước phát triển mạnh mẽ. Các sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm bình quân cho 154.000 lao động/năm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,3%. Chính sách an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, trong đó tập trung hỗ trợ khó khăn do dịch Covid-19. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội giảm còn 0,33% theo chuẩn mới; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,1%. Đặc biệt, Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Hiện có 13 huyện và 367/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đứng đầu cả nước.
Công tác giáo dục-đào tạo được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai giải pháp dạy học trên truyền hình, qua mạng internet và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chương trình học, nhất là lớp cuối cấp.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được coi trọng. Hà Nội đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được quan tâm toàn diện. Thành phố triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; hướng tới bệnh viện vệ sinh, bệnh viện Xanh-Sạch-Đẹp; phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị, nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương và khu vực.
Sự quan tâm của Thành phố trong công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội đã góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc (HPI), tạo nên cuộc sống hạnh phúc, no ấm, tiến bộ của mỗi gia đình, góp phần tạo ra một xã hội hạnh phúc, hài hòa và công bằng.
5 nhóm giải pháp trọng tâm
Chương trình số 08-CTr/TU cũng xác định những mục tiêu cụ thể nhằm phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân; đồng thời, đặt ra 27 chỉ tiêu cụ thể, tiêu biểu như: Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; giải quyết việc làm cho 160.000 lượt người/năm; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi; người có công với cách mạng cơ bản có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn…
Để hiện thực hóa các mục tiêu, Chương trình số 08-CTr/TU đã đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội. Các cơ quan chức năng xác định rõ chính sách xã hội, chăm lo cho người dân là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, thành phố, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội; đặt con người vào trung tâm chính sách, phát triển kinh tế phải gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội...
Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống an sinh xã hội bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của thành phố. Bảo đảm các nhóm yếu thế được tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản. Ban hành mức chuẩn nghèo và chuẩn trợ cấp xã hội cao hơn mức chuẩn chung của cả nước, hỗ trợ các hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo.
Thành ủy đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Thành phố đa dạng hóa các nguồn lực huy động, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện công khai, minh bạch trong khai thác, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện chính sách xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Hà Nội cũng đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm về phát triển hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân ngang bằng với khu vực và quốc tế. Đổi mới, sáng tạo trong công tác đối ngoại, xác định hiệu quả không chỉ là nguồn lực mà còn là sức mạnh mềm góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô. Hà Nội cũng chủ động, tích cực nắm bắt, tận dụng các cơ hội, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến đời sống nhân dân. Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, Thủ đô đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trên tinh thần hiệu quả, cùng tiến bộ.
Đức Minh