Tập trung cải cách thể chế, tạo động lực mới cho phát triển
QPTĐ-Tập trung thảo luận Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch Covid-19 là những nội dung chính tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật (tháng 8 năm 2021).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật. (Ảnh: Internet)
Một trong ba khâu đột phá chiến lược
Phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua; sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh công tác xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng các quy định; tăng cường nhân lực cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, dành ưu tiên về nhân lực cho việc khó này. Đồng thời, đầu tư về thời gian, công sức, bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người làm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thực tế, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai nhiệm vụ nêu trên, nhưng vẫn còn một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự quan tâm, còn chậm trễ, thờ ơ, cần rút kinh nghiệm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nắm vững, hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định.
Phát biểu khai mạc, phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. “Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhưng phải cân đối nguồn lực để làm có trọng tâm, trọng điểm. Có việc làm trước, có việc làm sau, việc gì thật cần thiết thì làm ngay, có nội dung phải thí điểm, có nội dung phải đề xuất một luật sửa nhiều luật… Các quy định dù có làm kỹ bao nhiêu cũng không thể phủ hết được các góc cạnh của thực tiễn. Phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định, tổng kết, đánh giá thấu đáo, sâu sắc, toàn diện, tổng thể, đề xuất vấn đề thực sự có chất lượng, sát thực tiễn, chặt chẽ”- Thủ tướng nêu rõ.
Lựa chọn trọng tâm, trọng điểm
Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày. Các ý kiến cơ bản tán thành với đề nghị xây dựng Luật. Liên quan tới Luật Dược và các quy định về y tế, Nghị quyết 30 của Quốc hội và Nghị quyết 86 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19 đã cơ bản giải quyết các vướng mắc pháp lý. Các nội dung khác cần sửa đổi căn cơ phải tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, các cơ quan tiếp tục rà soát rất kỹ trên cơ sở một số nguyên tắc, trước hết là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương “một luật sửa nhiều luật” theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thủ tướng nêu rõ: Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa, đưa vào quy định. Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng, tạo đồng thuận thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội. Nguyên tắc thứ ba là phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quản lý nhà nước bằng xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Các bộ không “ôm” việc, không tập trung dồn việc lên Trung ương. Một nguyên tắc khác là làm có trọng tâm, trong điểm, lựa chọn làm trước những nội dung cần thiết, cấp bách nhất để tháo gỡ, quyết tâm giải quyết những ách tắc kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ để tạo động lực, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn.
Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu như giảm thiểu các thủ tục hành chính. Có công cụ kiểm soát việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam tham gia lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Không mở mới thêm cơ sở đào tạo nhân lực về kinh doanh bảo hiểm, nếu cần thiết thì bổ sung thêm chuyên ngành tại các cơ sở đã có.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự thảo Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, Thủ tướng nêu rõ, tần số là tài nguyên quốc gia, do đó phải có cách sử dụng hiệu quả. Hiện nay, chiến tranh trên không gian mạng rất khốc liệt, nếu không làm chủ không gian mạng thì sẽ bị lúng túng, bị động, bất ngờ khi có chiến tranh. Trên thế giới, đã có quốc gia thất bại, sụp đổ do thất bại trên không gian mạng. Do đó, tần số phục vụ bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh, quốc phòng phải được ưu tiên bảo đảm tối đa. Còn tần số phục vụ thương mại không thuộc lĩnh vực an ninh-quốc phòng thì tuân theo quy luật kinh tế thị trường, đấu thầu, đấu giá bảo đảm công khai, minh bạch.
P.Linh